> Ngư dân ngán mua bảo hiểm tàu
Ông Vũ Tuyên với chiếc áo phao sinh tồn đầu tiên. |
Một lần nhà có giỗ, ông Vũ Tuyên (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) nhìn chai nhựa đựng nước, loại vật liệu bền, không thấm nước, lại rỗng bên trong nếu hết nước. Với kiến thức của người từng học vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông nảy sinh ý tưởng làm áo phao cho người đi biển.
Nhiều lần đến Hải Phòng tìm các giáo trình hàng hải, lên mạng tìm hiểu các tiêu chuẩn phao cứu hộ, ông tiến hành thử nghiệm chai nhựa về khả năng chống va đập, khả năng bảo toàn độ kín. Sản phẩm đầu tiên được ông thử năm 2009 tại vùng biển Vịnh Hạ Long.
Áo phao cứu hộ sinh tồn dài 2 mét, vỏ phao làm từ vải (dùng làm phao bình thường), có 10 ô đựng 10 vỏ chai nhựa dung tích 1,5 lít.
Lợi dụng không gian rỗng của chai nhựa, ông đưa vào đó những vật cần thiết cho nạn nhân. Đầu tiên 1,5 lít nước ngọt, nửa cân gạo rang, và một ít đường glucose. Một ống được thiết kế sao cho, khi ở trên mặt nước, vẫn có thể hút những thứ thiết yếu ấy ra để duy trì cuộc sống vài ngày.
Áo phao được trang bị đèn tín hiệu. Ông Tuyên cải tiến đèn pin Trung Quốc giá 30.000 đồng/chiếc thành đèn nhấp nháy, đặt trong một chai nhựa.
Phao sinh tồn còn có cờ tín hiệu, pháo hiệu ban đêm, và gương phản chiếu để tàu thuyền dễ phát hiện khi đi qua khu vực bị nạn. Một còi báo hiệu cũng gắn trên áo phao có độ thoát âm và độ vang xa, có khả năng thay đổi âm điệu để lực lượng cứu nạn dễ nhận biết. Phao còn được trang bị cả bật lửa, dây dù, áo chống nhiệt. Tất cả các thiết bị trên đều được cải tiến để không làm tăng đáng kể trọng lượng áo phao và tiện dụng nhất.
Sản phẩm nặng 2,5 kg. So với thể tích rỗng 15 lít, áo vẫn đảm bảo cho người nặng 100 kg có thể nổi được trên mặt nước. Một chiếc phao cứu hộ sinh tồn như thế giá thành chưa đến 100.000 đồng, rẻ hơn áo phao cứu hộ truyền thồng đang bán trên thị trường. Nếu sản xuất nhiều, giá thành còn rẻ hơn.
Chiếc áo phao sinh tồn đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp bằng giải pháp hữu ích.