Ngoại giao khu bảo tồn - hiện tượng mới

Ngoại giao khu bảo tồn - hiện tượng mới
TP - Có những khu bảo tồn ở các vùng tranh chấp đã làm dịu tình hình xung đột. Đây được coi là xu hướng mới.

PV Tiền Phong trao đổi với TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển & Hải đảo, Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam, nhân Năm Quốc tế về Rừng.

Đảo Rùa, một mô hình khu bảo tồn biển xuyên biên giới thành công ở Đông Nam Á giữa Malaysia và Philippines Nguồn: etawau.com
Đảo Rùa, một mô hình khu bảo tồn biển xuyên biên giới thành công ở Đông Nam Á giữa Malaysia và Philippines Nguồn: etawau.com.

Thưa ông, đâu là khởi thủy của hiện tượng mới này?

Xuất phát từ mục tiêu thuần túy của hoạt động bảo tồn. Các hệ sinh thái và động vật hoang dã xưa nay vốn không có ranh giới chính trị, đặc biệt trên biển và đại dương. Do vậy, quản lý tài nguyên môi trường xuyên biên giới được coi là nhiệm vụ quốc tế của khu vực và của các quốc gia láng giềng. Nói cách khác, thành lập khu bảo tồn liên quốc gia là nhằm cải thiện quan hệ và thúc đẩy bảo tồn tài nguyên môi trường quốc tế.

Nhưng chính cái đặc thù liên quốc gia đã khiến cho nhiệm vụ bảo tồn vượt ra khỏi khung khổ của bảo tồn thuần túy. Thay vào đó, nó trở thành công cụ tiếp cận mang tính chính trị giữa các quốc gia liên quan. Và thực tiễn cho thấy đây là một trong những cách tiếp cận dễ chịu nhất, giảm nguy cơ xung đột ở mức cao nhất ở các vùng biên giới so với việc chỉ thuần túy thực hiện các biện pháp chính trị truyền thống.

Các mô hình hợp tác quốc tế về các khu bảo tồn đa quốc gia trên thế giới phát triển khá mạnh những năm gần đây và được nhiều quốc gia hưởng ứng là vì thế. Một trong những lời ích nhỡn tiền mà các quốc gia và vùng lãnh thổ thấy là mô hình không những góp phần bảo tồn các giá trị thiên nhiên mà còn làm dịu đi nhiều, thậm chí có trường hợp triệt tiêu, xung đột và tranh chấp biên giới giữa các bên với nhau.

Đáng chú ý nhất là mô hình các khu bảo tồn đa quốc gia trên biển, viết tắt tiếng Anh là TBMPA. Có ý kiến cho rằng TBMPA là một trong những công cụ hữu hiệu để góp phần làm giảm các nguy cơ xung đột tiềm tàng trên biển. Ý kiến này trên thực tế ngày càng được nhiều nước công nhận công khai hoặc ngấm ngầm.

Xin ông giải thích kỹ hơn TBMPA là gì?

TBMPA là vùng biển nằm trên khu vực biển, đại dương có hai hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các chính sách khác trên quy mô song phương hay đa phương.

Các mô hình TBMPA đã và đang hoạt động hiệu quả cho thấy chúng không những giúp cải thiện quan hệ và công tác bảo tồn quốc tế, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết, mà còn giúp tăng cường tính thực thi các công ước và điều ước quốc tế về biển, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 82), Công ước Di sản 1972, Công ước Đa dạng Sinh học 1992.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã kiểm kê số lượng các khu vực bảo vệ phức hợp xuyên biên giới hiện đang tồn tại, cả trên cạn và dưới biển. Theo UNEP, hiện trên thế giới có 227 khu vực này.

Đông Nam Á đã có mô hình nào chưa, thưa ông?

Có một mô hình hoạt động khá hiệu quả từ 15 năm nay rồi. Đấy là Đảo Rùa nằm trên đường biên giới của Malaysia và Philippines, một ví dụ về khu bảo tồn biển liên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, được biết đến là nơi bảo tồn loài Rùa Xanh (Chelonia mydas). Đảo đã được công nhận là Khu Bảo tồn Di sản Đảo Rùa, ký kết giữa Malaysia và Philippines từ năm 1996.

Cảm ơn ông.

Quốc Dũng (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG