> Biển Chết từng 'chết' một lần
> Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển
BĐKH, nước biển dâng ngày càng ảnh hưởng sinh kế của người dân. Ảnh: Xuân Trường. |
Xin ông cho biết tình hình thực hiện dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng tới các huyện đảo”!
Dự án được thực hiện từ năm 2010, tại ba huyện đảo: Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đây mới là giai đoạn nghiên cứu, đánh giá tác động. Trong giai đoạn này, người dân tham gia cung cấp số liệu, tài liệu về dấu hiệu và tác động của BĐKH, nước biển dâng, cũng như những giải pháp thích ứng đang được áp dụng.
Ba huyện đảo được lựa chọn nghiên cứu lần này là những khu vực rất giàu tài nguyên và có những hệ sinh thái quan trọng có khả năng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi BĐKH. Các huyện đảo này cũng đang có nhiều vấn đề về suy thoái tài nguyên và môi trường do các hình thức đánh bắt hủy diệt.
Một số dấu hiệu về tác động của BĐKH, nước biển dâng tới tài nguyên và môi trường các huyện đảo này đã thấy rõ, như giảm lượng mưa, tăng hạn hán, mùa khô kéo dài… Vấn đề cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất khác vào mùa khô tại những huyện đảo đang gặp nhiều khó khăn, kể cả tại các huyện đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo…
Trong tương lai, BĐKH sẽ gia tăng khó khăn này. Một tác động tiềm năng nữa của BĐKH tới các huyện đảo là mưa lớn và rửa trôi đất đai. BĐKH có khả năng tạo mưa với cường độ mạnh hơn trong thời gian ngắn hơn. Những trận mưa ngắn với cường độ mạnh này làm rửa trôi đất đai, gây xói mòn đảo.
Ngoài những dấu hiệu của BĐKH như nêu trên, còn có dấu hiệu về ô nhiễm môi trường biển kết hợp nắng nóng gây bệnh dịch làm chết hàng loạt sinh vật biển, đặc biệt là những loài nhuyễn thể.
PGS-TS Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo. |
Ông nhận định như thế nào về tác động của BĐKH với cuộc sống người dân huyện đảo. BĐKH đã chạm tới sinh kế của họ chưa?
Gần như ở tất cả dải ven biểnViệt Nam đã ghi nhận mực nước triều cường cao hơn, rõ rệt nhất ở ĐBSCL. Ngoài ra, đã xuất hiện hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển cao kết hợp với nắng nóng, dẫn đến suy thoái san hô. Khi san hô bị suy thoái, sản lượng hải sản ở khu vực đó suy giảm nghiêm trọng, và biển trở nên nghèo, ảnh hưởng sinh kế người dân.
Các quan trắc tại một số khu vực như Côn Đảo, Phú Quốc, Vân Đồn (vịnh Bái Tử Long) cho thấy, những năm gần đây, hiện tượng tẩy trắng san hô do xảy ra rất thường xuyên.
Các nghiên cứu cũng cho thấy ít nơi nào trên thế giới có mức độ tận diệt tài nguyên biển khốc liệt như ở Việt Nam, khiến nguồn tài nguyên hải sản ven bờ biển Việt Nam hiện thuộc loại nghèo nàn nhất và rất khó phục hồi. Các hình thức đánh bắt quá mức, đôi khi là hủy diệt như giã cào, đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện, thuốc độc… đang tàn phá tất cả các hệ sinh thái ven bờ biển và hải đảo.
Một số động vật quý hiếm, có trong sách đỏ như bò biển (dugon) hay đồi mồi, vích… cũng bị săn bắt. Người dân vùng ven biển và ven sông còn xả rác thải ra biển, làm gia tăng ô nhiễm biển, góp phần vào sự bùng phát của các loài tảo độc và sự suy thoái của các hệ sinh thái biển. Tại rất nhiều vùng nông thôn ven biển và ven sông, thay vì xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà bằng hình thức chôn lấp, rác thải được đổ thẳng ra sông.
BĐKH và nước biển dâng nói chung không làm phát sinh những vấn đề mới mà chỉ làm trầm trọng hơn những vấn đề hiện có. Suy thoái các hệ sinh thái ven biển khiến sản lượng đánh bắt thủy hải sản của người dân sụt giảm. Đời sống khó khăn hơn xưa nhiều.
Dự án mang lại lợi ích gì cho người dân trong bối cảnh như vậy?
Kiến thức của người dân về phòng chống thiên tai và những phương pháp mà người dân đang áp dụng để phòng chống thiên tai thực ra chính là những giải pháp thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Nhiệm vụ của nhà khoa học là phải lắng nghe, phân tích và học hỏi từ người dân để bổ sung, hoàn thiện những giải pháp thích ứng của mình. Chỉ bằng cách đó mới có thể đề xuất được những giải pháp thích ứng thích hợp nhất, khả thi và có tính hiệu quả cao.
Sự tham gia của người dân trong các dự án này còn bao gồm cả việc họ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi, góp phần tích cực vào việc bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng ven biển, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao sức khỏe, thu nhập và chất lượng cuộc sống của chính bản thân và gia đình họ.
Giai đoạn tiếp theo, kết quả nghiên cứu được lồng ghép vào chiến lược, chính sách pháp luật để giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng, quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo, hướng tới quản lý tổng hợp dải ven biển và hải đảo.
Các bộ ngành khác có thể căn cứ vào các kết quả này để xây dựng kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu rủi ro do thiên tai biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân, giúp dân huyện đảo sống khỏe.
Cảm ơn ông.
Mỹ Hằng