Năm 2020 Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân

Năm 2020 Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân
TP - Việt Nam đã quyết định chọn Nga làm đối tác chiến lược cho dự án điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên dự kiến vận hành năm 2020. Ngày 31-5, hai bên đã gặp nhau bàn bạc các bước đi đầu tiên. Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Hồng – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEI) về vấn đề này.

Xin ông cho biết vì sao Việt Nam quyết định chọn công nghệ của Nga?

Phê duyệt nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 do tập đoàn của Nga làm đối tác chính có nhiều lý do. Công nghệ của Nga có quá trình lịch sử phát triển dài, nhất là những năm gần đây. Nga có nhiều thiết kế công nghệ khác nhau.

Mỗi lần cải tiến là có một sự nâng cao về kỹ thuật và độ an toàn. Trên thế giới nhiều nước công nghiệp ĐHN phát triển cao nhưng Nga sở hữu công nghệ nguồn. Tức là Nga có toàn quyền chuyển giao công nghệ, không phải qua nước thứ ba nào. Đây là ưu việt rất lớn.

Ngoài ra, chọn Nga còn do công nghệ của nước này đảm bảo những tiêu chí do Quốc hội nêu ra như đối tác có công nghệ gốc; công nghệ an toàn, được kiểm chứng…

Công nghệ của Nga là công nghệ nước áp lực (VVER) với nhiều phiên bản (version) khác nhau. Các version 91 và 92 đã được Nga xuất sang nước ngoài.

Gần đây nhất là version 96 mới chỉ sử dụng tại Nga. Các phiên bản 91 và 92 đều thuộc thế hệ thứ ba rất hiện đại. Phiên bản 91 đang được vận hành tại Trung Quốc, trong khi phiên bản 92 có ở Ấn Độ và Bulgaria. Các công nghệ này chiếm 60% tổng số lò phản ứng hạt nhân đang dùng trên toàn thế giới.

Vấn đề rác thải hạt nhân được giải quyết thế nào với công nghệ của Nga, thưa ông?

Khi nhập một dự án ĐHN thì trong đó đã có một hệ thống công nghệ để xử lý toàn bộ chất thải hạt nhân do nhà máy sinh ra. Hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, khí đảm bảo lượng phát thải ra bên ngoài cực thấp, chỉ bằng 18% của định mức thôi, tức còn cách rất xa ngưỡng an toàn cho phép.

Ông có nhận định gì về địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận được cảnh báo là nằm trên một đới đứt gãy địa chất?

Các nhà địa chất có nhiều ý kiến khác nhau về nền móng địa điểm mình đã lựa chọn. Nhưng đó chỉ là địa điểm dự kiến, quyết định cuối cùng theo Luật Năng lượng Nguyên tử do Thủ tướng phê duyệt thì phải qua một giai đoạn khảo sát, đánh giá rất chi tiết.

Giai đoạn đó sẽ được thực hiện trong thời gian tới, phải so sánh với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà Việt Nam đang xây dựng và sẽ ban hành. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đó thì mình mới quyết định xây. Nếu trong quá trình thẩm tra không đạt thì phải tìm địa điểm khác.

Việt Nam đã chuẩn bị nhân lực cho nhà máy ĐHN đến đâu rồi?

Năm 2010 Việt Nam gửi 30 sinh viên sang Nga học chuyên ngành năng lượng nguyên tử. Mỗi năm phía Nga sẽ nhận 50 sinh viên Việt Nam. Sau 5 – 6 năm tốt nghiệp họ sẽ về công tác tại Bộ Khoa học&Công nghệ và Bộ Công Thương.

Nhà máy thứ hai của Việt Nam hợp tác với Nhật cũng đang thương thảo chương trình đào tạo. Ngoài ra, đối tác khác như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Việt Nam có cũng chương trình gửi nhân lực đi đào tạo, nhưng ít hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG