Để chuẩn bị nội dung Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006), Hội nghị BCH Trung ương 12 đã cho ý kiến xung quanh việc đảng viên làm kinh tế. Về vấn đề này.
Ông Thanh cho biết: Thực ra vấn đề đảng viên làm kinh tế và được làm đến mức độ nào thì không phải hội nghị Trung ương 11 và 12 mới bàn, mà có những vấn đề các hội nghị trước đã bàn.
Trước đây đảng viên muốn làm kinh tế tư nhân thì phải xin thôi sinh hoạt Đảng. Nhưng từ Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX), Trung ương đã bàn và quyết định: Những đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng vẫn chấp hành Điều lệ Đảng, sinh hoạt Đảng đều đặn và thực hiện tốt những quy định của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có đóng góp cho xã hội thì vẫn sinh hoạt Đảng bình thường. Như thế là ta cũng đã cởi mở hơn.
Còn tại Hội nghị Trung ương 12, vấn đề đảng viên làm kinh tế tiếp tục được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến để chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội X. Lần này, tư tưởng chung là sẽ tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn đối với đảng viên. Hội nghị cũng đã thống nhất cao việc đảng viên làm kinh tế không hạn chế quy mô, mức độ, ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Ông Tạ Hữu Thanh |
Ý tưởng cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô được Hội nghị Trung ương 12 bàn thảo vừa rồi là từ đâu, thưa ông?
Cái này do bộ phận soạn thảo Văn kiện Đại hội X chuẩn bị, và đã được Bộ Chính trị thảo luận nhiều lần. Và Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi đã bàn thảo khá kỹ.
Việc cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô (để trình Đại hội X) là bước đột phá lớn. Vì sao có bước đột phá này, thưa ông?
Mục tiêu của chúng ta đề ra là phải thực hiện CNH - HĐH đất nước. Muốn thực hiện được mục tiêu này thì chúng ta phải giải phóng mọi cản trở làm ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất.
Nếu tư tưởng thông thoáng, mọi lực lượng sản xuất được phát huy thì chúng ta mới đáp ứng được những yêu cầu rất to lớn đó. Nếu một bộ phận kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản tư nhân mà không phát huy được, tức là chúng ta bỏ sót một lực lượng, một nguồn lực quan trọng.
Đồng thời, việc chúng ta cởi mở hơn với đảng viên khiến bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng tin hơn vào chính sách của Đảng ta, người ta sẽ đầu tư nhiều hơn nữa.
Như vậy, chúng ta vừa khai thác được nội lực tối đa của đất nước vừa thu hút được đầu tư của nước ngoài. Còn nếu chúng ta cứ cấm đảng viên, trong khi người dân bình thường lại được làm thì rõ ràng người ta cũng chưa tin.
Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn CNH - HĐH thì việc chỉ cho đảng viên làm kinh tế với quy mô gia đình, nhỏ lẻ không còn phù hợp với thực tế nữa. Trong khi đó, cách mạng về khoa học kỹ thuật của thế giới diễn ra hàng ngày, đòi hỏi trình độ tri thức phải cao hơn, năng lực điều hành phải cao hơn…
Như vậy, nếu được Đại hội X chấp thuận, các chủ DN tư nhân sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để đứng vào hàng ngũ của Đảng, thưa ông?
Đối với những người làm kinh tế tư nhân từ quy mô vừa và nhỏ đến quy mô lớn mà gắn bó với Đảng, người ta tự nguyện vào Đảng và thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và có đóng góp cho xã hội thì đó chính là tiêu chuẩn để họ có thể trở thành đảng viên…
Và như vậy, thậm chí họ có thể tham gia vào các cấp ủy Đảng, thưa ông?
Đúng vậy! Khi người ta đã trở thành đảng viên thì cũng có thể tham gia vào các cấp ủy Đảng, nếu có đủ tiêu chuẩn và được tín nhiệm.
Nhưng thưa ông, nếu cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô liệu có mâu thuẫn với tiêu chí về bóc lột mà lâu nay ta vẫn nghĩ về các ông chủ?
Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề mang tính lý luận đó. Mục tiêu của chúng ta đến cùng là thực hiện công bằng xã hội, không có người bóc lột người. Mà muốn như thế thì phải tạo ra của cải vật chất, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Làm sao để đời sống của nhân dân được cải thiện thì chúng ta mới tiến tới một xã hội công bằng, không có bóc lột được.
Hơn nữa, bây giờ hiểu tiêu chí bóc lột là thế nào? Cái này phải có quá trình để làm rõ. Bởi thực tế các ông chủ cũng phải bỏ ra trí tuệ, vốn liếng và trình độ khoa học công nghệ, rồi lại phải suy nghĩ làm ăn như thế nào cho có hiệu quả... những cái đó cũng là lao động.
Cho nên phải có một tiêu chí để xác định cái gì là bóc lột, cái gì không phải?… Những vấn đề thuộc về lý luận thì cứ tiếp tục làm rõ, chứ đừng vì lý luận chưa được làm rõ mà chúng ta lại hạn chế sự phát triển của thực tiễn.
Xin cảm ơn ông!
Tạo ra sự công khai, minh bạch Ông Thanh nói: “Việc cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô cũng là để tạo cơ chế công khai, minh bạch. Khi chính sách đã công khai, minh bạch, những đảng viên làm kinh tế cũng thấy yên tâm vì được pháp luật bảo vệ. Như vậy nó giải phóng được trong cả tổ chức và bộ máy của ta, đồng thời giải phóng được cho cả những đảng viên”. |