'Cần một cơ chế khoán 10 trong giáo dục'

'Cần một cơ chế khoán 10 trong giáo dục'
TPO –“Cần một cơ chế khoán 10 trong đổi mới giáo dục Đại học” - Giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói trong hội thảo Đổi mới giáo dục đại học diễn ra sáng nay, 8 – 2.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo giáo sư Nhuận, để đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các cơ sở giáo dục Đại học theo năng lực tự chủ, trên cơ sở đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Giáo dục Đại học. “ Đó vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để đổi mới giáo dục đại học” – Ông Nhuận nói.

Nêu ra một số ý kiến tiêu cực cho rằng, giáo dục Việt Nam đang mất phương hướng, mất cân đối, rối loạn trậm trọng, hư học, cổ lỗ, thậm chí đang khủng hoảng toàn diện, trở thành yếu tố cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế, xã hội, gây mất lòng tin của xã hội vào chất lượng đào tạo, tồn tại nhiều tệ nạn như chạy theo bằng cấp, bằng giả…, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang nêu quan điểm, phải đánh giá đúng thực trạng giáo dục Việt nam, hiểu con người Việt Nam trong xu thế phát triển của thế giới, đồng thời phải chú ý đến các yếu tố tác động đến giáo dục Việt Nam để xác định đúng về giáo dục Việt Nam.

Ông Giang cho rằng, cần hiểu giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực, phải đa dạng, có phân tầng. Có những trường cần tập trung đầu tư, có những trường nên giảm đầu tư . Ngoài ra, phải lấy đầu ra làm tiêu chí xác định mục tiêu đào tạo.

Chia sẻ về việc phân tầng đại học, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã – Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, các trường Đại học đang tăng rất nhanh, sứ mệnh và mục tiêu của các trường rất khác nhau, sản phẩm của các trường cũng rất đa dạng, nên phải phân tầng sao cho có cả “chiếu trên, chiếu dưới”, để đầu tư nhà nước có trọng điểm, tạo điều kiện phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Thiệp cho rằng, các trường Đại học ở Việt Nam nên phân cấp theo ba nhóm, một nhóm gồm những trường đại học tinh hoa, đại học đào tạo và đại học, cao đẳng cộng đồng.

Theo ông Thiệp, cần có các tiêu chí cụ thể cho các nhóm trường. Ví dụ, các trường nặng về nghiên cứu phải thiên về đào tạo sau đại học, không được đào tạo cấp thấp để thu tiền …

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời sẽ xem xét để đóng góp vào việc xây dựng hướng đổi mới phát triển cho giáo dục Đại học nước nhà.

Theo Viết
MỚI - NÓNG