Trái cây, được mùa vẫn buồn
"Năm nào được mùa, hàng sẵn, đẹp, thoải mái kén chọn thì giá lại rẻ, buôn bán lời lãi cũng chẳng đáng bao nhiêu" - bà chủ kiốt chợ hoa quả Long Biên vừa ghi ghi, chép chép lên cuốn sổ theo dõi xuất nhập hàng, vừa như giãi bày về quy luật buồn cho người nông dân và cũng chẳng vui mừng cho dân buôn.
. Ảnh: minh họa - Internet |
Nhớ lại năm trước vải thiều Lục Ngạn có giá bình quân khoảng 13,5 nghìn đồng/kg, cao nhất trong vòng hơn chục năm trở lại đây, cả người bán lẫn dân buôn đều thắng lớn với những khoản thu không nhỏ từ quả vải. Thắng lớn bên cạnh việc một số vùng sản xuất vải thiều áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch (VietGAP), có chỉ dẫn địa lý, thực hiện đóng hộp... bước đầu ý thức xây dựng thương hiệu cho cây vải thì việc…mất mùa vải cũng làm cho quả vải có giá hơn.
Năm nay, mới đầu mùa nhưng nỗi lo mất giá lại đeo đẳng người trồng vải vì được dự báo sẽ… được mùa. Câu chuyện biết rồi nói mãi này năm nào cũng là vấn đề mới, vấn đề thời sự. Trong khi các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ kéo dài cho quả vải tươi thêm được mấy ngày, chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo quản và chế biến vải, thì các lò sấy vải đều đã được người dân chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng nhen lửa khi giá vải tươi xuống thấp hơn. Các điểm bán than, thùng xốp, đá cây phục vụ cho mùa vải cũng đã… sẵn sàng.
Từ chuyện cây vải, ngẫm chuyện trái cây Việt Nam thấy nhiều loại trái cây có vị ngon và mùi thơm đặc biệt; me Việt rôn rốt ngon hơn me Thái, vải Việt không ủng nước như vải Tàu, xoài Việt chắc chắn ngon hơn xoài Úc… Mùa nào thức nấy vừa tươi ngon vừa rẻ hơn hàng ngoại quốc. Nhưng phần lớn do không được bảo quản đúng cách nên quả xoài Việt Nam bày trên sạp hai, ba ngày đã chín nũng, nải chuối chậm bán cuối ngày đã thâm kim, ổi ngắt sau vài ngày đã héo thấy mà thương... Câu chuyện một nền công nghiệp chế biến sau thu hoạch mục đích để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam, làm vơi đi nỗi lo người nông dân không biết có phải là giấc mơ xa vời!?
Theo Văn Lãng
Báo Kinh tế & Đô thị