Chủ cây xăng vẫn 'móc túi' khách hàng

Ảnh trên: Mua bán xăng dầu tại cửa hàng số 23 (ảnh chụp ngày 28-11)
Ảnh trên: Mua bán xăng dầu tại cửa hàng số 23 (ảnh chụp ngày 28-11)
Không cần sử dụng chip điện tử như trước đây, chỉ bằng những mánh lới đơn giản như bấm số ảo, bấm số khống... để bơm xăng thiếu, nhiều cây xăng tại Thành phố Hồ Chí Minh hằng ngày vẫn ngang nhiên “móc túi” khách hàng.
Ảnh trên: Mua bán xăng dầu tại cửa hàng số 23 (ảnh chụp ngày 28-11)
Ảnh trên: Mua bán xăng dầu tại cửa hàng số 23 (ảnh chụp ngày 28-11). Ảnh: T.T.D.

Một trong những chiêu thức gian lận mới được nhiều nhân viên của các cây xăng áp dụng là bấm số “ảo” nhằm qua mắt người tiêu dùng. Theo đó, trong khi một nhân viên đổ xăng, một nhân viên khác sẽ đứng áp sát khu vực đồng hồ điện tử để quan sát, khi có cơ hội thuận tiện sẽ bấm thật nhanh cho đồng hồ chạy lên con số mà khách hàng muốn đổ.

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Phương (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7) bức xúc: “Tôi thường xuyên đổ xăng ở cây xăng gần chợ Bến Thành. Nhiều lần tôi cứ ngờ ngợ không hiểu sao mình đổ xăng bằng với số tiền những ngày khác, nhưng chỉ chạy được một đoạn là đã phải dẫn bộ xe. Sau vài lần quan sát, tôi phát hiện khi tính tiền thì đồng hồ điện tử chỉ nhảy phần tiền chứ hàng lít thì trống trơn”.

Người bấm, người “hô biến”

Khoảng 21g10 ngày 13-10, cửa hàng xăng dầu khu vực đối diện chợ Bến Thành (Q.1) tấp nập người ra vào đổ xăng. Một cô gái trẻ chạy chiếc Jupiter 79N9... vừa tấp vào yêu cầu đổ 20.000 đồng xăng A92. Trong lúc người khách nữ này còn đang lúi húi cởi áo mưa thì một nhân viên nam của cây xăng cầm vòi bơm nhưng chỉ đến con số 15.610 đồng thì ngừng bấm “cò”

Nhanh như chớp, một nhân viên khác đeo thẻ tên T.C.H. tiến tới trụ xăng bấm số điện tử cho nhảy lên con số 20.000 đồng. Người khách không hề biết mình đã bị gian lận đến gần 1/4 số tiền đổ xăng nên trả tiền và vọt xe đi.

Đến lượt chúng tôi, người bạn đi cùng yêu cầu đổ 20.000 đồng. Cũng thủ đoạn cũ, khi thấy chúng tôi đang trò chuyện thì một nhân viên cây xăng vội vã bơm đến con số trên đồng hồ là 16.000 đồng, ngay tức thì một nhân viên khác bấm ngay con số 20.000 đồng trên đồng hồ nhưng phần báo lít của đồng hồ thì không hiện số.

Nhân viên chuẩn bị bấm số khi một nhân viên khác đang đổ xăng cho khách
Nhân viên chuẩn bị bấm số khi một nhân viên khác đang đổ xăng cho khách.
Bấm số “khống” khi bảng đồng hồ là 12.250 đồng
Bấm số “khống” khi bảng đồng hồ là 12.250 đồng.
Kết quả lên tới 20.000 đồng - Ảnh trích từ video clip quay tại cây xăng khu vực đối diện chợ Bến Thành, Q.1
Kết quả lên tới 20.000 đồng - Ảnh trích từ video clip quay tại cây xăng khu vực đối diện chợ Bến Thành, Q.1.
 

Hai phút sau, các nhân viên này cũng có động tác tương tự khi một thanh niên trẻ tấp xe gắn máy vào bơm xăng. Chỉ bằng một thao tác bấm số đơn giản, ông nhân viên đã “hô biến” bảng số điện tử nhảy từ 23.980 đồng lên đến 30.000 đồng.

Tiếp đó, trong khoảng thời gian 18g-20g ngày 18-10, trò “móc túi” tại cây xăng này vẫn tiếp diễn kịch bản tương tự với cường độ cao hơn. Các nhân viên cây xăng thường xuyên thay đổi vị trí cho nhau với thủ thuật người bấm “cò”, người chớp cơ hội bấm số “ảo” từ 43.770 đồng lên 50.000 đồng, từ 14.990 đồng lên 20.000 đồng... với hàng chục khách hàng lần lượt bị qua mặt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây xăng này có hơn năm nhân viên thường xuyên trực đổ xăng cho khách. Các nhân viên này phối hợp với nhau khá ăn ý và sẵn sàng “án binh bất động” khi ánh mắt khách hàng nhìn chằm chằm vào bảng điện tử. Một số ngày, dù cây xăng rất vắng nhưng khách hàng lại đứng quá xa, không thể nhìn đồng hồ điện tử nên vẫn trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

“Bám trụ” cây xăng này trong gần một tháng, chúng tôi ghi nhận tình trạng “móc túi” khách hàng diễn ra hằng ngày. Nhiều ngày, bình quân chỉ trong khoảng 10 phút, chúng tôi đã ghi hình được không dưới 5-6 lần hai nhân viên cây xăng phối hợp cùng nhau “tác chiến” thực hiện hành vi ăn chặn.

Cao điểm, vào 18g ngày 26-11, chỉ trong vòng vài phút có tới năm khách hàng đã trở thành nạn nhân bị “móc túi”. Ông T.H.M. - kỹ sư vi tính, ngụ đường Lê Lợi (Q.1), một khách hàng thường xuyên đổ xăng tại đây - bức xúc: “Tôi tin tưởng nên mỗi khi đổ xăng đều ít quan sát nhân viên bấm đồng hồ. Mãi gần đây nghe một người bạn hay đổ xăng phản ảnh, tôi thử coi lại thì đúng là lúc mình giả vờ quay mặt đi nơi khác thì người ta nhanh tay... bấm số khác”.

Tương tự, khoảng 22g30 ngày 26-11, cửa hàng xăng dầu gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur (Q.3) nườm nượp xe ra vào đổ xăng. Cũng với chiêu thức bấm số “khống”, hàng loạt khách hàng bị ăn chặn từ 4.000-6.000 đồng tiền xăng cho mỗi lần đổ. Khi chúng tôi vừa dừng xe gắn máy, yêu cầu đổ 50.000 đồng thì một nhân viên đeo bảng tên L. nhanh chóng đưa vòi đổ xăng. Khi đồng hồ dừng ở số 4245 (đơn vị: x 10 đồng), chưa đầy một giây người nhân viên nữ đứng gần bảng số điện tử đã điều chỉnh thành con số 5.000.

Liên tiếp các lần bơm sau đó cho những khách hàng khác, người nhân viên tên L. cũng đổ thiếu từ 5.000-10.000 đồng/lần đổ. Gần nửa đêm, một nhóm thanh niên khoảng chục người đi xe gắn máy đời mới tấp vào đổ xăng thì tất cả đều bị gian lận tiền xăng từ 4.000-6.000 đồng/xe.

Một người đàn ông lam lũ, chạy xe ba gác đi chở hàng khuya, dừng lại đếm từng đồng xu đổ xăng cũng vô tình trở thành nạn nhân khi bị móc túi đến gần 10.000 đồng vì yêu cầu đổ 30.000 đồng nhưng lại bị “hô biến” khi xăng vừa bơm được hơn 20.000 đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây xăng này có 2-3 nhân viên luân phiên trực đổ xăng cho khách, trong đó có một nữ. Nhóm này “đặc cách” một người chuyên quan sát khách, đứng ở những vị trí khuất đồng hồ điện tử để nhanh tay bấm số “khống”.

Đủ trò gian lận

Một cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) cũng moi tiền khách hàng bằng hình thức tương tự nhưng tinh vi hơn. Vì trạm xăng có hai cột xăng nên nếu khách hàng đứng bên này thì nhân viên dùng cột bên kia để đổ xăng. Do vậy, khách hàng ít để ý các chỉ số trên đồng hồ điện tử. Lợi dụng lúc khách hàng sơ hở, đứng xa đồng hồ điện tử, các nhân viên cây xăng có thể đổ một cách “tùy nghi” dù chưa đạt số lượng xăng như yêu cầu.

Theo quan sát của chúng tôi, vị trí hành nghề của hai nhân viên cây xăng ở đây khá “đắc địa”, một cột có bốn vòi bơm (hai mặt trước và hai mặt sau) nhưng chỉ có hai vòi bên trong hoạt động. Như vậy, người khách đứng bên ngoài không thể nhìn được bảng số điện tử khi đổ xăng. Do đó nhân viên cầm vòi có thể thoải mái “móc túi” khách hàng. Chỉ trong vài phút, khi hai nhân viên cầm vòi ở hai mặt sau ra đổ cho khách đứng ở mặt trước, cả thảy có ba khách đổ 20.000 đồng thì mỗi xe chỉ nhận được số xăng tương ứng với số tiền 12.000-13.000 đồng.

