Sự giàu có luôn song hành với những đặc quyền, đặc biệt ở Trung Quốc, nơi mà sự tôn thờ đồng tiền đi liền với địa vị cao sang của giới đại gia. Tuy nhiên, đối với những cô con gái độc nhất của các tài phiệt Trung Quốc, dường như sự giàu có đó lại trở thành một lời nguyền đối với họ.
Kelly Zong, con gái của ông trùm ngành giải khát Trung Quốc Zong Qinghou, tiết lộ rằng cô chưa từng có bạn trai. Nữ doanh nhân 30 tuổi cho hay cô cảm thấy "bi quan về tình yêu".
Kelly Zong bên bố, tỷ phú Zong Qinghou. Ảnh: celebritynetworth. |
'Giới tính thứ ba'
Zong, người đang phụ trách những hợp đồng quốc tế của tập đoàn Wahaha, là một trong số những người phụ nữ Trung Quốc được gọi là phú nhị đại (fu’erdai) hay thế hệ giàu có thứ hai. Cô cho hay việc tìm được một người bạn đời phù hợp là vô cùng khó khăn. Tình cảnh này khiến tương lai của nhiều doanh nghiệp gia đình Trung Quốc như Wahaha trở nên phức tạp.
Những người phụ nữ Trung Quốc giàu có như Zong đang phải tham gia vào các mạng lưới như Relay China, nơi có 200 thành viên đến từ các gia đình khá giả trên khắp Trung Quốc.
Một chức năng hết sức quan trọng của Relay China là giúp đỡ những phụ nữ trẻ tuổi của các gia đình giàu có tìm được một người chồng phù hợp, theo tổng thư kí Duan Liuwen, con trai của một trong những doanh nhân lâu đời và nổi tiếng bậc nhất, ông Duan Yongji.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc tìm bạn đời không chỉ xảy ra đối những cô gái thành đạt. Trong một đất nước mà quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn thống trị, những phụ nữ có học, dù giàu hay nghèo, đều rất khó tìm được một người đàn ông sẵn sàng hẹn hò với một cô gái giỏi giang hơn họ. Hiện tượng này khiến cho một tờ báo nhà nước từng phải đặt câu hỏi, rằng liệu “những nữ tiến sĩ” có nên được tính là giới tính thứ ba hay không?
Những thử thách tình yêu mà các cô gái Trung Quốc phải đối mặt trong những năm gần đây đã khiến cụm từ "gái ế" trở nên phổ biến. Cụm từ này ám chỉ những người phụ nữ ở trên độ tuổi 27 nhưng chưa lập gia đình. Độ tuổi của họ được cho là quá già để có thể thu hút người khác giới.
Những người phụ nữ độc thân giàu có này không cô đơn thì cũng phải chịu quá nhiều áp lực và thử thách do thân thế của mình. Tương lai nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc đang phụ thuộc vào việc liệu những cô con gái thừa kế gia sản có tìm được bạn đời hay không. Do chính sách sinh một con được áp dụng suốt 30 năm qua, nhiều cô gái không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thừa kế và điều hành các doanh nghiệp của gia đình.
Tìm ai? Ai tìm?
Khi cân nhắc đối tượng để hẹn hò, những nữ doanh nhân này thường có xu hướng ưa tiên những phú nhị đại khác, con cái của các quan chức, hay các luật sư và bác sĩ, ông Duan chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề là những người đàn ông thành đạt luôn có nhiều sự lựa chọn hơn hẳn so với những người phụ nữ giàu có.
Yoyo Yao, con gái của một nhà phát triển bất động sản, than vãn rằng những người bạn khác giới của cô thường thích các cô gái kiểu mẫu nên rất khó để cô có thể tìm được một người phù hợp cho mình. "Liệu Wall Street Journal có làm bà mối cho tôi được không?, Yao hỏi. "Thật là khó để tìm một người đàn ông có thể tin cậy được trong thời buổi này".
Thậm chí sau khi tìm được người bạn đời, những người phụ nữ này cũng phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ.
Amigo Sun, cô con gái 26 tuổi của nhà đầu tư bất động sản tại Thượng Hải, cho biết trước khi tốt nghiệp đại học, cô chưa từng hẹn hò. Cha mẹ đã cho Sun vào học trường nội trú từ mẫu giáo và cấm cô hẹn hò từ khi còn là thiếu niên. Giờ đây họ lại đang thúc giục cô kết hôn và có con trước khi bước sang tuổi 30.
Sun đang chuẩn bị cho đám cưới với con trai của một doanh nghiệp gia đình tương tự trong vài tháng tới. Sau đám cưới, cô dự định sẽ có con trong khi tiếp tục chương trình học lên tiến sĩ của mình ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Sau đó, cô dự định sẽ hỗ trợ chồng trong một dự án kinh doanh mới, "chỉ để được duy trì liên lạc với xã hội".
Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ giàu có đều sẵn sàng từ bỏ những ưu tiên của mình vì người bạn đời. Những doanh nhân thế hệ thứ hai của Trung Quốc thường bỏ sang một bên những mối bận tâm cá nhân như con cái và có xu hướng sống độc lập. Khoảng 80% trong số đó đang tu nghiệp ở nước ngoài, theo báo cáo của Hurun.
Một người đàn ông muốn tập trung cho những tham vọng riêng của bản thân thường muốn tìm một người bạn đời có thể chăm sóc cho anh ta hơn là người mà anh ta lại phải cùng chia sẻ những trách nhiệm, Dee Poon – con gái của chủ sở hữu hệ thống cửa hàng sang trọng Hong Kong Harvey Nichols và công ty dệt may Esquel, nói.
"Ở Trung Quốc, nơi xã hội đang ngày càng bảo thủ, sẽ có nhiều áp lực hơn buộc những người phụ nữ phải từ bỏ cuộc sống của riêng họ để thực hiện vai trò làm vợ", Poon, giám đốc quản lý thương hiệu áo sơ mi nam PYE, chia sẻ quan điểm.
Chưa lập gia đình và đang ở đầu độ tuổi 30, mọi người thường nhìn thấy Poon mặc sơ mi trắng PYE, quần jeans và giầy bệt hầu như cả tuần. "Đây chắc hẳn là một yếu tố tạo thêm khó khăn nữa cho những người phụ nữ muốn có cuộc sống của riêng mình", Poon nói.
Theo Hoàng Linh
VnExpress