Các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá bán USD dưới trần tỷ giá 120 - 170 đồng/USD trong khi chênh lệch giá mua bán ngoại tệ này tiếp tục ở mức cao, khoảng 100 đồng/USD.
Theo Phó tổng phụ trách nguồn vốn một ngân hàng, tại thời điểm này, nguồn cung ngoại tệ của ngân hàng có dấu hiệu cải thiện nhờ một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu bán ra.
Hiện một số ngân hàng ngỏ ý sẵn sàng bán USD cho các cá nhân có nhu cầu chính đáng nhưng thông tin cho thấy lượng giao dịch này rất thưa thớt bởi hạn mức bán ra của các ngân hàng vẫn thấp chỉ một vài trăm USD, không đủ hấp dẫn.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, nhiều người gửi tiết kiệm ngoại tệ đáo hạn nhưng vẫn chấp nhận gửi tiếp dù mức lãi 3%/năm. “Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân vẫn e ngại gửi tiền đồng sẽ thiệt”- Ông khẳng định.
Theo một nguồn tin, NHNN chuẩn bị ban hành quy định mới về việc mở rộng đối tượng phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tổ chức.
Theo đó, có thể ngay đầu tháng 5 tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam; Tổng Cty Cảng hàng không miền Nam; Tổng Cty Lương thực miền Nam; Tổng Cty Lương thực miền Bắc; Tổng Cty Lắp máy Việt Nam) và các doanh nghiệp thành viên (danh sách lấy trực tiếp từ website của Ban Đổi mới doanh nghiệp) phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ và có quyền mua ngoại tệ từ các TCTD.
Tinh thần thông tư mới là các tổ chức doanh nghiệp phải tự cân đối nguồn thu – nhu cầu chi ngoại tệ hợp lý của mình và bán phần ngoại tệ còn dư. Tổng số ngoại tệ tổ chức mua lại từ TCTD tối đa bằng tổng số ngoại tệ tổ chức đã bán cho TCTD.