> Nhiều hiệu trưởng thông cảm với… phong bì
> Đánh đu với con nhà giàu
Dự chi phong bì tiền triệu cho cô giáo
Năm học này, con trai anh B. được vào lớp chọn của khối 2 trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Vì con anh học lớp chọn nên các khoản đóng góp cũng trội hơn các lớp khác. Nhà trường có chủ trương thực hiện mô hình dạy học tương tác với một số lớp nhưng toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho lớp này (khoảng 111 triệu đồng) hoàn toàn lấy từ nguồn thu của phụ huynh học sinh. Lớp học có 49 em, mỗi em phải đóng khoảng 2,3 triệu đồng. Để việc thu tiền “thuận tiện”, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp “làm tròn” thành 2,5 triệu đồng. “Xem danh mục chi của họ thì thấy đúng là cách tiêu tiền “chùa”, cái gì cũng xịn! Máy chiếu hơn 28 triệu đồng/chiếc. Máy tính xách tay hơn 24 triệu đồng/chiếc... Nhiều phụ huynh đành phải rút tiền ra đóng, dù chẳng biết hiệu quả “tương tác” đến đâu khi mà sĩ số lớp học gấp đôi một lớp học chất lượng cao ở các trường tư! “Nhà trường bảo, phụ huynh có thể không tham gia nhưng phải cho con mình chuyển sang lớp khác. Nghe vậy nhiều phụ huynh đang ngần ngại cũng đành phải rút tiền ra mà nộp”, anh B. nói.
Ngoài tiền đóng góp cho mô hình tương tác, mỗi phụ huynh lớp con anh B. phải đóng hơn 400.000 đồng tiền quỹ phụ huynh. Cùng với khoản tiền dư ra từ tiền trang bị cho mô hình tương tác, tổng số tiền quỹ phụ huynh của lớp là hơn 31 triệu đồng. Theo dự toán kế hoạch thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, gần một nửa số tiền này được chi vào khoản quà cho giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên bộ môn. Chẳng hạn, tổng số “quà” mà giáo viên chủ nhiệm được tặng trong các dịp 20-10, 20-11, 8-3, Tết Dương lịch, tổng kết học kỳ I và học kỳ II, Tết Nguyên đán là 8,5 triệu đồng. Ban Giám hiệu và giáo viên các bộ môn cũng được “ăn theo” 1,8 triệu đồng. Ngoài ra, các khoản chi cho việc trang trí lớp học đầu năm, mua cây cảnh tặng trường, sơn lại bảng, bục giảng, giá sách... hết gần 5,5 triệu đồng.
Quỹ phụ huynh: trăm hoa đua nở
Theo nhiều phụ huynh, khoản thu quỹ của phụ huynh trường Tiểu học Thanh Xuân Trung vẫn chưa thấm vào đâu so với một số trường có nhiều học sinh con nhà giàu khác. Một phụ huynh có con học lớp 11 trường THPT Hà Nội – Amsterdam cho biết, năm nay lớp của con chị tạm thu tiền quỹ phụ huynh học kỳ I là 2,4 triệu đồng. Như vậy, tổng quỹ phụ huynh học kì I của lớp là hơn 70 triệu đồng. Ban đại diện phụ huynh lớp dự định sẽ mua 5 cái quạt 3 triệu đồng; quỹ học tập (chủ yếu là photo tài liệu cho học sinh) 12 triệu đồng; vui Trung thu 1,5 triệu đồng; liên hoan 20-11 cho cô và trò 10 triệu đồng; mua máy chiếu, màn hình 20 triệu đồng; còn lại là quà tặng cho các thầy cô giáo và phần thưởng học sinh giỏi. Được biết, năm ngoái phụ huynh lớp này đóng tổng cộng 4 triệu đồng/ học sinh cho quỹ phụ huynh lớp.
Một phụ huynh khác cũng của trường THPT Hà Nội – Amsterdam kể: “Năm ngoái các con đi tham quan và làm từ thiện ở một trường trẻ mồ côi của Ba Vì, nơi mỗi cháu tiêu chuẩn ăn có 5.700 đồng một ngày. Các con lên thăm, cảm động, thương xót, ủng hộ. Sau đó cả lớp đi ăn trưa, tiêu chuẩn 150.000đồng/học sinh bữa đó! Nghe con kể xong tôi đắng lòng vì cảm thấy cả buổi đi từ thiện của các con trở nên vô ích!”.
Năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội có quy định việc thu quỹ phụ huynh của các trường phải căn cứ vào dự toán chi, và trong các mục đích chi không được phép chi cho hoạt động dạy học, khen thưởng giáo viên, cán bộ, nhân viên. Đến nay, hầu như chỉ có phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khống chế mức thu quỹ phụ huynh. Còn các nơi khác, đa số những trường đã họp phụ huynh đều làm ngơ cho ban đại diện các lớp thu theo đà những năm trước, bình quân 500.000 đồng – 700.000 đồng/học kỳ.
Theo ông Trần Đức Vui, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay chủ trương của thành phố là chấn chỉnh quyết liệt tình trạng lạm thu, đặc biệt là các khoản do ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu. “Từ trước đến nay chưa có tiền lệ kỷ luật ban giám hiệu do sai phạm thu chi đầu năm học nhưng không có nghĩa là không có. Sắp tới, Sở sẽ thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra tình trạng này, nơi nào vi phạm không chỉ bị buộc trả lại cho cha mẹ học sinh mà thậm chí các cán bộ, giáo viên có liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật tuỳ theo hậu quả của việc vi phạm”, ông Vui nói. |