Một người Việt bán hàng tại thành phố Houston - Texas, Mỹ . Ảnh: Việt Hùng |
Cuối đông, tuyết tan, mưa rì rầm ẩm ướt. Cây cối trơ hơ những bộ khung xám xịt, se sọi. Tôi co ro suốt ngày cạnh lò sưởi, cầu khấn không có việc gì bị kéo ra ngoài. Rồi chồng tôi nghe điện thoại một hồi. Chị anh ấy dạy ở trường trung học Kent, một trường tư lâu đời và nổi tiếng cách khoảng ba cây số. Chị ấy nói với học sinh rằng có em dâu người Việt đang đến thăm.
Hai cô gái trẻ người Sài Gòn mừng phát cuồng, tha thiết mời em dâu cô giáo ăn tối. Tôi lười và ngại nên từ chối. Chuông điện thoại lại reo. Hai cô gái phát khóc, họ nhất quyết gặp bằng được tôi, chỉ đơn giản để nghe tiếng Việt, chỉ đơn giản vì tôi là người Việt Nam. Và nếu tôi không đi được, họ sẵn sàng lội mưa giữa cái rét 1 độ C vào làng.
Con gái ba tuổi của tôi ngày nào cũng “con muốn về Thanh Hóa coi con tru”. Ở Hà Nội, mỗi lần cháu nói thế đã buồn cười. Đất Mỹ, con trẻ líu lo vậy, nhiều khi không tin vào tai mình. |
Câu chuyện về hai cô gái trẻ thèm tiếng Việt cứ ám ảnh tôi mãi. Trở về Hà Nội, tôi kể cho nhiều người. Lạ thay, có những “đại ca” thường ngày ăn to nói lớn, ra rả chê bai người Việt hàng Việt cũng đằm mắt xuống buồn buồn.
Sau đó, có tin một nữ sinh Việt Nam 13 tuổi tự tử sau khi nhập học đúng ba tuần tại một trường trung học tư hẻo lánh ở bang Oregon, tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên. Xung quanh là rừng hoang núi lạnh, bên mình là giọng nói không như tiếng mẹ, đối với một cô bé 13 tuổi, quá sức chịu đựng.
Bố mẹ Việt nào trên đất Mỹ cũng muốn con nói được tiếng Việt. Nhưng giữa môi trường tiếng Anh, điều đó chẳng dễ chút nào.
Bao nhiêu ông bà từ Việt Nam sang thăm cháu dở khóc dở cười vì ngôn ngữ bất đồng. Người già ở Mỹ nói tiếng Việt giọng Huế, giọng Nam Định, giọng Sóc Trăng là lẽ thường. Giọng từ sợi rốn cái nhau mẹ sinh, giọng từ củ khoai hạt lúa nuôi lớn, thấm thẩm từng thớ thịt. Nhưng trẻ em trên đất Mỹ nói tiếng Việt giọng địa phương không thể không cười.
Học từ ông bà, học từ bảo mẫu, thậm chí một ai đó hay đến nhà. Con gái ba tuổi của tôi ngày nào cũng “con muốn về Thanh Hóa coi con tru (trâu)”. Ở Hà Nội, mỗi lần cháu nói thế đã buồn cười. Đất Mỹ, con trẻ líu lo vậy, nhiều khi không tin vào tai mình. Con trai một người bạn suốt ngày “chi rứa, chi rứa? Con thèm ăng bún bò”.
Tiếng Việt phát ra khỏi đôi môi đỏ thắm của đứa trẻ chỉ mang nửa dòng máu Việt giữa nơi không là nhà đã cảm động, tiếng ấy lại mang âm hưởng mảnh đất chôn nhau của mình thì thực sự dậy hương thơm. Có đứa trẻ đến trường kể chuyện với bạn bè mẹ Cầm tao thế này, mẹ Cầm tao thế kia. Một ngày, đến trường đón con, mẹ ngỡ ngàng nghe câu chào “Hi mẹ Cầm” không chỉ từ bạn con mà từ cả bố mẹ bạn con và cô giáo.
Gia đình nhỏ của tôi mới quay lại Mỹ một tuần, cháu đã có biểu hiện quên tiếng Việt. Tôi rất buồn nên kiên quyết không trả lời nếu con hỏi bằng tiếng Anh. Và cặm cụi đọc truyện cổ tích cho con nghe cả ngày. Ăn cơm- Tấm Cám, tắm- Thạch Sanh, ngủ- Cây khế… Mấy ngày sau, cháu không nói từ nào tiếng Anh với mẹ nữa, lại quay về giọng Thanh Hóa ngộ nghĩnh.
Xem cách nhà thơ Mỹ Bruce Weigl nuôi dạy con gái nuôi Việt Nam bảo tồn nguồn gốc và tiếng nói mẹ đẻ, thấy kết quả đầy ắp nhân văn. Nhưng không nhiều người làm được như ông. Tôi gặp nhiều trẻ em gốc Việt không nói nổi một câu tiếng mẹ. Về thăm quê, chúng hoàn toàn là người ngoại quốc. Nghe chúng nói tiếng Anh với họ hàng, nhìn những cái lắc đầu của ông bà, phải buông những thở dài.
Một lớp học tiếng Việt tại Pháp. |
Bà ngoại một cô bé lai xinh đẹp từng dở khóc dở cười kể bà phải nói chuyện với cháu bằng tay chân, và chuyện bà cảm thấy có tội vì lòng mình không dành nhiều tình thương cho đứa cháu này. Có cái hố vô hình ngăn cách, bà nói thế. Tôi hiểu. Cô cháu lai xinh đẹp đã không thể áp đầu vào ngực bà gọi bà ơi âu yếm hay du dương hát bà ơi bà cháu yêu bà lắm.
Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê không nói từ tiếng Việt nào trong buổi giao lưu với khán giả tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội hồi tháng 10 vừa qua, dù rằng chị rời Việt Nam năm 14 tuổi. Trả lời chất vấn của độc giả, chị nói vì mải chinh phục nền văn học tiếng Pháp, hoàn thiện Pháp văn mà chị quên tiếng Việt.
Chị ngồi trong khán phòng hôm ấy, với hình hài người con gái Việt Nam da vàng, xõa mái tóc đen dài, giữa những người cùng chung giống nòi, sao quá đỗi xa lạ. Tôi chỉ thấy một nhà văn Pháp có tác phẩm dịch sang tiếng Việt đang giao lưu với độc giả mà thôi.
Liên quan đến hai tiếng mẹ ơi, lại nhớ phim Cánh đồng bất tận làm mưa làm gió thời gian qua. Thú thực, tôi không thỏa mãn lắm khi xem xong bộ phim, và thành thực mà nói dù quen biết Hải Yến, tôi cũng không thể nức nở khen cô cho vai diễn gái điếm Sương.
Song, có một chi tiết đã ám ảnh tôi, cứu bộ phim ở lại trong trí nhớ. Đó là lúc đau đớn, hoảng loạn, mê mệt nhất, Sương đã cất tiếng gọi mẹ ơi, và khi Nương cật vấn, Sương buồn mà tâm sự rằng bất cứ ai khi cùng đường cũng gọi mẹ ơi, dù mẹ không còn nữa, dù mẹ đã bỏ rơi mình.
Quay lại nước Mỹ, mùa đông, giáp Tết tây, gần Tết ta, khu người Việt ở San Jose vẫn tà tà. Vào quán café, cứ ngỡ mình đang đâu đó giữa Sài Gòn, Đà Nẵng. Những khuôn mặt khắc dấu lưu vong chìm khuất dưới khói thuốc mịt mù, những giọng Việt ít bổng ít trầm loi ngoi trong rét. Dăm ba đứa trẻ ríu rít tiếng Anh chạy vô lo. Muốn buồn, thấy buồn. Tự nhủ mình chạy nhanh về nhà đọc Âu Cơ – Lạc Long Quân, đọc Trương Chi, đọc Bà Trưng Bà Triệu cho con…
Ai đó nói mất tiếng là mất gốc, điều đó đúng với thế hệ chúng tôi hay cha chú chúng tôi, chôn nhau cắt rốn trên quê mẹ Việt Nam. Với con cái chúng tôi, phải nói giữ được tiếng Việt là giữ được gốc nguồn. Không biết có còn ai nghĩ như tôi?
Berkeley, Noel 2010