Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Doanh nghiệp Việt vượt bão
Bão giá khiến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, tăng cao, đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Việt. Làm thế nào để doanh nghiệp không phải sa thải nhân công?.
Tiết giảm tối đa chi phí
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, trong bối cảnh hiện nay, thay vì ngồi đợi Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp phải tự cứu mình, rà soát lai chiến lược kinh doanh, tiết giảm chi tiêu. Các doanh nghiệp cần tự điều chỉnh, tận dụng các cơ hội tái cấu trúc kinh tế để phát triển.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp tuyệt đối tránh những ý tưởng “lãng mạn”, tốn kém, tăng cường phát huy các sáng kiến giảm chi phí, tự cân đối nguồn vốn, hạn chế phải huy động vốn ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư trung và dài hạn. “Các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết đầu vào với nhau để doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia, liên kết mua cổ phần hoặc sản phẩm theo kiểu đầu tư chung để đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất. Cũng cần hạn chế các đơn hàng dài hạn để tránh khi giá nguyên liệu tăng đẩy chi phí lên cao”- Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Dán nhãn sản phẩm sữa Physiolac tại Cty cổ phần Dược phẩm Việt Nam trước khi đưa ra thị trương. |
Theo ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam- Casumina, có nhiều cách để doanh nghiệp giảm chi phí. Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp đặc biệt không nên “giương buồm cao để tránh gió to, sóng lớn”. Việc thay đổi phương thức thanh toán, giao hàng – lấy tiền ngay để tránh hàng tồn kho, giảm vay và tìm cách quay vòng vốn nhanh cũng là những biện pháp tốt với doanh nghiệp trong hoạt động hiện nay.
Không tăng giá bán để giữ khách
Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2008-2010, sữa bột tăng giá 16 lần, mỗi lần tăng từ 3-10%. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, cũng là sữa nhập ngoại nhưng từ năm 2010 đến nay, Cty CP Dược phẩm Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu sửa bột nguyên lon Physiolac của Pháp không tăng giá.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Ngọc Lân, Phó Tổng giám đốc, cho biết: “Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, năm 2011 Cty tiếp tục thực hiện chính sách giữ giá sữa”. Đến nay, sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu lên 10%, nhiều loại sữa nhập khẩu rục rịch tăng giá, song Physiolac vẫn giữ giá. Để làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, đồng thời phải tiết kiệm chi phí. Ông Lân cho biết, nếu như các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kinh doanh có bảy vị trí (đại diện thương mại- giám sát- giám sát khu vực- quản lý khu vực-giám đốc vùng-giám đốc điều hành-lãnh đạo Cty), thì hệ thống của Cty chỉ có ba vị trí (đại diện thương mại- quản lý khu vực-lãnh đạo Cty). Ngoài ra, Cty thực hiện chiến dịch quảng cáo có lựa chọn.
“Chúng tôi chọn hình thức quảng cáo trực tiếp tới khách hàng bằng hình thức như giới thiệu sản phẩm, phát tờ rơi... Nhờ việc không tăng giá, cộng với chất lượng sữa gần với sữa mẹ, được kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, nên tuy giảm lợi nhuận trên mỗi hộp sữa, nhưng bù lại, Cty bán được nhiều sản phẩm, thị phần ngày càng tăng”, ông Lân nói.
Ông Nguyễn Xuân Quá, Giám đốc Cty bánh Bảo Ngọc cho biết doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn. Cty cũng đề nghị các đại lý lớn không tăng giá, còn bản thân doanh nghiệp hạn chế sản xuất các mặt hàng thị trường tiêu thụ chậm, tập trung vào các mặt hàng bán chạy. “Một mẻ bánh Bảo Ngọc có 36 khay, trước đây chỉ có 20 khay cơ sở vẫn nướng, nhưng giờ phải chờ đủ số lượng mới nướng để tiết giảm nhiên liệu. Bên cạnh đó, họ thay đổi giờ giao hàng, tránh giờ tắc đường để giảm tiêu thụ xăng dầu và thời gian”, ông Quá chia sẻ.
Phạm Tuyên-Nhật Anh