Bệnh đàn ông

Bệnh đàn ông
TP - Nam có quan hệ tình dục nhiều dễ bị ung thư tuyến tiền liệt hay chí ít thì cũng dễ bị phì đại tuyến tiền liệt, có đúng không ? Có mối quan hệ gì giữa tình dục với tuyến này ?

Thông thường nam giới khoẻ mạnh chỉ quan tâm đến tuyến tiền liệt (TTL) sau tuổi 50, khi đó TTL mới bắt đầu to ra và ở một số người thể tích TTL có thể to đến mức chèn ép ống niệu đạo gây nhiều triệu chứng tiết niệu và trong trường hợp này thường là do u lành tính TTL, thể hiện các triệu chứng như hay buồn đái về ban đêm cũng như ban ngày và ngay ở giai đoạn này chức năng tình dục đã bị ảnh hưởng.

Ung thư TTL có thể gây ra những vấn đề cho chức năng tình dục như khó đạt được sự cương dương hay xuất tinh đau. Vì ống dẫn tinh đưa tinh dịch vào phần niệu đạo nằm trong TTL và dịch từ chính TTL tiết ra cũng có trong thành phần của tinh dịch cho nên khi bị ung thư thì khả năng tình dục cũng bị ảnh hưởng và gây ra đau khi xuất tinh.

Ảnh hưởng của quan hệ tình dục đến TTL đã dựa trên nhiều nghiên cứu, khảo sát:

Nếu như các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến là xuất tinh có thể có lợi ích giảm được nguy cơ ung thư hoá tuyến nhưng chưa hoàn toàn đồng ý về tầm quan trọng của khả năng bảo vệ này.

Vì thế ở Úc đã có một nghiên cứu dịch tễ học khá lớn trên 1529 nam khoẻ mạnh  và 1079 người có khối u TTL.  Kết quả nhận thấy là những nam giới độ tuổi từ 20 – 50 xuất tinh nhiều,  ít nhất 5 lần mỗi tuần thì nguy cơ ung thư giảm được một phần ba so với những người ít xuất tinh (mỗi tháng chỉ xuất tinh từ 4 đến 7 lần).

Các nhà khoa học giải thích rằng mỗi lần “rùng mình” (xuất tinh) là mỗi lần TTL loại bỏ được các chất gây ung thư tích tụ ở tuyến. Họ không chỉ quan tâm đến số lần quan hệ tình dục mà đến cả khoái cảm để chứng minh số lần quan hệ tình dục có chất lượng cần đạt được mới đem lại hiệu quả.

BS Giles, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích rằng không xuất tinh thường xuyên có thể làm cho các chất gây ung thư tích tụ trong cơ thể. Nhận xét nói trên cũng tương tự như phụ nữ cho con bú thì nguy cơ ung thư vú cũng giảm.

 Một nam giới nói: Mỗi tuần, tôi quan hệ tình dục 5 lần (ban đêm) và thủ dâm 5 lần (buổi sáng), lẽ dĩ nhiên cả những ngày nghỉ cuối tuần…và bây giờ nồng độ PSA của tôi chỉ còn dưới 0.5 (nếu cao hơn 4 nanogram/ml báo hiệu có tiến triển ung thư).  

 Một nghiên cứu khác công bố vào năm 2004 trên JAMA (tạp chí của hội y học Mỹ rất kén chọn bài) đã cho thấy mối liên hệ giữa tần suất xuất tinh (21 lần mỗi tháng) và nguy cơ ung thư TTL, nhận thấy tác động của việc xuất tinh nhiều dẫn đến tỷ lệ bệnh rõ ràng thấp hơn.

 Một nghiên cứu quốc tế giữa Châu âu và Mỹ trên 10,000 nam đã cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa cường độ của các triệu chứng tiết niệu và những thay đổi về chức năng cương dương (có lẽ do tác dụng gián tiếp đến các thần kinh xung quanh) vì TTL nằm chính giữa đường đi của các dây thần kinh chi phối chức năng cương dương.

Ung thư TTL là lí do chủ yếu để nam giới có tuổi tìm đến thầy thuốc. Đáng buồn là ung thư TTL ngày nay có thể gập ở cả những người nam độ tuổi 50 cùng với dấu hiệu thay đổi về chức năng tình dục. Cách đây không lâu, phát hiện ra khối u TTL rất hiếm trước tuổi 60.

TTL có vai trò chủ yếu trong sinh sản của nam vì cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu để tinh trùng có thể sống trong âm đạo; có thể nói không có TTL thì nam không thể có khả năng sinh sản. TTL đã từng là đối tượng của nhiều nghiên cứu nhằm bảo vệ tuyến không bị ảnh hưởng của mọi thứ bệnh và nếu có được điều trị thì không được gây tổn thương đến thần kinh chi phối chức năng cương dương.

Khi những biến đổi ở TTL đã làm ảnh hưởng xấu đến chức năng tình dục thì không nên để kéo dài vì càng để lâu càng khó điều trị. Để giảm những tác dụng xấu của TTL quá to (ảnh hưởng đến các thần kinh xung quanh) có nhiều loại thuốc như thuốc chẹn anpha, thuốc có nguồn gốc thực vật hay thuốc ức chế endim; những thuốc này có tác dụng cho khoảng 50% số trường hợp.

Khi điều trị bằng thuốc không đem lại kết quả thì cần can thiệp ngoại khoa: lấy đi TTL để giải phóng sự chèn ép vào niệu đạo. Tới nay, can thiệp ngoại khoa là lựa chọn phổ biến nhất. Nhiều người cho rằng can thiệp không có nguy cơ cho chức năng cương dương nhưng có thể gây xuất tinh trào ngược vào bàng quang.

Phương pháp mới dùng lade ít gây tổn thương cho thần kinh hơn và hi vọng giảm được nguy cơ gây trào ngược vào bàng quang. Tuy nhiên còn đang nghiên cứu tiếp.

Từ những dữ liệu trên, có thể nghĩ đến hai mặt của một vấn đề: không xuất tinh thì những chất bài tiết bên trong TTL bị giam hãm và có thể tạo nên yếu tố gây viêm mạn tính, dọn đường cho ung thư TTL phát triển nhưng mặt khác người có quá nhiều bạn tình thì tuyến cũng dễ bị nhiễm khuẩn và khởi động tiến trình ung thư hoá (đã có nghiên cứu chúng minh điều này).

Liệu pháp tia xạ tại chỗ ung thư TTL có ảnh hưởng đến chức năng cương dương?

Theo công bố trên tạp chí Niệu học Anh 8/ 2007 (Brỉtish Journal of Urology), những nam giới có chức năng tình dục tốt trước khi điều trị bằng tia xạ tại chỗ liều thấp (low-dose prostate brachytherapy) ung thư TTL vẫn có nhiều khả năng duy trì được sự cương dương trong thời gian dài sau liệu pháp này.  

Nhìn chung, nhóm các bệnh nhân điều trị bằng tia xạ có tuổi đời già hơn nhóm điều trị bằng phẫu thuật tới 10 tuổi nhưng nếu xem xét kết quả ở những nam giới độ tuổi 50 – 60 và được điều trị bằng tia xạ tại chỗ thì thấy chức năng cương dương vẫn được duy trì một cách đáng ngạc nhiên.

Liệu pháp tia xạ liều thấp tại chỗ là thao tác cấy các “hạt” đồng vị phóng xạ to như hạt gạo vào khối u TTL. Người ta thường dùng iodine và palladium đồng vị phóng xạ, bọc kín trong bao titanic và khi tia xạ được giải phóng ra thì khối u TTL co lại hay chết.

Tiến hành nghiên cứu sức khoẻ tình dục ở 131 nam bị ung thư TTL giai đoạn T1b và T3a; tất cả những người này đều có chức năng cương dương tốt trước khi điều trị và họ được theo dõi ít nhất 7 năm sau khi điều trị.

T1b là giai đoạn phát triển của ung thư mới chỉ giới hạn tại chỗ, còn giai đoạn T3a là khi ung thư đã di căn ra ngoài vị trí ban đầu. Kết quả theo dõi cho thấy: 42 nam trong số được nghiên cứu (32%) bị kém cương dương nhưng tỷ lệ vẫn còn có thể quan hệ tình dục được cao hơn ở những nam giới độ tuổi 50 - 59 khi được cấy hạt tia xạ so với những nam giới độ tuổi 60 – 69 (64%)  hay những nam giới độ tuổi 70 –79 (58%).

Trong số 89 bệnh nhân cho biết vẫn duy trì được chức năng cương dương sau ít nhất 7 năm thì phần lớn (51%) đang dùng một số thuốc nào đó hỗ trợ cương dương (như phosphodiesterase type 5 inhibitors, yombine hay alprostadil).

Nhóm nghiên cứu nhận định: các kết quả của liệu pháp tia xạ tại chỗ ít nhất cũng tương đương với can thiệp phẫu thuật cắt bỏ TTL do các phẫu thuật viên có kinh nghiệm thực hiện.

Với các trường hợp ung TTL tiến triển hơn thì sử dụng nhiều phương thức phối hợp bao gồm liệu pháp hormon, kết hợp với tia xạ từ nguồn bên ngoài và tia xạ tại chỗ. Việc dùng Viagra dự phòng cho các bệnh nhân được điều trị bằng tia xạ đang được nghiên cứu, hi vọng sẽ giúp cải thiện hơn nữa chức năng cương dương.

Vậy nam giới nên duy trì quan hệ tình dục đều đặn, hợp lý theo từng giai đoạn đời nhưng cũng cần được theo dõi cả TTL. Từ khi có các thuốc hỗ trợ cương dương (Viagra và các thuốc khác) nam giới có tuổi thuận lợi hơn để duy trì quan hệ tình dục và nhiều người cũng đã quan tâm hơn đến sức khoẻ của TTL. 

Ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn ở những người bị hội chứng chuyển hoá

Hội chứng chuyển hoá có những triệu chứng và đặc trưng như đường huyết cao khi đói ; huyết áp cao; béo bụng, giảm cholesterol tốt, tăng gliceride.

Theo báo cáo của tạp chí dịch tễ học Mỹ, nam giới bị hội chứng chuyển hoá ít có nguy cơ bị ung thư TTL. Nam bị bệnh tiểu đường ít có nguy cơ  bị ung thư TTL nhưng mối quan hệ tương tự với hội chứng chuyển hoá vẫn chưa được xác định.

Một nhóm nghiên cứu người Mỹ trường đại học Minnesota, Minneapolis đã sử dụng dữ liệu ở 6429 nam trong diện nghiên cứu về  nguy cơ bị xơ vữa mạch máu và theo dõi 385 người đã phát triển ung thư TTL. Kết quả cho thấy nam có hội chứng chuyển hoá có nguy cơ tương đối là 0.77 bị phát triển ung thư TTL so với những nam giới khác không có hội chứng này.

Sự kết hợp ngược chiều với ung thư TTL cũng nhận thấy đối với các trường hợp triglyceride cao, nồng độ cholesterol tốt thấp (HDL), cao huyết áp, đường huyết cao khi đói hay tiểu đường nhưng vòng bụng không phối hợp với ung thư TTL.

Không có sự phối hợp nào có ý nghĩa thống kê. Các tác giả của nghiên cứu kết luận hội chứng chuyển hoá là một chỉ số về sự giảm nguy cơ ung thư TTL và đưa ra giả định rằng có lẽ những nam giới bị hội chứng chuyển hoá có nồng độ testosterone hữu dụng giảm và đồng thời cũng giảm nguy cơ ung thư TTL. 

Vài nét về phòng bệnh:

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học nhận thấy vitamin và thuốc có vai trò giảm ung thư TTL thông qua chế độ ăn có selenium, vitamin E, lycopen, đậu tương (và nhiều loại rau quả khác).

Nồng độ cao viatmin D trong huyết tương cũng có thể có tác dụng bảo vệ.

Hormon estrogen do đậu tương lên men và nhiều thảo mộc khác tạo ra estogen thực vật (phytoestrogen) cũng có tác dụng giúp phòng ngừa ung thư TTL.

Hai lọai thuốc ngăn cản sự chuyển testosterone thành dihydrotestosterone là finasteride và dutasteride tỏ ra có nhiều hứa hẹn. Dùng hai loại thuốc này nhằm dự phòng vẫn đang trong trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa khuyến cáo dùng rộng rãi nhưng đã có nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dùng finasteride không làm tăng tỷ lệ những ung thư có độ tiến triển cao hơn.

Một nghiên cứu năm 2008 nhận thấy finasteride giảm tỷ lệ ung thư đến khoảng 30% và không làm tăng nguy cơ dẫn đến các thể ung thư có độ tiến triển cao hơn.  

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.