Sàn vàng “chui” bẫy nhà đầu tư

Sàn vàng “chui” bẫy nhà đầu tư
Nhiều cách phù phép của các công ty môi giới khiến người chơi trên sàn vàng “chui” chỉ “từ thua đến... thua”
Sàn giao dịch vàng “chui” đang hoạt động ì xèo
Sàn giao dịch vàng “chui” đang hoạt động ì xèo.

Cuối tháng 4 vừa qua, một nhà đầu tư tham gia sàn vàng “chui” của công ty môi giới A khớp lệnh “thắng” 5.000 USD trong một phiên giao dịch nhưng sau đó toàn bộ dữ liệu liên quan đến kết quả giao dịch của anh đều bị xóa sạch... Đây không phải là trường hợp duy nhất gặp rủi ro khi đầu tư trên sàn vàng dạng này.

Mất tiền oan

Anh Chính, nhà đầu tư bị mất 5.000 USD nói trên, kể lại: Ngày 24-4, anh có “đánh” 2 lệnh qua tài khoản mở tại sàn vàng của công ty môi giới A và “thắng” tổng cộng 5.000 USD khi thị trường vàng thế giới biến động mạnh. Thế nhưng, chỉ 3 phút sau, toàn bộ dữ liệu và số tiền thắng của anh trong tài khoản đều về 0.

Anh Chính gọi điện thoại đến công ty A phản ánh thì nhân viên ở đây cho biết do thị trường Mỹ nghỉ lễ Phục sinh nên các giao dịch trước 0 giờ của ngày hôm đó đều bị hủy. “Nếu thị trường nghỉ giao dịch như công ty giải thích thì vì sao lệnh của tôi vẫn được chấp nhận và vẫn khớp?” – anh Chính đặt vấn đề.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các sàn vàng “chui” hiện hoạt động dưới hình thức nhà đầu tư mở tài khoản để giao dịch trên các sàn vàng ở nước ngoài thông qua công ty môi giới trong nước. Kể từ khi các sàn vàng chính thức trong nước đóng cửa (tháng 3-2010), hoạt động của các sàn vàng “chui” ngày càng rầm rộ.

Mới đây, dự thảo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mức phạt 500 triệu đồng đối với việc mở sàn giao dịch vàng “chui”. Thế nhưng, hiện vẫn có rất nhiều công ty mở sàn và mời gọi các nhà đầu tư tham gia giao dịch.

Liên lạc với công ty H.H, một trong những đơn vị đang có hoạt động đầu tư vàng dạng này, nhân viên tư vấn của công ty cho biết thủ tục mở tài khoản rất đơn giản. Nhà đầu tư có thể “đánh” vàng từ 4 giờ ngày thứ hai đến 4 giờ ngày thứ bảy với tài khoản ký quỹ thấp nhất chỉ 200 USD. Tương tự, nhân viên của các công ty ADIG, IGI, K.T... cũng sẵn sàng tư vấn cho nhà đầu tư muốn đặt cược trên sàn vàng “chui” như hỗ trợ mở tài khoản, tư vấn cách chơi... Thậm chí, tại một số trang web, nhân viên tư vấn còn hướng dẫn cách chơi để “đánh thắng” trên sàn vàng. Một tư vấn viên của công ty H.H khoe: “H.H là công ty môi giới các lĩnh vực vàng, tiền tệ, chứng khoán hàng đầu hiện nay, rất được tin tưởng nên không có chuyện lỗi mạng để “xù” khách hàng...”.

Nhà đầu tư nắm đằng lưỡi

Dù tỉ lệ ký quỹ chỉ 1% - 2% nhưng người chơi có thể giao dịch khối lượng vàng/ngoại hối trị giá gấp hàng trăm lần nên nhiều người đã nhảy vào. Tuy nhiên, một số người có thâm niên kinh doanh vàng tài khoản cho biết các “nhà cái” (công ty mở sàn vàng “chui”) thường nắm đằng chuôi nên người chơi rất dễ gặp rủi ro.

Chuyện nhà đầu tư mới chơi bị “cháy” tài khoản là bình thường trong khi số người thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi “nhà cái” thường dùng các xảo thuật để thay đổi kết quả giao dịch. Cách thông thường nhất mà các “nhà cái” áp dụng là viện cớ lỗi mạng, đường truyền có vấn đề. Khi đó, các lệnh “thắng” trong thời gian này sẽ không được công nhận. “Chạy làng” bằng cách xóa sạch dữ liệu trên tài khoản của người chơi, hệ thống mạng khi có người “thắng” lớn cũng thường được áp dụng..., đó là chưa kể dạng “ôm” tiền trong tài khoản của nhà đầu tư rồi đóng cửa sàn.

Một số chuyên gia tài chính lưu ý: Việc tổ chức sàn vàng “chui” kinh doanh vàng tài khoản trên sàn thế giới đều bị cấm ở trong nước nên các sàn vàng “chui” thường lách luật bằng cách ký hợp đồng giữa nhà đầu tư với một đơn vị khác hoặc chuyển tiền ký quỹ của người chơi vào tài khoản riêng của một cá nhân... Mối quan hệ giữa nhà đầu tư và sàn vàng “chui” chủ yếu dựa vào niềm tin, vì vậy người chơi không thể thắng kiện nếu xảy ra tranh chấp.

Ép giá vàng theo ý muốn

Một số thông tin từ nhà đầu tư cho biết có công ty mở sàn vàng “chui” rồi bỏ vài chục ngàn USD mua phần mềm từ nước ngoài, “dựa hơi” vào sàn vàng quốc tế nhưng thực chất “nhà cái” tự điều hành. Giá vàng vẫn chạy theo thị trường thế giới nhưng “nhà cái” có thể ép xuống thấp hoặc nâng lên cao hơn thị trường để đối phó khi nhà đầu tư “ăn đậm”. Chẳng hạn, trong ngày 23-4, vàng thế giới lên tới 1.497 USD/ounce nhưng trên sàn giao dịch loại này giá vàng niêm yết chỉ tăng lên 1.485 - 1.490 USD/ounce. Lúc này, nếu nhà đầu tư bán ra thì sẽ bị thiệt so với giá thật ít nhất là 7 USD/ounce.

Theo Thái Phương
Người lao động

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG