Đề thi tốt nghiệp sàng lọc học sinh học tủ

Đề thi tốt nghiệp sàng lọc học sinh học tủ
TP - Trong cuộc họp báo định kỳ do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 7-4, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT 2011 sẽ được ra theo hướng tránh để cho học sinh học tủ, học vẹt.

Theo ông Nghĩa, yêu cầu này nằm trong nội dung quy chế thi. So sánh với định hướng ra đề thường được Bộ GD&ĐT đưa ra những năm trước đây là học sinh trung bình nếu ôn tập tốt sẽ đạt điểm đỗ trở lên, ông Nghĩa khẳng định: “Học sinh trung bình vẫn phải đạt các yêu cầu tối thiểu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Nếu chỉ học vẹt thì không đạt yêu cầu”.

Bổ sung cho ý kiến này, một đại diện của Bộ cho biết, yêu cầu của Bộ từ mấy năm nay vẫn là các trường ôn tập cho học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình (ban hành năm 2006). Trong chuẩn kiến thức kỹ năng có ba mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Những năm trước đề cũng ra theo hướng đó nhưng trên thực tế nhiều nơi chủ yếu quan tâm vào việc tái hiện kiến thức cho học sinh nên nhiều học sinh không có khả năng thông hiểu, vận dụng được kiến thức vào thực tiễn.

Để khắc phục điều này, đầu năm học 2010 - 2011, trong một văn bản chỉ đạo chuyên môn, Bộ GD&ĐT yêu cầu rõ các trường chú ý dạy cho học sinh và hướng dẫn cho giáo viên kỹ năng ra đề theo các cấp độ biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm, thi tốt nghiệp phải dành tối thiểu 50% điểm cho nội dung thông hiểu và vận dụng.

Trả lời các câu hỏi “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tổ chức trong tinh thần cuộc vận động “hai không” hay không?”, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định là có. Ông Trần Văn Nghĩa giải thích sở dĩ trong việc chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp năm nay của Bộ không đưa ra các giải pháp đặc biệt nào cho “hai không” là vì giải pháp đưa ra những năm qua cho đến giờ được xem là có hiệu quả.

Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ vẫn tiếp tục sử dụng lực lượng thanh tra uỷ quyền với số lượng tương đương năm 2010 (khoảng 600 người).

Về việc một số nơi tổ chức thi thử gây căng thẳng cho học sinh, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định đó là quyền chủ động của các địa phương, Bộ không can thiệp. “Nhà trường cũng như các giáo viên cần có những kênh thông tin phản hồi về kết quả học tập của học sinh. Bộ chỉ yêu cầu các địa phương chỉ đạo hình thức ôn tập, kiểm tra đánh giá phù hợp với điều kiện cụ thể của mình và cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG