Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Giá cả leo thang, doanh nghiệp vượt khó
TP - Giá xăng dầu tăng cao cùng với giá điện tăng khiến các doanh nghiệp căng mình tìm đường bù lỗ. Các ngành chức năng TP Đà Nẵng cũng đang căng sức kiềm giá trước biến động hiện nay.
Tăng cường kiểm tra chống tăng giá. |
Tạm thời bù lỗ
Ngay khi giá xăng, dầu tăng, các đơn vị vận tải thuộc Hiệp hội Vận tải TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp khẩn, cùng bắt tay về phương án tăng giá cước một cách hợp lý và đồng bộ. Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng, đây vẫn là một bài toán khó do giá chi phí nhiên liệu chiếm 30- 40% giá thành, nên khả năng các đơn vị cũng phải tăng cước từ khoảng 15-18% mới tạm ổn để hoạt động tốt. Nguyên tắc là sau khi thống nhất mức giá mới 1 tháng thì mới thông báo áp dụng nên trong thời gian này, các đơn vị vận tải phải bù lỗ.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Thuận Thành đơn cử, với 50 đầu xe, hàng tháng Cty phải “gánh” thêm khoảng 60 triệu đồng do giá xăng tăng lên.
“Thế nhưng, tính thì dễ, áp dụng mới khó do các gói hợp đồng dài hạn vẫn phải áp dụng theo mức cước đã ký. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận để “cứu” nhau chứ không phải mạnh ai nấy “bơi” để rồi cùng chìm” – ông Hòe phân tích.
Trong khi đó, không chờ Cty Quản lý bến và dịch vụ vận tải Đà Nẵng thống nhất phương án tăng giá vé để trình Sở Tài chính TP Đà Nẵng phê duyệt, các chủ phương tiện đã tự ý tăng giá khi đón khách bên ngoài, mặc dù vẫn giữ nguyên giá vé niêm yết tại bến.
Các tuyến xe ngắn TP Đà Nẵng – TP Tam Kì (Quảng Nam) hay TP Đà Nẵng – Quy Nhơn (Bình Định) tăng từ 10 – 20.000 đồng/vé. Các xe chất lượng cao đường dài thu thêm mức 20.000 – 30.000 đồng/vé với lời giải thích “bù thêm giá xăng”.
Còn khi áp dụng giá điện mới, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang tìm đủ đường giải bài toán tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Ông Nguyễn An - Tổng Giám đốc Cty Thép Thái Bình Dương cho biết, nếu tính theo bảng giá mới, mỗi tháng Cty chịu thêm khoảng 450 triệu đồng. Chính vì vậy mà Cty đã tăng vốn đầu tư công nghệ cao, xây dựng quy trình khép kín từ các khâu: nấu, luyện, cán… để giảm tiêu hao nguyên liệu.
Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp vào cũng đủ sức thay đổi công nghệ liên tục để tiết kiệm nhiên liệu. Ông Trần Văn Lĩnh - Giám đốc Cty Thủy sản Thuận Phước chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã đầu tư thay thế các thiết bị sản phẩm cũ bằng những thiết bị mới tiết kiệm năng lượng hơn, nhưng giá cả năm nào cũng tăng, còn thiết bị thì đâu phải mỗi năm thay một lần để tiết kiệm được”.
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Trưởng phòng kinh doanh Xuất nhập khẩu, Cty Cổ phần Dệt may 29-3 lo ngại:” Phía Cty sẵn sàng đối diện với việc tăng giá điện cùng với những chi phí khác tăng cao. Nhưng việc tăng giá điện phải đảm bảo điện được cung ứng đầy đủ. Bởi nếu cúp điện hoặc thiếu điện, chi phí sản xuất của doanh nghiệp phải tăng lên gấp đôi khi chạy máy phát điện bằng dầu”.
Quyết liệt kiềm giá
Trước thực trạng đó, ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết các ngành chức năng đang ráo riết kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, sữa… để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá. Phía Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức các đội liên ngành tăng cường kiểm tra niêm yết giá và thực hiện bán theo giá niêm yết. “Hiện nay, nguồn dự trữ lương thực của Đà Nẵng hiện tại khá dồi dào nên đảm bảo sẽ ổn định giá trong khoảng thời gian tới” – Ông Bằng khẳng định.
Trong nhiều cuộc họp bàn các biên pháp bình ổn giá vừa qua, ngành Công thương cũng đã phát hiện nhiều mánh khóa của tiểu thương là tăng giá “nhỏ giọt” nhưng liên tục trong thời gian ngắn nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường không chỉ kiểm tra mà còn tái kiểm tra nhiều lần để ngăn chặn tình trạng này.