2.000 lá thư tình thời chiến của một chiến sĩ Điện Biên

2.000 lá thư tình thời chiến của một chiến sĩ Điện Biên
TP - Khoảng 2.000 lá thư tình viết từ hậu phương và chiến trận của một cặp vợ chồng mà theo trong thư viết thì vợ là một cô giáo tên là Nguyễn Thúy Nhuần (công tác tại Bộ GD&ĐT) còn chồng là một vị lãnh đạo cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam tên là Nguyễn Thăng Bình.

Cuối tháng 1/2007, tôi tình cờ nhận được túi tài liệu khá lớn của một cậu em chuyển cho. Nó chỉ nói một cách vắn tắt: “Tài liệu này của một gia đình cách mạng, hay lắm đấy”.

Tôi chỉ nắm được có thế, về giở túi tài liệu ra thì quả là một tài sản kếch xù.

2.000 lá thư tình thời chiến của một chiến sĩ Điện Biên ảnh 1
Nguyễn Thăng Bình khi còn trẻ (ảnh nhỏ). Một bức thư Nguyễn Thăng Bình gửi vợ năm 1970 (ảnh lớn)

2.000 lá thư ấy họ viết trong giai đoạn từ năm 1962 đến khi người chồng hi sinh tại mặt trận Lào (1970). 2.000 lá thư được sắp xếp một cách có trật tự và chia ra theo các giai đoạn từ 1962 đến 1964; từ 1964 đến 1966, từ 1966 đến 1970.

Ngoài ra còn một cuốn nhật ký viết cho hai đứa con trai và con gái đầu khi chúng chào đời (năm 1957 và 1959)... một số bài báo đăng trên báo Quân đội nhân dân (năm 1980, 1981) nhắc đến những chiến công cũng như vai trò của ông Nguyễn Thăng Bình tại  mặt trận cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào, năm 1970)...

Hơn 2.000 lá thư họ viết cho nhau trong hoàn cảnh miền Bắc tràn ngập khói lửa khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá. Những lá thư đã mô tả sinh động cuộc sống vất vả của bà con Hà Nội khi đi sơ tán về những vùng quê, đó là những đứa trẻ bị đưa vào ở nhà trẻ tập trung ở các tỉnh lân cận để bố mẹ ở trong thành chiến đấu.

Đó là những thời khắc Mỹ ném bom vào các đoàn tàu chở dầu của ta ở Hà Nội, đó là cảm giác ngẹt thở với sức ép của bom, đó là những thiếu thốn vô cùng của cuộc sống trong những năm tháng chiến tranh ác liệt...

“Hôm em ra Đông Anh tìm chỗ sơ tán, người dân Hà Nội về nơi đây đông lắm, hầu hết là các tốp lên. Đời sống kinh tế rất gieo neo: có người 8 con, có người 6 con, không nhà nào họ nhận - ủy ban địa phương lại bố trí  cho ở ngoài đình, chùa, hoặc trường học trông rất bệ rạc. Nông dân họ bảo: Tưởng bà con Hà thành sung sướng, sơ tán về đây toàn ăn bữa cơm bữa cháo thôi.

...Sơ tán quanh Hà Nội mấy chục cây rất gay về củi, họ toàn chở củi từ Hà Nội về- mà nội thành củi cũng khan hiếm, mỗi gia đình chỉ bán cho một lần 20kg. Mua ngoài tính ra cũng 15 đồng/tạ. Bắt đầu từ tháng 8/65, muối bán theo phiếu gia đình, một người được 1/2kg cho nên đi sơ tán vài ngày họ lại trở về đây, trẻ con đi sơ tán bị ghẻ lở nhiều...

...Gửi trẻ đi tập thể ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, một cô trông 10 cháu, nước hiếm nên tắm giặt cũng hạn chế, tối trẻ nóng nực nên vật vã suốt đêm, ăn uống thiếu thốn nên trẻ ốm nhiều. (Thư bà Nguyễn Thuý Nhuần viết ngày 7/8/1965).

Tuy nhiên, vì vấn đề bảo mật, trong 2.000 lá thư của hai vợ chồng liệt sỹ Nguyễn Thăng Bình và cô giáo Nguyễn Thúy Nhuần viết cho nhau trong giai đoạn từ 1962 đến 1970 đều là những lá thư trao đổi về công việc cũng như nuôi dạy con cái, trông nom mẹ già và bảo ban em nhỏ...

Tuyệt nhiên vì tinh thần cách mạng, họ vượt lên trên tất cả những khó khăn chung của đất nước, một lòng vì sự nghiệp cách mạng. Và đó cũng chính là đường lối họ đã sống và nuôi dạy con cái sau này.

Chiến tranh khốc liệt, cuộc sống thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn nhưng họ, với một tình yêu cao cả, một lý tưởng cách mạng vĩ đại đã vượt qua những khó khăn đời thường của cuộc sống và hơn hết, tất cả tâm tư nguyện vọng của họ đều dành cho Đảng, dành cho cách mạng và mong muốn ngày độc lập trên khắp đất nước.

“Anh càng nghĩ càng thấy hạnh phúc em nhỉ và  càng nghĩ càng nhớ đến công ơn cách mạng mới có cuộc sống hạnh phúc và đầm ấm phải không em? Nếu không có cách mạng thì làm sao chúng mình gặp nhau và làm sao cuộc sống được như ngày nay em nhỉ?

Các con mình cũng thế, nhất là chúng nó được chăm nom đầy đủ và cuộc sống phải nói là đầy đủ của chúng thế mà chúng có biết đâu bố mẹ nó bao vất vả nhỉ” (Thư ông Nguyễn Thăng Bình viết 3/3/1963 khi đang đi học ở Trung Quốc).

Áo mưa các con ở nhà có không, có loại dài 0.80 không tay bằng tiền một lọ mì chính nếu ở nhà có thì anh không mua mà để tiền mua mì chính về nhà cải thiện sinh hoạt, vậy em xem thế nào nhé. Còn quần áo nhung mỗi bộ cho Dũng +Thuỷ mất 15đ, em xem có nên mua cho con không nhé!(Thư ông Thăng Bình ngày 31/5/1964).

Tuy cuộc sống khó khăn và thiếu thốn nhiều, thậm chí có những cái Tết bà Nhuần phải bán quần áo cũ của ông Bình đi để lấy tiền may sắm quần áo các thứ cho con nhưng khi ông Bình hỏi bà có muốn mua gì không bà chỉ viết thư nói đến việc mua những thứ cho gia đình: nào là khăn đoạn cho mẹ, nào là dạ may áo cho cô Vân, nào là nhung đen nhung đỏ may quần áo cho các con, nào là mua len (nhưng tiết kiệm chỉ cần mua len gai các màu thôi) để pha vào đan áo cho các con.

Bà có một chiếc áo len cộc tay nhưng thấy cô Vân năm nay chưa có cái áo nào mới nên đã  cho... cô Vân, còn mình thì để sau này may mặc vậy. Bà lý luận: Không có anh ở nhà thì nhà mình cũng chẳng có Tết, bao giờ anh về thì nhà mình ăn Tết một thể vậy.

“Em kể chuyện anh nghe. Hôm nọ em đi bán quần áo của anh. Vì em tháo một chiếc ra và may quần cho con. Tháo dở dang bác Hạnh góp ý: “Bán đi cho người ta rồi mua vải vào cho con”. Tất cả em bán cho mậu dịch được 43,5 đồng. Em xấu hổ quá ! Còn bộ Tropical bị gián nhấm nhiều quá họ trả rẻ nên em cứ gửi lại họ bán hộ. Bán quần áo bố mua quần áo cho các con.

Tết này em may cho Vân một bộ Popaline hoa, 1 quần lanh, mợ 1 áo cánh và một quần láng Trung Quốc. Thuỷ hai bộ nhung- Dũng một bộ còn giầy các con đi cũ. Cường mặc quần áo của các anh chị” (31/12/1962).

Người đưa ra ý kiến đánh giặc vào ban ngày

Nguyễn Thăng Bình  là một nông dân, sau thoát ly đi đồn điền cao su, rồi giác ngộ cách mạng năm 1945, sau đó đi học trường Lục quân Quảng Ngãi (khoá 1), năm 1948 bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp ở các mặt trận phía Bắc, phía Tây, tham gia các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Mùa xuân với nhiều trọng trách nặng nề... Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn phó của Trung đoàn 209, trung đoàn bắt tướng Đờ Cát.

Theo những đồng đội của ông (đại tá Trần Quân Lập, Đại tá Nguyễn Hữu Tài, đại tá Nguyễn Văn Chấn...) kể rằng ông Thăng Bình chính là một trong những người đưa ra ý kiến đánh giặc vào ban ngày bởi sau nhiều đêm liên tiếp tấn công vào các cứ điểm của giặc nhưng đều gặp phải bùng binh và thương vong rất nhiều. Cũng chính nhờ ý kiến đánh giặc ban ngày được Bộ tổng tư lệnh phê duyệt mà Trung đoàn 209 đã lập công lớn, bắt sống tướng Đờ Cát.

Sau kháng chiến chống Pháp là kháng chiến chống Mỹ, ông Bình cũng đã tham gia rất nhiều mặt trận nóng bỏng với nhiều nhiệm vụ rất nặng nề: Huấn luyện quân sự ở Lào, Tư lệnh trưởng, Sư đoàn 308 (từ 1968 đến 1969; tham mưu phó sư 335 (từ năm 1955 đến 1958); Tư lệnh phó mặt trận cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào, năm 1970) và đồng thời, vào tháng 1/1970 ông cũng đã chính thức nhận quyết định làm Tư lệnh quân khu 4 nhưng chưa kịp về nhậm chức thì đã hi sinh trên vị trí chiến đấu tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (tháng 2/1970) với quân hàm Đại tá.

Sách viết về ông Bình

Còn ông Nguyễn Thăng Bình, dù nhiệm vụ cách mạng giao cho rất nặng nề nhưng trong bất kỳ tình huống nào ông cũng đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Khi mới vào Đảng năm 1947 và năm 1948 ông làm Đại đội trưởng Đại đội Độc lập tham gia chiến dịch Mùa xuân năm 1948, 1949, chiến dịch Biên giới năm 1950 để giải phóng Tây Bắc tại các địa phương: Yên Bái, Lào Cai.

 Ông đã lập được rất nhiều thành tích và Đại đội Độc lập của ông là một trong những đại đội độc lập thuộc hàng “anh cả” của chiến khu Tây Bắc. Ông chính là người đã đưa lối đánh du kích đến với bộ đội và nhân dân với phương châm sống trong lòng địch và trực tiếp chiến đấu với địch.

Những chiến công vang dội của Đại đội  dưới sự trực tiếp chỉ huy của ông đã khiến cho mọi người đều gọi đó là đại đội chiến thắng, và cái tên Thăng Bình ra đời từ đó.

Cũng chính trong những tài liệu của ông Nguyễn Thăng Bình để lại, tôi còn được biết, năm 1950 ông Bình đã được nhà văn Tô Hoài viết một cuốn truyện mang tên “Đại đội Thăng Bình” về những chiến công của mình. Và cuốn sách ấy chính là mối duyên lành “xe” cho vợ chồng họ.

Sau này những người trong gia đình ông Nguyễn Thăng Bình cũng có ý tìm cuốn sách nhưng nhà văn Tô Hoài không còn lưu giữ cuốn nào cả. Vì thời gian quá lâu, lại điều kiện chiến tranh liên miên khiến cho việc lưu giữ cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau này tôi đã tìm thấy cuốn sách này tại Thư viện Quốc gia và tôi cũng đã đến gặp nhà văn Tô Hoài để tìm hiểu thêm về ông Nguyễn Thăng Bình.

Kỳ sau: Cuộc hạnh ngộ sau 58 năm

MỚI - NÓNG