Xuất khẩu gạo: Nhiều doanh nghiệp có thể bị loại
> Năm tháng, xuất khẩu gạo giảm 18%
> Xuất khẩu gạo: Năng nhặt chặt bị!
. Ảnh: minh họa - Internet |
Trước đây, xuất khẩu gạo theo cơ chế tự do nên các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia. Do vậy nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp vốn chẳng liên quan gì tới ngành hàng gạo, không có kho bãi, nhà máy chế biến gạo, nhưng cũng thu gom gạo và xuất khẩu.
Trong khi đó, thương nhân nước ngoài và nhiều doanh nghiệp trong nước mặc dù nhiều điều kiện thuận lợi, có năng lực trong hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo thì lại không thể xuất khẩu gạo. Vì, một số ý kiến cho rằng, quyền lực điều phối xuất khẩu gạo nằm trong tay của Hiệp hội lương thực (VFA) và họ thường ưu tiên cho những cho những doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội, gây nên tình trạng độc quyền trong xuất khẩu gạo. Từ đó, đã phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường.
Bởi vậy, nghị định 109 với hàng loạt những quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ làm minh bạch hóa hoạt động xuất khẩu gạo, loại bỏ những doanh nghiệp kém năng lực trong lĩnh vực này, đưa xuất khẩu gạo vào quy củ.
Tuy nhiên, như đã nói, đến thời điểm này mới chỉ có một doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo nghị định 109. Đó là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex).
Còn lại, phần lớn các hồ sơ đăng ký gửi đến đều bị trả về vì chưa có giấy chứng nhận có cơ sở xay sát và kho chứa theo quy định.
Nghị định 109 quy định, thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ... Thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện trên chỉ được tham gia cung ứng gạo, chứ không được xuất khẩu trực tiếp.
Theo VFA, trong số hơn 200 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo, hiện có 57 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10.000 tấn/năm và chiếm 87% lượng gạo xuất khẩu. 137 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 13% lượng gạo xuất khẩu. Có 40 doanh nghiệp xuất khẩu một năm chỉ 200-300 tấn gạo, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được... một tấn gạo/năm.
Chiếu theo những quy định trong nghị định 109, có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu gạo không đủ năng lực. Theo Chủ tịch VFA, phải kiên quyết loại bỏ việc xuất khẩu gạo mà không bảo đảm kho chứa, cơ sở chế biến, buộc doanh nghiệp có trách nhiệm với người trồng lúa và cạnh tranh sòng phẳng với những doanh nghiệp làm ăn bài bản khác.
Để được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo, trong thời gian qua, Angimex đã xây dựng 11 phân xưởng với hệ thống kho chuyên dùng có tổng sức chứa 65.200 tấn lúa, gạo và đảm bảo thời gian bảo quản tối đa một năm. Bên cạnh đó, công ty còn có 11 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất 5-30 tấn/giờ...
Ngoài Angimex, hiện còn một số doanh nghiệp khác cũng đáp ứng được các quy định và đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký, tuy nhiên số lượng này chưa tới con số 10. Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, một doanh nghiệp không có kho tàng, vùng nguyên liệu sẽ khó khăn trong đàm phán hợp đồng với đối tác, không chủ động giá bán. Bởi khi ký được hợp đồng, doanh nghiệp mới tiến hành thu gom gạo của hàng xáo, nông dân.
Nghị định 109 buộc doanh nghiệp phải đầu tư kho tàng, xay xát. Từ đó sàng lọc doanh nghiệp là điều cần thiết. Việc tranh mua - tranh bán của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo thời gian qua đã làm yếu thế cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt than thở, nghị định 109 sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Điều kiện của nghị định đòi hỏi vốn đầu tư rất cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Hiện nay để đầu tư kho bãi có thể chứa 5.000 tấn gạo (bao gồm dây chuyền, nhà máy chế biến), doanh nghiệp cần phải bỏ ra một số vốn tương đối lớn cỡ 25-35 tỉ đồng.
Ông Trần Phước Thuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ cũng cho rằng, thực hiện nghị định 109, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó, do khả năng tài chính hạn chế, đầu tư xây dựng kho chứa lúa thời gian thu hồi vốn chậm, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng rất nhiêu khê.
Theo một số chuyên gia, nghị định 109 mới chỉ tập trung giải quyết khâu kinh doanh xuất khẩu gạo, mà chưa đề cập đến khâu sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu và quyền lợi của người nông dân cũng chưa rõ.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu quan điểm: nghị định 109 quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn không những không giải quyết được việc thiếu kho chứa lúa gạo hiện nay mà còn hạn chế cạnh tranh vì thẳng tay xóa bỏ các doanh nghiệp nhỏ.
Hội Nông dân mong muốn Nhà nước cần nghiên cứu cho nông dân vay vốn để xây dựng kho chứa thóc riêng của họ, bảo quản được thóc lúa ngay tại gia đình, chờ đến thời điểm được giá thì bán, không cần doanh nghiệp thu mua tạm trữ nữa, ông Lượng nói.
Theo: Chương Phương
vneconomy.vn