Tại hội nghị trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp đề xuất, bổ sung thêm khối S1 (bỏ môn thi Ngữ văn, chỉ thi một môn năng khiếu) trong kỳ thi vào các trường năng khiếu.
Ông Hiệp nói, “năm 2003, có một nghệ sĩ nổi tiếng trượt đại học vì kết quả môn văn kém. Nhưng cũng trong năm đó, chị được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân".
"Bộ GD&ĐT đã bổ sung thêm khối A1 thì nên có thêm khối S1. Bỏ thi môn Ngữ văn, nhiều em tài năng có cơ hội thử sức ở những trường đặc thù như ĐH Sân khấu Điện ảnh" – Ông Hiệp đề nghị.
Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM cho rằng, việc bỏ đào tạo trung cấp ở trường nhạc viện là không hợp lý: “Hệ này trước đây đào tạo 11 năm, giờ còn 9 năm. Đây là nguồn để trường tuyển sinh đại học”.
Bà Hương cho rằng, cách phân bổ chỉ tiêu giao về trường hiện cũng không hợp lí, gây mất cân đối ngành nghề. Có năm, ngành Piano tuyển10 chỉ tiêu nhưng hồ sơ thi tới 500, trong khi đó các ngành dân tộc hàng năm hồ sơ rất ít.
Kết luận tại Hội nghị Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ có buổi làm việc với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. “Việc thi môn nào, bỏ môn nào, Bộ cũng muốn nghe đề xuất cụ thể, chi tiết của trường" - Bộ trưởng nói.
Không xét tuyển nguyện vọng đến 31-12-2012
“Việc xét tuyển thêm nguyện vọng chủ yếu với trường tốp dưới. Kéo dài thời gian xét tuyển tạo điều kiện cho các trường này có thời gian tuyển sinh viên. Các trường không nên sợ thí sinh ảo vì không chỉ tuyển một lần mà được tuyển nhiều lần cho đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, những trường đào tạo tín chỉ có thể bắt đầu việc học bất cứ thời gian nào” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. |
Năm nay, về thời gian xét tuyển, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Cụ thể, không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Chậm nhất là ngày 31-12, các trường phải báo cáo về Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Sau thời điểm báo cáo, nếu các trường vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ, có thể tiếp tục tuyển sinh.
Ông Đinh Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho rằng, Bộ GD&ĐT cần quy định thời gian xét tuyển cụ thể. Sau ngày 10-10 hoàn thành công tác tuyển sinh trên cả nước là hợp lý, dù xét tuyển không phân đợt nhưng phải chấm dứt ở một thời điểm.
Ông Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì nhận định, Bộ GD&ĐT bổ sung khối A1 là chính xác và phù hợp: “Việc xét tuyển nhiều lần sẽ khó cho các trường. Bộ nên giới hạn mốc thời gian xét tuyển vì thí sinh cần chọn sớm ngành mình yêu thích”- ông Nam băn khoăn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn thì cho rằng, việc không hạn chế thời gian xét tuyển là không hợp lý, vì vậy Bộ GD&ĐT cần xác định thời điểm để các trường chủ động kết thúc tuyển sinh chứ không nên kéo dài quá.
Trả lời các đại biểu trước chủ trương kéo dài thời gian xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc kéo dài thời gian này tùy thuộc vào các trường, các trường được quyền tự chủ. Thời điểm kết thúc tuyển sinh do hiệu trưởng quyết định.
“Tuy nhiên, xét cho đến ngày nào thì Bộ không quy định cứng nhắc và sẽ không kéo dài đến cuối năm (ngày 31-12) vì Bộ cũng cần phải báo cáo lên Chính phủ”- Thứ trưởng Ga cho biết.
Thứ trưởng Ga cũng nhận định, các trường tuyển đến 70% nguyện vọng 1, chỉ có 30% là nguyện vọng khác, nên việc kéo dài thời gian xét tuyển không làm lộn xộn đến việc xét tuyển của các trường.