Thủ lĩnh dạy bơi ở U Minh thượng

Thủ lĩnh dạy bơi ở U Minh thượng
TP - Anh Nguyễn Quốc Phi, 34 tuổi, cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao huyện An Minh (Kiên Giang) từng là thủ lĩnh thanh niên tình nguyện, đã huấn luyện cho rất nhiều học sinh rinh hàng trăm huy chương môn bơi lội và chạy diệt dã.

> Người Nhật giúp giảm đuối nước cho trẻ Việt Nam
> Giúp trẻ tự tin vẫy vùng sông nước

Nhà vô địch chân đất

Mùa hè năm 2005, Nguyễn Quốc Phi, còn có tên gọi thân mật Bảy Phi, lúc đó là cán bộ Đoàn, làm đơn xin và được UBND xã Đông Hưng B, huyện An Minh cho phép thành lập Câu lạc bộ thể dục thể thao ấp 11A (tên gọi CLB 11A) để tập hợp thanh thiếu niên ở quê chạy bộ, tập bơi lội. Đề xuất của Bảy Phi được ủng hộ.

Lúc mới thành lập, CLB có 20 thành viên là các em nhỏ yêu thích thể thao tham gia. Bảy Phi kể: “Lúc đầu, đi đến các nhà vận động thì cha mẹ lắc đầu nhưng các em nhỏ ham vui lén đi tập luyện”.

Nhà anh Bảy Phi ở cạnh con đường dẫn vào trung tâm huyện An Minh, anh chăm chỉ làm cỏ khoảnh sân trước nhà nối liền tới bờ kênh xáng Xẻo Rô làm địa điểm để tập hợp các em nhỏ, hướng dẫn khởi động, tập chạy bộ, tập bơi lội trên sông.

Chiều chiều, sau giờ học, các em tập trung đến bãi đất trống, khởi động các động tác bơi, tập chạy. Chạy được một quãng theo qui định của Bảy Phi, các em lại quay về điểm xuất phát để nghỉ ngơi chốc lát. Bảy Phi lại hướng dẫn khởi động, để ùm xuống dòng nước kênh xáng Xẻo Rô bơi lội.

 “Nhờ CLB TDTT ấp 11A mà “đàn em” Bảy Phi đi đâu giành huy chương đó. Nhà nào có con vào CLB của Bảy Phi coi như khỏi chết đuối nên CLB ấp 11A có lúc tập hợp được hàng trăm thanh thiếu niên tập chạy, tập bơi”.  

Ông Lâm Văn Quốc, Bí thư chi bộ ấp 11A, xã Đông Hưng B

Bảy Phi đứng trên chiếc cầu ván bằng cây tràm, bắc ra phía kênh chừng chục mét, có dây làm ranh giới cho tàu bè đi lại trên sông. Bảy Phi cất tiếng hô vang: “Một, hai, ba… xuất phát”, từng nhóm lao vào đường bơi.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (Hai Hùng), có 5 đứa con theo Bảy Phi tập chạy, tập bơi và giành nhiều giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực. Ông Hai Hùng nói: “Các con tôi theo chú Bảy Phi rèn luyện sức khỏe. Vợ chồng tôi rất mừng khi các con biết bơi lội, không sợ chết thụt, yên tâm khi đi làm ăn xa nhà và có thể ra tay cứu người khác khi gặp nạn”.

Rạng danh U Minh thượng

Bãi đất trước nhà trở thành nơi tập hợp, huấn luyện CLB 11A
Bãi đất trước nhà trở thành nơi tập hợp, huấn luyện CLB 11A.

Chị Nguyễn Thị Phao, cán bộ Nhà thiếu nhi An Minh, trước đây làm Bí thư chi đoàn ấp 11A, cùng sát cánh với Bảy Phi xây dựng, rèn luyện và dẫn các em đi thi đấu, kể: “Nhớ lần đầu tiên dẫn các em đi dự giải TDTT ở trên tỉnh Kiên Giang, nhìn thấy nhóm vận động viên của mình chân đất, đầu trần, phải ăn sáng bằng khoai bắp, ai cũng nghĩ tủi: “Chắc đi thi đấu cho vui chớ giành giải gì!”.

Sau khi thành lập CLB 11 A vài tháng, tập luyện tích cực, các VĐV chân đất của CLB 11A ghi ấn tượng tại Giải việt dã leo núi Hòn Đất năm 2005, do Sở VH & TT- DL Kiên Giang tổ chức. Lần đó, CLB 11A “rinh” về 7 huy chương, trong đó có 2 vàng, 2 bạc và 3 đồng ở các nội dung nam, nữ thiếu niên.

Sau đó, tại Giải việt dã tỉnh Kiên Giang năm 2006, CLB 11A cử đi 18 VĐV đã “rinh” về 16 giải đủ cả nhất, nhì, ba. Ban chủ nhiệm CLB thống nhất, các VĐV chỉ dành một phần nhỏ tiền thưởng mang về gia đình, còn phần thưởng bằng tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện, quạt gió... bán để trả nợ tiền đặt mua quần áo thi đấu.

Sức mạnh dẻo dai, kiên cường, vượt trội của các VĐV CLB 11A mang về danh dự cho vùng U Minh thượng danh tiếng ở tỉnh Kiên Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều năm liền, CLB 11A làm nòng cốt đội tuyển huyện An Minh, tham gia đội tuyển của tỉnh Kiên Giang. Lần dở sổ ghi chép, Bảy Phi cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, các VĐV đã mang về 214 huy chương, gồm: 88 vàng, 67 bạc và 59 đồng các giải việt dã, bơi lội cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Huấn luyện viên tay ngang Nguyễn Quốc Phi trăn trở: “CLB 11A hoạt động sôi nổi sau 5 năm thành lập nhưng sau đó không phát triển vì chưa có nơi sinh hoạt, hội họp, phương tiện tập luyện cũng không. Tôi được chuyển công tác lên Nhà thiếu nhi An Minh, rồi Phòng VH- TT…không trực tiếp ở lại với các em nên mọi hoạt động chỉ trông chờ vào sự nhiệt tình của những cá nhân sáng lập nên CLB”.

Anh Bảy Phi cho biết, do CLB tự phát, không nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nào nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua tính chất không chuyên, CLB 11A gửi vào Trường nghiệp vụ năng khiếu TDTT Kiên Giang 20 em học lớp điền kinh năng khiếu ban đầu, 1 sinh viên đang học Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh (chuyên sâu bơi lội), 1 em học sư phạm Thể dục Trường Đại học Cần Thơ... CLB 11A có lôgô, mẫu áo và mở rộng ra các ấp ở 2 xã Đông Hưng B, Đông Hưng và 11 trường THCS, tiểu học ở huyện An Minh.

Năm 2009, Nguyễn Quốc Phi hoàn thành chương trình cao học TDTT với đề tài nghiên cứu “Hình thể, tố chất, thể lực các em học sinh từ 11 đến 14 tuổi”. Những năm tháng khảo sát, dạy kỹ năng bơi lội, thể thao quần chúng, Nguyễn Quốc Phi khát khao: “Xóa mù bơi lội cho thiếu nhi rất khó, cần được nâng tầm đầu tư đội ngũ, vật chất như chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cấp quốc gia”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG