>> Chống vàng, đôla và bất động sản hóa là tất yếu
Cuộc đua lãi suất huy động lại khởi động. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Lao theo lãi suất huy động
Đến hôm qua (4-4), chỉ ngoại trừ một số ngân hàng quốc doanh lớn không dám công khai lách trần lãi suất huy động 14%, còn lại đa số các ngân hàng cổ phần đã lao theo cuộc đua lãi suất huy động. Phổ biến nhất là hình thức khuyến mãi tặng quà cào là trúng, hay huy động VND đảm bảo bằng USD nhằm chống lạm phát...
Còn ngầm hơn là các giao dịch thoả thuận theo hình thức trên sổ vẫn ghi 14%/năm nhưng bên cạnh, phần chênh thậm chí được trả ngay bằng tiền mặt với một hợp đồng phụ, với điều kiện khách hàng không được rút vốn trước thời hạn.
Cuộc đua tăng lãi suất huy động đang nóng nhất khi diễn ra ở cả tiền gửi không kỳ hạn hoặc tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng với mức lãi suất cao từ 9-12%/năm. “Một hiện tượng chưa từng thấy trên thị trường tiền tệ Việt Nam” - một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Thậm chí tại nhiều ngân hàng cổ phần, còn có những kỳ hạn ngắn với lãi suất khủng như Habubank với mức lãi suất trả cuối kỳ cho kỳ hạn gửi 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày, 6 ngày tương ứng là 12,5%/năm; 13%/năm; 13,5%/năm và 13,8%/năm. Hoặc sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn lãi suất siêu thả nổi tại VietinBank khi khách hàng được chọn kỳ điều chỉnh lãi suất 1 tuần/2 tuần/3 tuần; Maritimebank với sản phẩm M1 gửi không kỳ hạn qua đêm tới 10%/năm.
Tại sao lại xảy ra chuyện nhiều ngân hàng cổ phần gặp vấn đề về thanh khoản và chấp nhận huy động bằng mọi giá? Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn, do NHNN đã từng bơm tiền đồng ra và giờ đang hút tiền đồng về. Với những ngân hàng nhỏ, trong cơ cấu vay nợ, đã đi quá giới hạn, nên đến thời điểm này, khả năng thanh khoản khó đảm bảo.
Việc đẩy lãi suất không kỳ hạn và qua đêm lên cao cho thấy thanh khoản ngày của nhiều ngân hàng đã lên đến mức cảnh báo. Việc họ cần khách hàng để có một khoản tiền không rút qua đêm là nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cuối ngày.
Khó phát hiện
Mới đây, Tiền Phong nhận được lá thư trong đó lưu những email trao đi đổi lại giữa lãnh đạo vùng của một ngân hàng cổ phần có tên tuổi. Nội dung thư đều tập trung vào chiến dịch của ngân hàng với việc chuẩn bị tung ra một sản phẩm huy động mới với lãi suất lên tới 17%/năm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chỉ tập trung vào một số khách VIP có số dư tiền gửi thấp nhất từ 1 tỷ đồng trở lên.
Để tránh bị phát hiện, họ bày cách lách luật, chỉ ghi trong hợp đồng lãi suất là 14%/năm, phần chênh lệch ghi ký hiệu. Thậm chí, lãnh đạo khối của ngân hàng này còn lưu ý “phải cẩn thận tránh sự chú ý của dư luận nhất là với dân báo chí và thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Dù rất cần huy động vốn, nhưng nếu không phải là khách quen đã từng gửi tiền hay được nhân viên ngân hàng đảm bảo thì không chia sẻ sản phẩm này”.
Trước thông tin nhiều ngân hàng đang đẩy lãi suất huy động lên 17-18%/năm dưới nhiều hình thức khác nhau, dù ghi sổ vẫn 14%, mấy ngày gần đây cơ quan thanh tra NHNN đã vào cuộc. Nhiều cán bộ ngân hàng thậm chí đã đóng vai thành từng cặp vợ chồng, mang theo túi đựng số tiền lên đến cả tỷ đồng đi gửi, nhưng không biết bằng cách nào, giới nhà băng đã “đánh động” cho nhau, các nhân viên thường “biết đường” từ chối không tiết lộ mức lãi suất trên.