Án chồng... án

Án chồng... án
TP - Cho tới thời điểm này, vụ thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng và làm thất thoát hơn 4.600 tỷ đồng tại Cty cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba nhân vật (Vũ Quốc Hảo, nguyên TGĐ; Tôn Quang Việt, nguyên Phó Trưởng phòng cho thuê Cty cho thuê tài chính II; Đặng Văn Hai, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Quang Vinh). Rồi đây, những người làm thất thoát tài sản nhà nước hoặc có tham nhũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là chuyện của pháp luật.

>> Sẽ theo sát vụ thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng
>> Lỗ, thất thoát ngàn tỷ do không kiểm tra, giám sát

Dưới góc nhìn của dư luận xã hội, cũng như góc độ quản lý kinh tế, chúng ta không thể chấp nhận kiểu làm ăn lấy tiền nhà nước, cũng là tiền thuế do dân đóng góp, để "ném qua cửa sổ" như vậy. Bởi chỉ cách đây vài năm (năm 2004), tại Sở Quản lý (SQL), kinh doanh vốn và ngoại tệ, cũng thuộc Agribank chỉ riêng 3 tháng (10, 11 và 12-2004), việc kinh doanh ngoại tệ chuyển đổi giữa đồng EUR và USD đã lỗ hơn 29,2 triệu USD (thời điểm đó tương đương gần 500 tỷ đồng).

Trong kinh doanh, rủi ro dẫn đến thua lỗ là chuyện thường, nhưng ở đây lãnh đạo SQL này đã cố ý làm trái, dẫn đến thua lỗ. Hậu quả, đã có ít nhất 5 cán bộ lãnh đạo và nhân viên của SQL bị khởi tố, trong đó hai người bị bắt giam.

Cho đến nay, đã qua 4 năm, kể từ khi vụ án trên được khởi tố điều tra, ba trong số năm bị can đã được Viện KSND Tối cao đình chỉ điều tra, miễn tố, còn vụ án không biết vì sao vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Vụ án trên, ở thời điểm đó, không chỉ gây choáng váng cho dư luận xã hội, mà bản thân từng cán bộ của Agribank cũng coi đó là bài học lớn. Sau vụ án đó, nay Agribank đã có thế hệ lãnh đạo mới (cả tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng thành viên), nhưng bệnh cũ vẫn tái phát. Lần này, căn bệnh trầm trọng hơn. Chuyện khó tin đã xảy ra.

Một doanh nghiệp mới thành lập được 5 năm, nhưng kết luận kiểm toán ban hành cuối tháng 10-2010 đã cho thấy, năm 2009 ALC II lỗ tới 3.004 tỷ đồng (gấp 8,5 lần vốn điều lệ), đưa công ty đến bờ vực phá sản và làm thất thoát số tiền của Nhà nước lên tới 4.617 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao bằng 60,4% tổng dư nợ, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản là 2.573 tỷ đồng, mất khả năng thanh khoản trầm trọng vào quý IV năm 2009 là 1.763 tỷ đồng và đến cuối năm 2010, ước tính mất khả năng thanh khoản ở mức hơn 6.600 tỷ đồng và có thể còn cao hơn thế nếu không có biện pháp thu hồi nợ tích cực.

Theo kết quả kiểm toán, sở dĩ xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, do công ty có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước...

Thật khó tin, khi một công ty nhà nước, huy động và chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lại không được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Chỉ đến khi doanh nghiệp đã bên bờ vực phá sản, không thể che chắn nổi mọi chuyện mới vỡ lở!

Không biết rồi đây, 810 tỷ đồng (trong đó có 200 tỷ đồng đã quá hạn) mà Cty này vay nợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam (từ tiền của người lao động đóng góp để có chế độ lương hưu khi về già); hàng trăm tỷ nợ của đối tác và nhiều tổ chức tín dụng khác ai sẽ gánh thay?

Nhắc lại chuyện cũ, thêm bài học mới. Nhưng với kiểu làm ăn "ném tiền qua cửa sổ" và cách quản lý vô trách nhiệm như vậy, không biết đây có là bài học cuối đối với Agribank - ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước thuộc diện tốp đầu này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.