Tăng tỷ giá, mỗi lít xăng sẽ đội thêm hơn 900 đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Đội chi phí hàng trăm tỷ đồng
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp này càng đau đầu hơn, trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu đang bị thua lỗ nặng như hiện nay.
Theo ông Dũng, Petrolimex đang phải vay một lượng ngoại tệ lớn của các ngân hàng do ngân hàng không có ngoại tệ để bán. Hàng nhập về cách đây vài tháng thì đã bán rồi trong khi ngoại tệ vay của doanh nghiệp phải tính theo tỷ giá mới. “Một thùng dầu trước đây 100 USD nhưng tỷ giá khi đó chỉ hơn 19.500 đồng/USD nay tăng lên 20.693 đồng/USD. Như vậy, nay mỗi thùng dầu phải chi thêm hơn 150 ngàn đồng (mỗi lít xăng tăng thêm hơn 900 đồng). Chi phí đầu vào tăng lên trong khi đầu ra chưa được điều chỉnh”- Ông Dũng nói.
Về tác động của điều chỉnh tỷ giá, tại cuộc họp của Bộ Công Thương, lãnh đạo Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết theo tính toán lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD thêm gần 2,1% ngày 18-8-2010 khiến doanh nghiệp mất 380 tỷ đồng, nay điều chỉnh tăng tới 9,3%, doanh nghiệp này mất gấp hơn bốn lần.
“Thực tế doanh nghiệp nhập khẩu theo hợp đồng, xăng dầu mua về bán rồi thì mới điều chỉnh tỷ giá nên khi thanh toán doanh nghiệp phải gánh lỗ từ việc tỷ giá điều chỉnh tăng. Gánh nặng tỷ giá doanh nghiệp sẽ phải san sẻ vào chi phí giá thành”, ông Dũng nói.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá ảnh hưởng nặng không chỉ với các doanh nghiệp nhập khẩu mà cả với những doanh nghiệp xuất khẩu phải nhập nhiều nguyên liệu từ nước ngoài như dệt may, cơ khí.
“Các doanh nghiệp năm 2011 tôi tin sẽ rất khó khăn. Khi đồng tiền bị phá giá như thế này lạm phát sẽ tăng rất mạnh. Tôi tin việc giữ lạm phát dưới mức 7% sẽ rất khó khăn. Chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cao su và thực phẩm thì có lợi trong việc điều chỉnh tỷ giá. Những doanh nghiệp sản xuất trong giá thành mà phải nhập khẩu tới 60% nguyên liệu thì chắc chắn là thảm hại. Ngành dệt may hiện bán 100 đồng mà phải nhập 80 đồng cũng sẽ rất khó khăn”- Ông Huyên nói.
Theo ông Huyên, cùng với tỷ giá, lãi suất cao đang là vấn đề khiến doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan. Là doanh nghiệp sản xuất có mối quan hệ tốt với các ngân hàng nhưng công ty của ông vẫn phải vay ở mức 18% - 20%. Đây là mức vay rất cao. Với mức lãi suất cao như vậy ngành sản xuất ô tô gần như chết đứng.
Giá nhiều mặt hàng sẽ tăng
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, việc thay đổi tỷ giá sẽ khiến giá cả thị trường trong nước tăng trong thời gian tới. Vì rằng, hầu hết các mặt hàng đều liên quan đến nhập khẩu, dù là liên quan trực tiếp hay gián tiếp. Các mặt hàng nhập khẩu tiêu dùng ngay thì sẽ tăng giá ngay sau đó và phần lớn tăng tương ứng với tỷ giá USD.
Các mặt hàng khác là sản phẩm của máy móc hay nguyên vật liệu nhập khẩu thì sẽ tăng theo thời gian của chu kỳ sản xuất, và mức tăng sẽ không tương thích với tỷ giá USD. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu hòa lẫn nhau thì mức tăng giá của toàn xã hội thời gian tới khoảng 3%, đó là mức tăng chấp nhận được.
Chị Vân, một doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo bộc bạch: “Tôi là nhà sản xuất bánh vừng với nguyên liệu chủ yếu là bột mỳ, đường, vừng, bơ, sữa, dầu thực vật...Những nguyên liệu trên đa phần phải nhập khẩu từ nước ngoài và thanh toán bằng USD. Khi tỷ giá tăng lên 20.693 VND/USD, tức tăng 9,3% thì các nguyên liệu nhập khẩu này dĩ nhiên là đội giá thêm 9,3% nữa, chưa tính đến biến động giá thế giới, giá thành nguyên liệu tăng mạnh. Vậy doanh nghiệp của tôi sẽ xoay xở ra sao?”. Trên thương trường không dễ gì tăng giá bán sản phẩm trong ngắn hạn cũng với mức tăng gần 10% kể trên, chị Vân lo ngại.
Còn theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, tỷ giá USD tăng dĩ nhiên là khuyến khích được xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu thuần túy sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng không phải là vấn đề quá lớn, nếu không nói là cũng có những thuận lợi nhất định là dễ dàng mua USD để thanh toán.
Riêng các doanh nghiệp vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu (theo kiểu nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu) sẽ gặp thuận lợi hơn khi cân đối được cán cân xuất và nhập khẩu. DN nào có tỷ lệ nguồn nguyên liệu nội địa càng nhiều thì càng gặp nhiều thuận lợi.
Tỷ giá USD tăng gần với thị trường tự do sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, một mặt họ sẽ có nhiều lợi ích hơn và cũng sẽ gặp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh.
Nợ công của Việt Nam đội thêm 34,5 nghìn tỷ đồng Với việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng tăng thêm 9,3% trong ngày 11-2, theo tính toán, với số nợ công tương đương 29 tỷ USD (tương đương 565,5 nghìn tỷ đồng, tính theo tỷ giá 1 USD = 19.500 đồng), nếu quy đổi ra VND, số nợ của Việt Nam đội thêm 34,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,667 tỷ USD tính theo tỷ giá 1 USD = 20.693 đồng). |