Kinh tế có triển vọng nhưng tiền được dự báo mất giá. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Theo Standard Chartered, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian trung hạn và đồng VND có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm trong năm 2011. Tăng trưởng GDP thực tế năm 2010 của Việt Nam sẽ ở mức 6,7%, lạm phát so với cùng kỳ năm trước ở mức 8,5%. Mức tỷ giá VND – USD duy trì đến hết năm 2010 ở mức 19.900 đồng/USD và sẽ lên mức trên 20.000 đồng/USD trong năm 2011.
Về những dự báo liên quan việc điều chỉnh tỷ giá, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, đã có nhiều ý kiến về mức điều chỉnh tỷ giá ở Việt Nam. Cách đây vài năm có ý kiến phải neo giá 1 USD ở mức 25 nghìn đồng.
Nhưng thực tế, ngay cả ở thị trường chợ đen chưa bao giờ 1 USD đạt mức 20 nghìn đồng. Việc neo tỷ giá ở mức độ nào phải tính cẩn thận vì ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu. Việc phá giá đồng tiền chưa chắc đem lại thuận lợi hơn cho cán cân thương mại trong khi Việt Nam chưa có cách giải quyết căn bệnh nhập siêu kinh niên. Việc điều chỉnh tỉ giá là con dao 2 lưỡi.
Standard Chartered cũng dự đoán tỷ giá giữa VND-USD sẽ giữ mức 19.500 vào cuối quý III và 19.900 USD vào cuối quý IV năm 2010; 20.000 vào cuối quý I năm 2011. |
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc đưa ra nhận định về việc giảm giá thêm của tiền đồng trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu lớn, lạm phát ở mức tương đối cao là chưa hợp lý. Bài toán Việt Nam nhập siêu nhiều năm không chỉ là hệ quả của tỉ giá, mà còn do nhiều doanh nghiệp không đầu tư công nghiệp phụ trợ, chủ yếu nhập khẩu linh kiện để bán tại thị trường trong nước.
Vấn đề hiện nay là giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam rất thấp. Nếu xuất khẩu 13 tỷ USD hàng dệt may, thì riêng tiền nhập nguyên phụ liệu đã tới 10 tỷ USD. Nếu để tiền VND giảm giá thêm thì giá trị nhập khẩu cũng tăng lên. Trong trường hợp này cần có phương thuốc đa dạng nhiều biện pháp chứ không chỉ có biện pháp giảm giá đồng tiền.