Nguy cơ mất trắng vì nuôi hươu, nai không phép

Đàn hươu sao của một hộ dân xã Hiếu Liêm Ảnh: Đ.M
Đàn hươu sao của một hộ dân xã Hiếu Liêm Ảnh: Đ.M
TP - Hơn 100 hộ dân nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang có nguy cơ bị phạt tiền và tịch thu vật nuôi vì không chứng minh được nguồn gốc của chúng.

>> Bệnh lạ tấn công đàn hươu

Đàn hươu sao của một hộ dân xã Hiếu Liêm Ảnh: Đ.M
Đàn hươu sao của một hộ dân xã Hiếu Liêm. Ảnh: Đ.M.

Hơn 20 năm trước, 4 hộ dân đầu tiên ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện nuôi hươu, nai có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An. Từ 4 hộ nuôi 7 con nai ban đầu, đến nay xã Mã Đà và xã Hiếu Liêm có hàng trăm hộ nuôi hươu, nai với tổng đàn trên 1.000 con.

Xã Hiếu Liêm với gần 200 hộ nuôi trên 1.000 con đã trở thành làng nghề đặc thù; người dân đã thành lập hợp tác xã hươu, nai để mua bán sản phẩm, con giống… Con giống có giá từ 5 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, giá nhung hươu, nai 15 - 30 triệu đồng/kg. Nghề nuôi hươu, nai mang lại lợi nhuận cao và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

Năm 2008, theo đề án xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã Hươu, nai Hiếu Liêm được thành lập. Theo quy định của hợp tác xã, người nuôi hươu, nai muốn bán sản phẩm phải có giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cấp. Đến nay, hơn 50% số hộ nuôi hươu, nai chưa được cấp giấy phép do không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của vật nuôi.

Sẽ tịch thu rồi bán lại?

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, từ năm 2007, Chi cục triển khai cho người dân đăng ký và đã cấp giấy phép cho 89 hộ nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm có nguồn gốc vật nuôi rõ ràng, nhưng chưa hợp pháp với tổng số 4 hươu sao và 422 nai. Đến nay, có 103 hộ nuôi 21 hươu sao và 408 nai không chứng minh được nguồn gốc vật nuôi hợp pháp nên chưa được cấp giấy chứng nhận.

Đối với các trường hợp này, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đề xuất hướng xử lý là kiến nghị UBND tỉnh và Bộ NN & PTNT cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân tự phát nuôi hươu sao vì loài này không còn trong môi trường tự nhiên trên diện rộng nên không thể xảy ra tình trạng khai thác tự nhiên về làm nguồn giống nuôi.

Đối với các hộ nuôi nai, Chi cục Kiểm lâm kiến nghị cho phép phạt tiền, tịch thu vật nuôi, sau đó bán lại cho các hộ đang nuôi và cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã cho người nuôi. Chi cục Kiểm lâm cũng đề xuất hướng thứ hai là cho qua phần chứng minh nguồn gốc để cấp phép cho người dân vì đời sống của họ còn khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho rằng, người dân không được cấp giấy chứng nhận là do lỗi của họ bởi năm 2007, Chi cục đã cấp xong giấy chứng nhận cho người nuôi. Về sau, nhiều hộ thấy việc nuôi hươu, nai có lãi nên mua giống về nuôi thử, không làm hợp đồng mua bán, không báo Hạt Kiểm lâm để lập biên bản kiểm tra kê khai chứng minh nguồn gốc dẫn đến tình trạng hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đình Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hươu, nai Hiếu Liêm, không phải người dân không chấp hành pháp luật, mà thật ra nghề nuôi hươu, nai ở đây có từ trước khi có quy định. Ngoài ra, việc đăng ký gặp nhiều khó khăn nên người dân ngại.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, nói rằng, nhiều hộ khá lên từ nghề nuôi hươu, nai; việc nhiều người nuôi không được cấp giấy phép là do trước đây chưa có quy định chặt chẽ, vì vậy cần giải quyết hợp tình hợp lý cho ngươì dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG