Không ít phụ nữ sau khi kết hôn, cứ ỷ i “ván đã đóng thuyền” bắt đầu trở lại sống thoải mái với bản chất thực của mình, theo kiểu “bánh bóc trên mâm” khiến họ “xuống cấp” trong mắt chồng. Từ chỗ ngạc nhiên, bất ngờ, các anh chồng bắt đầu cảm thấy “chán vợ”. Trong khi đó, bên hàng xóm, ở cơ quan, ra ngoài đường… vẫn luôn có những cô gái xinh đẹp, ăn mặc mốt, cử chỉ dịu dàng khiến nhiều chàng không thể không “rung rinh”. Thật không may là tôi cũng ở trong số đó.
Vợ tôi tuy không thuộc loại “sắc nước hương trời” nhưng ưa nhìn. Ngày còn yêu nhau, nàng ấy luôn đẹp với những bộ quần áo phù hợp, không lòe loẹt nhưng tôn làn da trắng mịn màng. Đi chơi với nhau, tôi luôn cảm nhận được mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu từ người nàng. Vậy mà từ lúc lấy chồng, nàng quên mất chuyện làm đẹp. Mỗi sáng thức dậy, nàng thản nhiên đưa bộ mặt chưa trang điểm và mái tóc rối bù đi lại trong nhà. Thậm chí, có khi ra ngoài, nàng còn diện luôn bộ đồ mặc nhà. Mỗi khi đi đâu, nàng không để ý đến chuyện ăn mặc hay trang điểm nữa. Có lần, nửa đùa nửa thật, tôi thỏ thẻ: “Nói một cách công bằng thì em không thật xinh đẹp. Nhưng nếu có chút son phấn vào, trông em đẹp hẳn lên đấy!”. Nàng cười ngất: “Ông xã của em ơi! Em là gái đã có chồng rồi thì còn diện với ai nữa?”.
Chưa hết! Có lần, ngủ quên nên dậy trễ, sợ không kịp giờ đi làm, nàng chạy ra ngõ mua đồ ăn sáng trong chiếc váy ngủ nhàu nát. Những ánh mắt của hàng xóm chiếu vào nàng khiến tôi xấu hổ đến nỗi muốn kiếm lỗ nẻ nào chui xuống. Hôm đó, tôi cằn nhằn quá trời. Còn nàng vẫn cười toe: “Ôi dào! Anh làm như ai cũng để ý đến vợ mình ấy!”. Cứ thế nên bây giờ, trong mắt tôi, nàng chẳng còn hấp dẫn. Mỗi khi vợ rủ đi đâu, tôi cũng không có cảm giác háo hức như trước. Thậm chí là miễn cưỡng. Thế là tôi bị trách là không còn yêu nàng như ngày xưa, là đã chán vợ! Hình như là thế thật!
Tưởng chỉ mình tôi chán vợ. Hóa ra không phải. Hôm rồi, gặp lại thằng bạn hồi đại học tên Hưng. Hai đứa kéo nhau vào một quán nhậu. Hàn huyên đủ thứ rồi quay về chuyện vợ con. Hưng than đang chán vợ, dù mới cưới chưa lâu. Hắn kể, khi còn yêu nhau, Tâm luôn tỏ ra là một cô gái dịu dàng và thùy mị. Mỗi khi gặp nhau, Tâm hay e lệ nép mình bên hắn, thỏ thẻ những lời ngọt ngào. Trong tiệm cà phê, nếu hắn lỡ để tàn thuốc lá rơi xuống áo, nàng rút ngay mùi soa lau. Hưng sống độc thân nên quen thói “đụng đâu quăng đó”. Biết vậy nên thỉnh thoảng, Tâm dành một buổi, đến căn phòng trọ của hắn, vui vẻ quét dọn, sắp xếp lại các thứ đồ đạc, gọn gàng và sạch sẽ đến nỗi hắn rất cảm phục và càng ngày càng yêu quí Tâm.
