Phụ huynh 'tiếp tay' tham nhũng trong giáo dục

Phụ huynh 'tiếp tay' tham nhũng trong giáo dục
TPO - Mặc dù biết các khoản thu là không đúng quy định nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng nộp, sẵn sàng chi tiền để xin cho con vào trường điểm, cho con đi học thêm để được sự ưu ái của giáo viên…

Theo kết quả khảo sát "Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” của Thanh tra Chính phủ công bố sáng nay, ngày 28/5, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Thụy Điển và các nhóm tài trợ tổ chức, tham nhũng trong giáo dục chủ yếu là “tham nhũng nhỏ.”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính quan điểm này đã làm cho xã hội ít quan tâm và làm gia tăng tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này.

Những nghịch lý

Cuộc khảo sát được thực hiện trên ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tập trung vào ba vấn đề: Tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định.

Một nghịch lý rất dễ nhận thấy từ kết quả khảo sát là mặc dù phải chi rất nhiều tiền cho các khoản ngoài quy định như chạy trường, học thêm, các loại quỹ trường, quỹ lớp… nhưng đa số phụ huynh lại cho đây là điều… bình thường.

Cụ thể, để con được học trái tuyến, có tới 58,5% phụ huynh phải nhờ người giúp đỡ, trong đó rất nhiều người phải chịu tốn kém chi phí. Nhưng có tới 67% bậc cha mẹ nói việc phải bỏ tiền để xin cho con vào trường tốt là bình thường.

Các phụ huynh cũng cho biết, khoản học phí theo quy định ở cấp tiểu học trung bình là 382.000 đồng và bậc trung học cơ sở là 422.000 đồng, nhưng tổng các khoản ngoài học phí (gồm chi đóng góp xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, đồng phục, sách giáo khoa, quỹ hội phụ huynh học sinh) lên đến trên 1,5 triệu, gấp gần 4 lần học phí.

Mặc dù phải “cõng” nhiều khoản ngoài luồng nhưng có tới 44% phụ huynh quan niệm việc nhà trường thu thêm các khoản ngoài quy định là bình thường, 58% người cho biết nhiều người quen của họ cũng nộp các khoản trường thu ngoài quy định. Ngoài ra, khi được hỏi có lời khuyên gì với một người bạn của mình có con đi học, gần 54% phụ huynh nói nên tích cực đóng góp thêm các quỹ cho nhà trường.

Tương tự, trong vấn đề dạy thêm học thêm, kết quả khảo sát khá "thú vị" khi có tới 44,2% học sinh học lực loại giỏi nhưng vẫn ngày ngày đến trường học thêm. Tỷ lệ học sinh giỏi tham gia học thêm các lớp do thầy cô tổ chức riêng lên tới 48,5%. Trong khi đó, chỉ có 25% học sinh kém tham gia các lớp này. Để bổ sung kiến thức, 50% học sinh học lực kém chọn cách học thêm bên ngoài.

Trung bình mỗi tháng, một học sinh của khu vực thành thị chi gần 500.000 đồng cho học thêm. Thừa nhận tiền học thêm của con khá tốn kém và trên 44% các em đạt học sinh giỏi nhưng có tới gần 82% phụ huynh cho rằng việc nhà trường và các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là chuyện bình thường.

“Chúng ta quá dễ dãi chấp nhận tiêu cực”

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, chính phụ huynh cũng đã góp phần thúc đẩy tham nhũng trong giáo dục. Những quan điểm, suy nghĩ của họ cũng cho thấy niềm tin về đào tạo chính thống đã bị lung lay khi họ cho rằng chỉ học chương trình chính thống thôi chưa đủ và sẵn sàng đóng góp các khoản phí ngoài quy định vì sợ con sẽ bị phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó là hiệu ứng tâm lý đám đông, khi tất cả mọi người đều chấp nhận các khoản thu ngoài luồng, chấp nhận cho con đi học thêm dù nhu cầu không thực sự cần, thì không ai dám đứng ra phản đối, thậm chí còn khuyên, kéo theo người khác cùng chấp nhận như mình. “Điều này đã làm nên vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội về các tham nhũng trong giáo dục,” ông Hùng nói.

Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta cho rằng những tham nhũng trong ngành giáo dục không nổi cộm còn phụ huỵnh vẫn sẵn sàng trích ra một phần kinh tế để chi trả cho con học. Chính cách suy nghĩ và hành động này đã làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng.”

Sách giáo khoa và xây dựng trường là nghiêm trọng nhất

Lãnh đạo của Thanh tra chính phủ đã chỉ ra nhiều hình thức tham nhũng trong hệ thống giáo dục nước ta. Cụ thể gồm: Dạy thêm, học thêm, công tác tuyển sinh đầu cấp, trong việc thi học sinh giỏi; trong việc chuyển trường, chuyển lớp; tuyển sinh trái tuyến; mở trường, mở ngành; thực hiện các khoản thu đầu năm, đầu cấp; thi, kiểm tra, đánh giá,..

Bà Marie Ottosson, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định: tham nhũng trong đấu thầu sách giáo khoa và xây dựng trường học là nghiêm trọng nhất. Đây là kết quả dựa theo nghiên cứu sơ bộ mới đây của Tổ chức Hướng tới minh bạch (TI) tại Việt Nam.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra chính phủ cho rằng, hầu hết các gói thầu mua sắm thiết bị dạy học chủ đầu tư không lập dự toán cho việc sử dụng thặng phí, chi sai mục đích giá trị tỷ lệ phí (thặng số) tối đa đều đưa vào giá gói thầu nhưng các Sở GD&ĐT không lập dự toán chi tiết cho các nội dung trong lệ phí.

Cũng theo báo cáo nghiên cứu định tính giai đoạn 1 của Tổ chức Hướng tới minh bạch cho hay, kết quả phỏng vấn 46 đối tượng đến từ đại diện các cơ quan giáo dục, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh cho thấy tham nhũng có thể tồn tại ở các loại hình sau trong lĩnh vực giáo dục: các dự án đầu tư phát triển, mua sắm công, xuất bản và phân phối sách giáo khoa, phân bổ giáo viên đứng lớp, chấm điểm và cho đỗ trong kỳ thi, tuyển sinh,giảng dạy thêm và thu phụ phí,...

Giáo dục : "Miếng mồi" hấp dẫn cho tham nhũng

Các chuyên gia chỉ ra rằng giáo dục Việt Nam là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, vì đầu tư cho giáo dục thường đứng thứ nhất trong ngân sách nhà nước (khoảng 15-20% Ngân sách nhà nước), trở thành một "miếng mồi" hấp dẫn.

Hơn thế, một số lượng đáng kể ngân sách giáo dục đang được sử dụng ở mức thấp, rải rác ở các nơi và ở nhiều đơn vị. Các đơn vị này thường có hệ thống kế toán và giám sát còn yếu. Hệ thống cơ sở giáo dục được bao phủ từ trung ương xuống địa phương; tồn tại một cơ cấu dễ nảy sinh cơ chế xin cho và bị bóp méo.

Thứ trưởng Bộ GD-DDT Trần Quang Quý và Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng đều thừa nhận, một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, phần nào làm giảm uy tín của ngành cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, tạo nên những vật cản trong quá trình phát triển của giáo dục nước nhà như: mua bằng, bán điểm trong giáo dục ĐH, giáo dục nghề; mua bán chứng chỉ...

Để khắc phục những tồn tại trong tham nhũng trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 8 giải pháp cùng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, trong năm 2010 và năm 2011, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát những việc, những khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.  

MỚI - NÓNG