Niêm phong 1 bồn xăng nghi pha nước lã

Ngày 28-11, Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã niêm phong một bồn xăng của cây xăng Hưng Thịnh, thị trấn Quốc Oai. Chiều 27-11, nhiều người dân đến cây xăng Hưng Thịnh đòi bồi thường vì mua xăng tại đây nhưng xe không đi được. Một số người dân cho biết khi đem xe ra cửa hàng sửa xe thì thợ cho biết xăng có nước lã nên không nổ được máy. Công an huyện Quốc Oai đã có mặt, nắm tình hình.

Sau khi lấy lời khai một số người dân, cơ quan công an quyết định niêm phong bồn xăng bị nghi ngờ có nước lã và mời đại diện cây xăng về trụ sở công an để điều tra. Phía cây xăng Hưng Thịnh khẳng định không pha nước lã vào xăng nhưng có thể trong quá trình vận chuyển từ kho ra cửa hàng để bán có sơ suất khi lưu giữ nên bồn xăng xuất hiện tình trạng có cặn và nước.

M.Q

Bạn đọc tên Thọ (Q.7), thường xuyên đổ xăng tại trạm xăng gần ngã tư Ngô Quyền - Nguyễn Chí Thanh (Q.5), bức xúc: “Hằng ngày tui đều đổ 20.000 đồng xăng A92 tại cây xăng này. Không hiểu sao mỗi ngày số tiền và giá xăng như nhau nhưng quan sát đồng hồ điện tử thì lại có chỉ số lít khác nhau. Tôi thấy cần xem xét về độ chính xác tại đây để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng”.

Một mánh khóe khác của một số trạm xăng là nhân lúc khách hàng không để ý bảng số trên đồng hồ điện tử, nhân viên của các cây xăng thường không trả số đồng hồ về “0” ban đầu mà tiếp tục bơm nối.

Do vậy, khách phải trả luôn tiền cho lần bơm của khách trước mình. Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) phản ảnh: “Tôi thường đổ xăng tại một cây xăng trên đường Hoàng Văn Thụ, một vài lần tôi đã bị đổ nối. Tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng, nhưng một lần vô tình quan sát đồng hồ điện tử cây xăng thì phát hiện mình bị đổ nối khi đồng hồ đang ở con số 20.000 đồng. Mình biết họ đổ thiếu nhưng không biết cách nào chứng minh được nên những lần sau tôi đành tìm cây xăng khác”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng, thợ sửa xe gắn máy ở gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, kể: “Rất nhiều lần các nhân viên một số cây xăng ở khu vực gần Trường đại học Nông lâm TP.HCM nhấp cò bơm xăng liên tục, tui có thắc mắc thì các nhân viên quay ngoắt đi không thèm trả lời.

Theo kinh nghiệm của tui và nhiều đồng nghiệp, đây là một hình thức ăn chặn xăng dầu rất tinh vi”. Theo ông Hùng và nhiều bạn đọc khác, việc nhấp “cò” nhiều lần sẽ làm áp suất không khí trong vòi đẩy chỉ số trên bảng điện tử chạy vượt mức với lượng xăng chính xác được bơm ra.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM):

Có thể bị xử lý hình sự

Xăng là một trong những hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó những hành vi gian lận trong cân, đong, đo, đếm, đóng gói đối với mặt hàng này sẽ bị phạt tiền gấp hai lần so với mức phạt thông thường.

Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính thì chủ cây xăng còn buộc đền bù thiệt hại cho khách hàng, trường hợp không xác định được khách hàng để đền bù thì tịch thu số tiền thu được do gian lận vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp chủ cây xăng vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm còn bị tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn 12 tháng trở lên.

Ngoài các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo điều 162 Bộ luật hình sự, trong đó mức nặng nhất có thể bị phạt tù đến 7 năm. Theo quy định pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết.

Hiện nay người tiêu dùng có thêm một địa chỉ mới là Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng vừa mới hình thành. Do đó, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể liên hệ với hội để được hỗ trợ giải quyết theo quy định của pháp luật.

 
Theo Bá Tùng - Ngọc Khải

Tuổi Trẻ

Theo Viết
MỚI - NÓNG