Quang cảnh buổi gặp gỡ các nhà làm du lịch Tây Nguyên năm 2008 |
Gần 100 đại biểu là đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo ngành VHTT &DL 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan, doanh nghiệp và công ty du lịch tham dự buổi gặp gỡ.
Tại buổi gặp, nhiều đại biểu cho rằng để thực hiện thế mạnh của du lịch Tây Nguyên là du lịch sinh thái và văn hóa, các địa phương cần hướng mạnh đến việc quảng bá.
Trong đó, các doanh nghiệp, công ty du lịch xây dựng hình ảnh về những tuyến du lịch gắn liền với các vùng tự nhiên còn nguyên sơ và các buôn làng dân tộc thiểu số, mang đậm bản sắc của Tây Nguyên.
Từ đó, hình thành các những điểm đến thực sự hấp dẫn dành riêng cho tổ chức lễ hội truyền thống và tham quan các di tích, danh lam. Một số ý kiến tập trung vào việc cần phối hợp với công ty du lịch lớn xây dựng các tour du lịch khai thác triệt để nét độc đáo, khác biệt của từng địa phương.
Theo ông Mai Văn Năm, Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng để làm du lịch vì ít có nơi nào có điều kiện thuận lợi để tạo sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn về du lịch như ở đây.
Tây Nguyên còn có nhiều thắng cảnh và khu hệ động, thực vật phong phú, nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hoà mát mẻ, thích hợp với nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch hội nghị.
Bên cạnh đó, nơi đây có tiềm năng du lịch văn hóa với một hệ thống các buôn, làng, plây cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ còn giữ được những đặc điểm cấu trúc, sinh hoạt, ngành nghề thủ công truyền thống và hàng chục lễ hội đặc sắc ở hầu hết các dân tộc.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý về việc tạo ra mối liên kết, sự kết hợp liên hoàn giữa các vùng, các địa phương để thúc đẩy du lịch Tây Nguyên. Theo đó, các tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các tour du lịch, mời gọi đầu tư và quảng bá về thương hiệu du lịch Tây Nguyên.