Vậy mà, sau ngày cưới, dường như nàng Tâm thùy mị đã biến mất. Thay vào đó, Tâm luôn nhăn nhó vì cái tội “tiện tay”của chồng. Mỗi khi phải dọn dẹp “bãi chiến trường” của Hưng, nàng luôn ca thán: “Trời ơi! Anh coi cái nhà này là chuồng gà hay sao mà bừa bộn thế?”. Những lúc Hưng đánh rơi tàn thuốc, Tâm quắc mắt: “Gạt tàn đâu rồi? Ra sân mà hút đi!”. Mấy lần đầu, hắn ngỡ ngàng hỏi vợ: “Sao em thay đổi vậy? Trước đây em nhỏ nhẹ, dịu dàng lắm cơ mà!”. Tâm lừ mắt: “Tôi không cương quyết với ông để suốt đời chạy theo, làm “lao công” dọn dẹp cho ông sao?”.
Hưng im lặng mấy giây rồi ngập ngừng: “Thành ra, bây giờ mình chẳng muốn về nhà, chẳng muốn chạm mặt cái bà chằn mà mình vẫn gọi là vợ đó! Không những thế, dạo này mình đâm ra thích đến quán bar, quán Karaoke …Bởi mấy em ở đó lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ dịu dàng, chiều mình hết nước ”. Hưng nhìn tôi chờ đợi. Chắc là muốn tôi nói gì đó. Hoặc phê phán, hoặc thông cảm. Nhưng tôi im lặng. Thấy vậy, Hưng thở dài: “Cũng biết làm vậy là không phải với vợ. Nhưng giá như bà ấy…”. Hắn nhún vai, bỏ dở câu nói.
Cậu Sinh cơ quan tôi tuy trẻ nhưng sau khi có vợ đã ra dáng một ông chồng kiểu mẫu: Không hút thuốc, không rượu bia nhậu nhẹt. Hết giờ làm là tót ngay về nhà. Vậy mà, sau khi có con, thay vì về chăm vợ đẻ, hình như Sinh thích ở lại cơ quan sau giờ tan sở. Khi thì cậu ta ngồi chơi game, lúc lại bám theo mấy ông “bợm nhậu chuyên nghiệp” ra quán…Thấy lạ, tôi hỏi chuyện. Cậu thú nhận, đang chán vợ.
Thì ra, do mới sinh nên Thảo, vợ Sinh bị “xuống cấp” trầm trọng: người ngợm xồ xề, ăn mặc nhếch nhác, áo quần lúc nào cũng bốc ra đủ thứ mùi hỗn hợp như mùi dầu, mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi nước đái…khiến Sinh chẳng muốn đến gần. Đâu chỉ “bề ngoài” khác hẳn mà tính tình cô ấy cũng thay đổi. Sinh không những chẳng được vợ “cưng” như trước mà còn bị cho “ra rìa”. Bây giờ trong mắt cô ấy chỉ có con chứ chẳng có cậu ta. Có mẹ vợ đến chăm, có người giúp việc nên Sinh đi hay về, có mặt hay vắng nhà, cô ấy cũng chẳng để ý, chẳng có một lời hỏi han, khiến cậu có cảm giác mình là một khách trọ.
Lại nữa, trước đây, Thảo, vợ Sinh, rất đảm đang nên nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Có thêm đứa con, nhà lúc nào cũng bừa bộn, khai mùi nước đái. Tã lót, khăn giấy, áo quần… giăng mắc khắp nơi, vắt bừa bãi đến không có chỗ mà ngồi. Hơn thế, dù có đến 2 “trợ thủ đắc lực” mà sao Thảo vẫn quá bận rộn với việc chăm con. Thế là đâm ra cáu kỉnh suốt. Vì vậy, sau giờ làm việc, Sinh chả muốn về nhà.
Hôm đó, tôi nói với Sinh vài lời an ủi, chia sẻ... Cứ nghĩ từ từ rồi “đâu sẽ vào đấy”. Ai ngờ, thấy Sinh bị vợ “bỏ bê”, cô kế toán công ty tên Ngân lâu nay vẫn mê chàng Sinh đẹp trai, lập tức “chớp thời cơ” để “đục nước thả câu”. Từ đó, vào các buổi chiều, nàng lại rủ Sinh cùng “vi vu”. Sau khi ăn tối với nhau, hai người còn lang thang chán chê, chả biết “đi đâu, về đâu”. Bây giờ, cả hai ngang nhiên “cặp kè”. Tuy vậy, suy cho cùng, chuyện cậu Sinh “đổi dạ thay lòng” cũng có phần lỗi của vợ. Nếu Thảo không “bỏ bê”, thì làm gì có cơ hội để Ngân “nẫng tay trên” chồng mình?
Theo PNO