Học sinh phổ thông các cấp của Hà Nội sẽ được dạy về lối sống văn minh, thanh lịch từ học kỳ II - 2010. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Giáo viên, học sinh hào hứng
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều giáo viên ở các trường khác nhau của Hà Nội tỏ ra háo hức đón chờ việc triển khai đại trà chương trình. Họ cho biết, những phụ huynh khi nghe nói có chương trình này cũng tỏ ra rất quan tâm.
Một giáo viên giải thích: “Do điều kiện sống ngày càng được nâng cao nên phụ huynh ngày nay rất chăm chút cho con em mình. Tuy nhiên, đôi khi sự chăm chút lệch lạc khiến đứa trẻ tuy rất khoẻ mạnh, thông minh nhưng hành vi ứng xử thể hiện sự thiếu quan tâm tới người khác khiến nhiều cha mẹ phiền lòng, chưa kể nhiều em tỏ ra thô bạo, thể hiện sự thiếu văn minh ngay giữa nơi công cộng mà không biết đó là hành vi xấu. Chương trình này của ngành GD&ĐT ra đời đúng lúc các phụ huynh đều mong muốn nhà trường giúp họ uốn nắn hành vi của con em mình”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chương trình ra đời là kết quả của một thời gian dài trăn trở tìm “món quà” xứng đáng tặng người dân Thủ đô nhân 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của những nhà giáo Hà Nội. “Chúng tôi muốn có một công trình có thể để lại lâu dài cho thế hệ mai sau”, bà Bích nói.
Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Học ăn, học nói...
Theo chương trình khung của bộ tài liệu, việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh sẽ được bắt đầu với học sinh lớp 1 và kéo dài trong suốt 12 năm học. Chương trình được thiết kế dưới dạng đồng tâm ở ba cấp học (Tiểu học, THCS, THPT) xoay quanh các nội dung chính: Ăn, mặc, ở, nói năng giao tiếp và ứng xử.
Ở cấp tiểu học, học sinh được hướng dẫn thực hiện một số hành vi đơn giản. Lên cấp THCS, vẫn những nội dung đó nhưng các bài học được trình bày đầy đủ hơn dù chủ yếu vẫn là hướng dẫn hành vi. Ví dụ, khi ăn cơm, các em nên chú ý từ việc chọn vị trí ngồi ra sao, cách mời chào, cách cầm đũa cầm bát, cách ăn...
Về mặc, các em được giới thiệu sơ bộ trang phục của người Hà Nội rồi được hướng dẫn mặc như thế nào cho phù hợp với thời tiết và hoạt động mà mình tham gia. Lên cấp THPT, các em được mở rộng kiến thức bằng cách nghe/ xem giới thiệu ở mức độ đầy đủ trọn vẹn hơn nét văn hoá chung của người Hà Nội truyền thống; đồng thời trong bài học đưa ra những định hướng khéo léo để học sinh tự lựa chọn, tự xác định hành vi của mình.
“Cũng là hướng dẫn những hành vi nên thực hiện trong quá trình tham gia bữa ăn cùng gia đình, cấp Tiểu học thì dạy cho các em những cái cơ bản trước khi ăn biết rửa tay, biết mời, khi ăn không tranh giành miếng ngon nhất trong mâm; cấp THCS thì hướng dẫn thêm để các em biết giúp bố mẹ/ anh chị cùng làm cơm, bày mâm cơm thế nào, xới cơm thì xới thế nào, gắp thức ăn thế nào...”, ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT cho biết.
Làm sao để chương trình tránh sa vào giáo điều như cách dạy đạo đức trong nhà trường hiện nay cũng là một vấn đề được những nhà giáo tham gia biên soạn chương trình bận tâm. “Với cấp Tiểu học, mỗi năm học các con được học 8 tiết; cấp THCS và THPT số tiết ít hơn: 6 tiết/ năm học. Nhưng trong quá trình giáo dục nó sẽ được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, được tích hợp trong tất cả các môn học”, cô Phạm Thị Phúc, giáo viên trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa - một thành viên trong ban biên soạn tài liệu nói.
Đề cao sự tinh tế trong ứng xử
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, những người biên soạn bộ tài liệu đã cố gắng giới thiệu vẻ đẹp tinh tế trong ứng xử cho học sinh.
Trong buổi tổng kết công tác thí điểm được tổ chức đầu tuần vừa rồi, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có những nhận xét lạc quan về chương trình. Cuối tháng 12 này, chương trình sẽ được nghiệm thu cấp thành phố. Sau khi nghiệm thu, bộ tài liệu sẽ được sử dụng để giảng dạy đại trà trong tất cả các trường phổ thông của thành phố. Sách sẽ được cấp miễn phí cho các trường học, tất cả học sinh sẽ được mượn tài liệu trong quá trình học tập. |
Trong cách ứng xử của người Hà Nội truyền thống, sự tinh tế luôn được đề cao. Trong khuôn khổ một bộ tài liệu dành cho học sinh phổ thông, không đặt ra mục tiêu phải dạy cho học sinh ứng xử đạt đến độ tinh tế. Tuy nhiên, những người biên soạn tài liệu cũng đã cố gắng giúp các em nhận ra một số hành vi ứng xử đạt đến độ tinh tế.
Khái niệm người Hà Nội chỉ là một sự cố gắng thể hiện đặc trưng địa phương trong một số vấn đề, lĩnh vực, ví dụ như về ngôn ngữ. Đưa ra khái niệm người Hà Nội là để tự hào về một truyền thống đã được đã khẳng định. Chúng tôi không có ý định khu biệt người Hà Nội thì ứng xử thế này, người nơi khác thì ứng xử thế khác hay người Hà Nội thì biết mời người nơi khác không biết mời - ông Kỳ lý giải.
Nói chung nội dung bộ tài liệu là cung cấp cho giáo viên – học sinh ở Hà Nội những hành vi chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày của người Việt Nam văn minh và không cho rằng đó là đặc trưng riêng biệt Hà Nội mới có.