Các hồ ở Hà Nội ngày càng chịu gánh nặng ô nhiễm. Ảnh: Quốc Dũng. |
Nước mặt ô nhiễm trầm trọng
Môi trường nước mặt (sông, ao, hồ) ở Hà Nội cũ, Hà Đông, Sơn Tây và các làng nghề của Hà Tây ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước thải từ sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất chưa được xử lý và ngày càng gia tăng, vượt quá khả năng tự làm sạch của tất cả các sông, hồ trong vùng Hà Nội. Nước thải từ sinh hoạt đô thị vẫn là nguyên nhân chính (chiếm 80%) gây ra ô nhiễm các chất hữu cơ đối với môi trường nước mặt ở các đô thị của Thủ đô Hà Nội.
Các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ của Hà Nội vốn là cảnh quan thiên nhiên rất đẹp của Hà Nội, nay biến thành kênh thoát nước thải chưa được xử lý, các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép đối với nước loại B nhiều lần, mặt nước biến thành màu đen, các khí NH3, CH4, H2S bốc mùi hôi rất khó chịu.
Nhiều hồ của Hà Nội, trước đây cũng là cảnh quan thiên nhiên đặc sắc nay tiếp tục bị ô nhiễm nặng. Ngay cả Hồ Tây, hàm lượng BOD đạt 4 - 25 mg/l. Hồ Bảy Mẫu là 26 - 30mg/l, hồ Trúc Bạch 20 - 42mg/l.
Chất lượng nước sông Hồng đi qua Hà Nội, trước đây đạt loại A, trừ hàm lượng chất lơ lửng (phù sa), nay hàm lượng BOD cực đại lên tới 10 - 16mg/l.
Sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua Thủ đô Hà Nội cũng bị ô nhiễm, hàm lượng BOD từ 18 - 36mg/l (tiêu chuẩn nước loại B là BOD £ 25), hàm lượng NH4+ từ 2 - 5,5 mg/l (tiêu chuẩn nước loại B là £ 1 mg/l).
Nước sông Tích (Hà Tây) trước đây đạt tiêu chuẩn loại A, đến nay đã có một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn loại A, như BOD = 8,3 (tiêu chuẩn A là £ 4 mg/l). Chỉ còn sông Bùi là tương đối sạch, BOD xấp xỉ bằng 4 mg/l.
Ngập úng vẫn kinh niên
Tình trạng ngập úng ở các đô thị của Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa rất nặng nề và chưa thể khắc phục. Có thể nêu ba nguyên nhân chủ quan gây úng ngập.
Một là, thời gian dài trước đây, nhiều đô thị đã chuyển đổi nhiều đất cây xanh, đất nông nghiệp thành đất ở, lấp nhiều ao, hồ để xây dựng công trình, làm mất sự cân bằng tích chứa nước của đô thị, bê tông hóa gần hầu hết diện tích mặt đất đô thị, làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa.
Hai là, hệ thống thoát nước của đô thị vẫn quá thấp kém cả về mạng lưới cống thoát, cả về tiết diện dòng chảy.
Ba là, đô thị Hà Nội ngày càng mở rộng, tổng lượng nước mưa tập trung trong nội thị ngày càng lớn, trong khi hệ thống sông ngòi thoát nước ngày càng bị thu hẹp.
Hà Nội ngày càng ồn
Ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn ở các đô thị của thủ đô Hà Nội ngày càng tăng. Môi trường không khí ở các đô thị của thủ đô Hà Nội hiện nay nói chung đang bị ô nhiễm nặng nề cả về bụi và tiếng ồn.
Về bụi TSP (bụi lơ lửng) và bụi PM10 (hạt có kích thước nhỏ hơn 10 micromet), nồng độ bụi trung bình gấp 1,5 - 3 lần tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Ở các khu vực đang diễn ra hoạt động xây dựng, sửa chữa, nồng độ bụi gấp 5 - 7 lần TCCP. Mức ồn ở nhiều đường phố chính trong đô thị đều vượt 75 dBA, cực đại đạt tới 85 - 88 dBA. Ô nhiễm các khí độc hại SO2, NO2, CO, Pb, CnHn còn có tính cục bộ, chủ yếu xảy ra ở các nút giao thông lớn hoặc bên cạnh các cơ sở sản xuất có đốt than, dầu.
Môi trường không khí và tiếng ồn ở các đô thị của thủ đô Hà Nội đang chịu hai áp lực nguồn thải ô nhiễm rất lớn. Đó là phương tiện giao thông vận tải cơ khí phát triển rất nhanh và hoạt động xây dựng sửa chữa công trình trong đô thị thiếu quản lý chặt chẽ.
Cây xanh vẫn quá ít
Tỷ lệ diện tích cây xanh của các đô thị của Thủ đô Hà Nội còn nhỏ bé so với yêu cầu của một đô thị xanh. Diện tích cây xanh trong đô thị không những có tác dụng hấp thụ khí CO2, hấp thụ nhiệt, lọc bụi, điều hoà vi khí hậu, mà còn là diện tích thấm nước, cung cấp nước cho nguồn nước ngầm, giảm úng ngập đô thị. Nhưng tỷ lệ diện tích cây xanh ở đô thị Hà Nội (cũ) mới đạt khoảng 4,6 m2/người, còn rất bé so với yêu cầu của một đô thị xanh.
Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, chỉ tiêu đất cây xanh đô thị đối với đô thị loại đặc biệt như Hà Nội là đất cây xanh sử dụng công cộng phải đạt 12 - 15m2/người, trong đó đất cây xanh công viên 7 - 9 m2/người, đất cây xanh vườn hoa 3,0 - 3,6 m2/người, đất cây xanh đường phố 1,7 - 2,0 m2/người.