Rủi ro tài chính vĩ mô: Lớn nhất là tỷ giá

Rủi ro tài chính vĩ mô: Lớn nhất là tỷ giá
“Rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là tỷ giá”.

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và rủi ro tài chính vĩ mô” trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chuyên gia kinh tế và nhà tài trợ cho Việt Nam tại một hội thảo cấp cao về chính sách được tổ chức sáng nay, 18/8.

Theo ông Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP đã đạt cao hơn trong quý 2/2010, xuất khẩu tăng nhanh, giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ… nhưng bên cạnh đó, tồn kho cao, thu hút vốn FDI gặp khó khăn và thâm hụt thương mại đã gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dù lạm phát đã giảm tốc nhanh chóng nhưng trước sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và giá nguyên liệu tăng lên (giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh vào ngày 9/8 vừa qua), ông Nghĩa cho rằng các tháng còn lại trong quý 3, CPI có thể tăng khoảng 0,3% và con số sẽ còn cao hơn ở các tháng quý 4 năm nay, nhưng có thể chỉ quanh mức 0,5%.

“Có thể nói, kiểm soát lạm phát đã thực hiện khá tốt khi cộng dồn cả năm, CPI tăng khoảng dưới 8%”, ông Nghĩa cho biết.

“Nút thắt” tín dụng

Tuy nhiên, ông Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tín dụng vẫn đang là “nút thắt” cho hệ thống ngân hàng nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.

Tính đến cuối tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động trung bình của 36 ngân hàng thương mại đã xuống mức 11,09%/năm và lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên đã giảm từ 0,5-1,5% so với quý 1/2010, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn dao động ở mức 12,5%/năm và cho vay trung, dài hạn mức 13-14%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức khá cao, 15-16%/năm.

“Về căn bản, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Nghĩa nói. “Nếu tình hình kéo dài và không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng duy trì tăng trưởng ổn định trong những tháng tới”.

Liên quan đến hoạt động tín dụng các ngân hàng thương mại, ông Nghĩa lưu ý đến việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến hết tháng 7 đã quá cao, tăng trên 34% so với cuối năm ngoái, trong khi huy động giảm.

Phó chủ tịch Nghĩa cho rằng, trong những tháng tới, tín dụng VND sẽ tiếp tục tăng khi khả năng tăng cho vay ngoại tệ hầu như không còn, và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực đẩy mạnh hơn việc bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua thị trường mở theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phân tích hiệu quả điều hành, ông Nghĩa cho rằng, hiện thị trường tín dụng vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi.

Cụ thể, với việc bơm tiền trên thị trường mở đều đặn trong 2-3 tháng qua khiến cho nguồn vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) khá dồi dào nhưng các ngân hàng thương mại bị hạn chế dung vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng làm vốn tín dụng dẫn tới thiếu vốn cho vay và không thể tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng đang rẻ và dư thừa.

Hệ quả là các ngân hàng này phải tìm mọi cách tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất có thể để tìm nguồn vốn trong khu vực doanh nghiệp và dân cư, kéo theo các ngân hàng khác cũng không thể hạ lãi suất huy động của mình để đảm bảo tính cạnh tranh.

Không những thế, quy định này còn đẩy các ngân hàng thiếu thanh khoản vào tình thế tìm mọi cách lách luật để tồn tại, theo đó các ngân hàng thức hiện mức lãi suất huy động gần như bằng nhau cho tất cả các kỳ hạn, nhờ đó sẽ huy động được nhiều tiền gửi ngắn hạn và lách được quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn 30% tiền gửi ngắn hạn huy động cho vay trung và dài hạn.

“Với biểu lãi suất như vậy, các ngân hàng thương mại có thể đẩy lãi suất thực lên cao hơn, bởi lẽ lãi suất thực phụ thuộc và kỳ hạn gửi và cách tính lãi chứ không phụ thuộc vào chỉ số phần trăm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan đến thống tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, ông Nghĩa cho rằng đã tạo ra những lo ngại về sự khan hiếm tín dụng trong những tháng tới.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn cố tiếp tục giữ những quy định thiếu thực tế như trên thì việc thực hiện mục tiêu đưa lãi suất về mức ‘vào 10 ra 12’ chắc chắn sẽ càng khó khăn”, ông khẳng định.

Bất thường ngoại hối

Trong khi đó, thị trường ngoại hối thường xuyên căng thẳng trong suốt quý 1/2010 với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu ngoại tệ, có thời điểm, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức lên đến trên 200 đồng/USD.

Sang quý 2, sức ép tỷ giá có giảm bớt và nửa cuối quý 2, thậm chí tỷ giá thị trường tự do liên tục thấp hơn thị trường chính thức. “Cần lưu ý, đây là điểm trái quy luật và bất thường, chứ không phải dấu hiệu tích cực trong điều hành tỷ giá”, ông lưu ý.

Ông Nghĩa lý giải rằng, việc tỷ giá thị trường tự do thấp hơn thị trường chính thức phản ánh chênh lệch quá thấp giữa lãi suất cho vay bằng USD và VND, đã tạo ra một lượng cung ảo ngoại tệ rất lớn ra thị trường. “Điều này không chỉ gây méo mó cung cầu ngoại tệ mà còn tạo ra những hệ lụy phức tạp trong điều hành tỷ giá giai đoạn sau”, ông khẳng định.

Liên quan đến diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do đã trở lại cao hơn so với thị trường chính thức kể từ tháng 7 năm nay, ông Nghĩa cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy việc quy định hạn chế cho vay bằng ngoại tệ đã phát huy tác dụng và đang dần xóa bỏ được lượng cung USD ảo ra thị trường.

Tuy nhiên, việc giá mua USD bằng giá bán và luôn chạm trần tại các ngân hàng thương mại thời gian qua cho thấy hiện tượng “bình ngưng” vốn rất phổ biến trên thị trường ngoại hối trong năm 2009 đã chớm có dấu hiệu quay trở lại, nó phải ánh tình hình ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại đã bắt đầu căng thẳng và có hiện tượng thu thêm phí ngầm trong hoạt động mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng này, Phó chủ tịch Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa cũng dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là quý 4/2010, diễn biến tỷ giá USD sẽ khá phức tạp bởi cung cầu ngoại tệ có một số thay đổi nhất định do: nhập siêu đã cao hơn gấp đôi cùng kỳ và còn tiếp tục tăng; nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm do lãi suất VND giảm nhẹ, trong khi lãi suất ngoại tệ tăng lên; các hợp đồng vay đáo hạn khiến doanh nghiệp phải gom USD trả nợ…

Phó chủ tịch Nghĩa cũng lập luận rằng, với mức lạm phát cao, VND đang trong xu hướng mất giá so với USD, thậm chí VND đang được định giá cao hơn so với giá trị thực.

“Tóm lại, rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là tỷ giá hối đoái, khi mà sức ép tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía như thâm hụt vãng lai lớn; tỷ lệ vốn từ bên ngoài so với dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 37% năm 2009 lên 80%, trong khi tỷ giá hối đoái kém linh hoạt và bị định giá quá cao so với tỷ giá thực…”, ông Nghĩa lưu ý.

Theo Vneconomy

MỚI - NÓNG