> Luật né vấn đề gay cấn của giáo dục
> Chờ 'khoán 10' trong giáo dục đại học
Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT gọi bản dự thảo luật GD&ĐH mới được Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến các nhà giáo là một cuộc đẻ non. Theo ông Quân, những nhà làm luật cần xác định Luật GD hiện hành đã là luật khung, bao trùm tất cả nên Luật GDĐH cần phải cụ thể. Tuy nhiên, dự thảo luật này lại có nhiều điểm giống luật khung với rất nhiều quy định chung chung về các cơ sở đào tạo đến cơ quan quản lý.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng dự thảo Luật GDĐH chỉ đề cập việc đào tạo ở bậc ĐH, một phạm vi rất hẹp của nền GDĐH. Các sứ mạng nghiên cứu sáng tạo tri thức, phản biện xã hội còn quá mờ nhạt. Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường ĐH được xem là yếu tố quan trọng nhất để phát triển hệ thống GDĐH. Trong đó khẳng định vai trò của hội đồng trường trong một trường đại học tự chủ, như quy định trong Luật GD hiện hành. Vậy mà, dự thảo Luật GDĐH không đề cập đến hội đồng trường. GS Thiệp gọi đây là một bước lùi rất lớn của hệ thống GDĐH.
GS. Thiệp cho hay, Nghị quyết 05 của Chính phủ năm 2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao khẳng định: Các trường tư có thể theo cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, nhưng Nhà nước khuyến khích các trường đi theo hướng không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, từ đó đến nay các quy chế ĐH tư được ban hành chỉ tạo hành lang pháp lý cho các trường vì lợi nhuận. Không có quy chế nào cho các trường không vì lợi nhuận, điều đó gây nên bất ổn và chệch hướng đối với một số trường ĐH ngoài công lập. Theo GS Thiệp, lẽ ra luật GD ĐH lần này phải khắc phục thiếu sót đó, tuy nhiên trong dự thảo Luật GDĐH cũng không đề cập đến các khái niệm GD có lợi nhuận hay phi lợi nhuận,
Khó khả thi
Tuy nhiên, GS Hoàng Xuân Sính cho hay, đây là lúc Luật GDĐH cần thiết phải ra đời vì Luật GD đã quá lạc hậu và "quản các trường ĐH như quản một đứa trẻ". Lần này, các trường được tự chủ hơn trong tuyển sinh, chương trình đào tạo, nhân lực. Nhưng chắc chắn các trường cũng chưa thỏa mãn và sẽ đòi thêm quyền tự chủ hơn nữa.
Sinh viên trên giảng đường. |
“Dự thảo Luật GD ĐH nói về đội ngũ trí thức, đảm bảo đời sống cho lực lượng này. Nhưng nói thực tôi thách … làm được. Lý do là không có tiền”. Tuy nhiên, bà Sính lạc quan cho rằng, đã đưa ra trong luật thì sẽ phải tìm kiếm cách làm, không nhẽ lại bỏ?
Từ khi Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Luật GDĐH và cho đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, đã có rất nhiều băn khoăn từ phía dư luận, từ việc sinh viên có thể học ĐH trong 1,5 năm, đến vấn đề tự chủ của các trường, tên gọi trong hệ thống (cao đẳng thường và cao đẳng nghề) …
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo Luật GDĐH được dự thảo từ cách đây một năm rưỡi và đây là bản dự thảo lần thứ tư. Ban soạn thảo luật cũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo lộ trình, dự thảo sẽ được trình lên Chính phủ trong kỳ họp Chính phủ tới (12-9).
Một vài con số về hệ thống ĐH-CĐ Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 1999 đến nay số lượng trường CĐ, ĐH ở nước ta liên tục tăng. Năm 1999 cả nước có 153 trường ĐH, CĐ với 893.754 sinh viên (SV) thì đến năm 2004 số trường ĐH, CĐ tăng lên 230 trường với 1.319.754 SV. Đến năm 2010-2011 số trường ĐH, CĐ tăng 386 trường với 2.162.106 SV. Cụ thể: Năm học 1999 - 2000 số trường CĐ trên cả nước là 84 trường (5 ngoài công lập - NCL) với 173.912 SV. Năm 2004 - 2005 tăng lên 137 trường (7 trường NCL) với 273.463SV. Năm 2010 - 2011 tăng lên đến 223 trường (30 trường NCL) với 726.219 SV. Trong khi đó, ở bậc ĐH năm học 1999- 2000 có 69 trường ĐH (17 trường NCL) với 719.842 SV. Năm 2004 - 2005 tăng lên 93 trường (22 NCL) với 1.046.219 SV. Năm 2010 - 2011 tăng lên đến 163 trường (53 NCL) với 1.435.887 SV. Số lượng giảng viên ở các trường cũng tăng theo nhưng số giảng viên có trình độ cao thì tăng không đều. |