Từ ngày 23 tháng Chạp cúng đưa ông Táo lên trời trở đi, cô ấy phải để riêng từng xấp… giấy. Nào là xấp đốt chiều 30 tết, xấp đốt giao thừa…
Vì thế ở chợ, các cửa hàng bán vàng mã đều bó sẵn từng xấp, có đề ghi chú từng ngày. Đi vào thế giới “cõi trên” nhiều nghi thức đó, ngay với bà mẹ còn khó, nói gì đến mấy cô con gái mới lớn.
Vậy mà không phải. Có nhiều cô con gái, con dâu, việc nấu cơm cúng và các thủ tục tề gia nội trợ có thể không biết, nhưng thủ tục cúng kiêng thì lại rành, có cô còn rành hơn cả mẹ. Đi mua cá chép sống để cúng ông Táo rồi đốt nhang cờ bay ngựa chạy và đem cá đi thả sông hồ, chứ không phải cúng xong rồi cho cá chép… vào nồi nấu canh riêu!
Có cô còn kêu lên: “Má mua đồ đốt đưa ông Táo mà quên đồ rước ông về à?”. Thì ra bà mẹ trí thức cứ lơ mơ tưởng rằng đốt đưa ông Táo ngày 23 là xong. Rồi lo cỗ ngày 30 đón ông bà, cúng ba ngày tết, tiếp khách, cho tới cỗ hóa vàng đưa tiễn ông bà mới hết tết. Quên cả rước ông Táo về, cho ông… đi luôn? Phải nghĩ ông đi báo cáo Ngọc hoàng Thượng đế rồi thì ông phải về, như người ta đi công tác vậy!
Bây giờ chẳng ai rảnh để tranh luận xem người già hay người trẻ, ai mê... cúng hơn, vì nếu có tranh luận thì cũng khó mà phân thắng bại.
Cứ lên chùa mấy ngày Tết, sẽ thấy có sự “phân hóa” rất rõ. Người già có khi đi hành hương từng đoàn, đi “liên khúc” mấy chùa liền, mang theo ít vàng hương và trầu cau, tiền lẻ mới tinh. Nhìn các cụ lại còn “văn hóa” hơn cánh trẻ.
Cứ đến các chỗ xin ấn đền Trần hoặc các chùa có tiếng linh thiêng sẽ thấy các cụ khó mà chen lấn nổi với đám trẻ. Vào chùa ở miền Bắc trời lạnh, nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp. Áo da ngắn, quần jeans hoặc quần Tây đắt tiền, cô cậu nào trông cũng rất “khủng”, vậy mà khệ nệ dâng lễ trên một cái mâm (trông cũng… rất khủng), nếu không xôi gà trầu cau thì vàng mã chất đống cao ngất che cả mặt mày, chen vào điện thờ, mặt mũi đầy “toan tính” với thánh thần! Ai mà lỡ va chạm, cản đường, hay chen chúc đụng phải là bị họ to tiếng ngay.
Lại có các nam thanh niên mặt mày sáng sủa, áo da bóng lộn, giày Tây đồ hiệu đứng xếp hàng chờ nộp tiền dâng lễ, nhận giấy chứng nhận. Những hình ảnh đó mới lạ, chứ cảnh cụ già đi chùa cầu an, các cô gái quỳ mọp lẩm bẩm cầu duyên thì nói làm gì. Đằng này toàn nam nữ thanh niên sang trọng kiểu dân làm ăn lắm tiền nhiều của, chẳng biết sợ ai, lại phải đi “xin” thánh thần! Vào đến cửa chùa mà cái nét tinh tướng bặm trợn vẫn không “tẩy” đi được.
Vậy nên nhiều bà vợ phải quyết định: “Vào chùa của làng vậy”. Chùa của làng nhỏ bé, cổng lấp ló sau cái chợ xiêu vẹo. Vị sư già - cụ bà đã ngoài tám mươi đầu đội mũ len đang tiếp khách. Không có cảnh đông đúc chen lấn, vì chỉ người già trong làng đi lễ cho gần. Còn bọn trẻ mạnh chân khỏe tay thì còn bận đi những chùa ở xa nhưng mới lạ và tiếng đồn là thiêng lắm. Bây giờ ai cũng tin vào thánh thần nên chuyện cúng lễ chẳng đáng phải bàn. Có lẽ chỉ ở đó - nơi thiêng liêng - là thiên hạ còn nể sợ. Vì họ còn có thể “xin” được gì đó. Ngôn ngữ và tưởng tượng của văn hóa tiên tri lại khiến người ta sợ hơn là đưa ra những số liệu sơ đồ, môi trường thay đổi, khí hậu này nọ. Hình như là thế!
Theo Quảng Yên
Phụ Nữ Online