Đường về nẻo thiện thênh thang

Đường về nẻo thiện thênh thang
TPO–Ngày 5/5, tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) báo Tiền Phong phối hợp với Trại giam Thanh Xuân, Tổng cục VIII Bộ Công An tổ chức chương trình Giao lưu Tọa đàm Tội ác đến từ đâu? - Vì bình yên cuộc sống.

>Thông điệp & hành động vì bình yên cuộc sống
>Diễn đàn là hồi chuông cảnh tỉnh
>Giao lưu Diễn đàn Tội ác đến từ đâu tại Trại giam Thanh Xuân

Những vụ án do người trẻ gây ra thời gian gần đây đang báo động cho chúng ta nhiều vấn đề về công tác phòng chống tội phạm, về công tác giáo dục định hướng giới trẻ, về những bức xúc xã hội tác động lên tâm lý người dân. Một số vụ trọng án do người trẻ gây ra lại xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, bộc phát, không tích tụ; thậm chí có những nguyên cớ là không thể hiểu nổi.

Phát biểu đề dẫn tại chương trình, anh Lê Anh Đạt, Phó TTKTS kiêm trưởng ban Thanh niên báo Tiền Phong cho hay: "Diễn đàn "Tội ác đến từ đâu?" đặt ra câu hỏi lớn, nóng hổi và xã hội đang mong muốn có câu trả lời. Diễn đàn "Tội ác đến từ đâu?" được mở ra trong bối cảnh nhiều vụ xảy ra, gây hoang mang dư luận. Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, cùng mổ xẻ, tìm nguyên nhân.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy thông điệp mà bạn đọc chia sẻ, phản ánh hiến kế là cần thiết nhưng chưa đủ để trả lời một cách thuyết phục câu hỏi Tội ác đến từ đâu, đang rất bức thiết hiện nay.

Cuộc giao lưu – tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn các vị khách mời sẽ cùng chúng tôi một lần nữa làm rõ hơn, sinh động hơn, chân thực hơn câu hỏi mà diễn đàn đang đặt ra. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc giao lưu – tọa đàm diễn ra một nơi đặc biệt, cùng những con người đặc biệt đã nếm trải qua nỗi buồn, mất mát, sai lầm; cùng những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, nhà quản lý…và đặc biệt hơn ở đây có những người thực thi pháp luật; tất cả có mặt ở đây khiến chúng tôi tin rằng, câu hỏi Tội ác đến từ đâu sẽ được giải đáp một cách thấu đáo nhất, sinh động nhất. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện Diễn đàn muốn gửi tới toàn xã hội, và kêu gọi cùng hành động phòng ngừa, hạn chế, đẩy lùi cái ác, nuôi dưỡng cái thiện, vì bình yên cho cuộc sống mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.

 
Chúng tôi mong muốn các vị khách mời sẽ cùng chúng tôi một lần nữa làm rõ hơn, sinh động hơn, chân thực hơn câu hỏi mà diễn đàn đang đặt ra: Tội ác đến từ đâu?
Anh Lê Anh Đạt, Phó Tổng thư ký tòa soạn kiêm trưởng ban Thanh niên báo Tiền Phong phát biểu đề dẫn. Ảnh: Cẩm Kỳ

Lỡ lầm vì mái ấm không hoàn hảo

Sau khi thăm và chuyện trò với những phạm nhân nữ đang thụ án tại trại Thanh Xuân (Hà Nội), TS. Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng chia sẻ và cảm thông với những nữ tù nhân từng lầm lỡ: “Tôi từng đến một số trại giam, trường giáo dưỡng cùng một số nhà văn nữ. Tôi nhớ có trường hợp một nữ phạm nhân, người chồng đã dẫn bốn người con lên trại thăm và đề nghị ký đơn ly hôn… Chị em phải thấy rằng, khi giáo dục một người đàn ông thì được một người đàn ông, giáo dục một người phụ nữ thì được một gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội. Chị em phải giữ gia đình của mình”.

Tại chương trình, các vị khách mời cũng đóng góp những ý kiến đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố gia đình tới hành vi, tâm lý phạm tội. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Trong những năm gần đây tình hình phạm tội trong giới trẻ ngày càng gia tăng về số lượng với mức độ nghiêm trọng… Đây là vấn đề báo động”.

 Khi giáo dục một người đàn ông thì được một người đàn ông, giáo dục một người phụ nữ thì được một gia đình 

TS. Bích Hồng

Bên cạnh đó TS. Kim Quý cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của những người trẻ trong xã hội: Họ không hiểu bản thân mình, chưa có cách yêu thương bản thân đúng cách; Không làm chủ được bản năng của bản thân; Chưa xác định được lý tưởng cuộc sống, lý tưởng ngay cho chính mình; Hay muốn thể hiện mình, nhưng có cái nhìn sai lệch về sự nổi tiếng, thiếu sự kiềm chế…

Nguyên nhân dẫn tới điều này có sự tác động yếu tố gia đình rất lớn. Những gia đình chưa hoàn hảo như: Bố mẹ thiếu quan tâm tới con cái, bố mẹ làm ăn phi pháp, nuông chiều và bao che cho con; Thậm chí bố mẹ đẩy con vào con đường phạm tội… “Gia đình có giá trị hết sức quan trọng. Đó là cái nôi, dung dưỡng nhân cách của mỗi người. Khi gia đình có vấn đề sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ. Khi làm việc với các bạn lầm lỡ, nguyên nhân dẫn tới vi phạm, yếu tố gia đình chiếm tới hơn 60%”, TS. Kim Quý cho hay.

Á hậu Việt Nam 2012, Đỗ Hoàng Anh chia sẻ: Gia đình là tế bào xã hội, là chỗ dựa lớn nhất. Sống trong gia đình tốt, lối sống, cách suy nghĩ của mỗi cá nhân trở thành nhân tố tiềm năng cho xã hội.

Không có con đường cùng

Tại tọa đàm, các vị khách mời đều có cùng quan điểm: Không bao giờ có con đường cùng, điều quan trọng là phải biết mở con đường cho chính mình. Cái nhìn phía sau để rút kinh nghiệm, nhìn phía trước để thấy điều tốt đẹp tới cho mình.

Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII Bộ công an chia sẻ: “Hạn chế thấp nhất là những người cải tạo lại quay trở lại trại giam này lần thứ hai, lần thứ ba. Sau khi hết thời gian cải tạo, chúng ta mong muốn phạm nhân trở về với gia đình, người thân và cộng đồng chứ không phải quay trở lại trại giam lần nữa. Đó là điều tôi trân trọng gửi lời cảm ơn và hi vọng báo tiếp tục phát huy kết quả diễn đàn, có cánh làm sáng tạo. Để hạn chế tội phạm chúng ta không chỉ giáo dục cho những người đã phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng”.

Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho hay: “Lứa tuổi phạm tội thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, trẻ hóa. Độ tuổi thanh thiếu niên chiếm 70% người phạm tội, trong đó có những trọng án, mắc nghiện ma túy. Nhà trường, xã hội và các tổ chức gia đình đoàn thể cùng phải có nhiều giải pháp đồng bộ, xuyên suốt. Tôi gặp các bạn trẻ ở tuổi 19-20, có bạn nhận án tới 10 năm hay 18 năm. Có những người phạm tội ở tuổi thanh niên, ra ngoài đã trung niên thì bao nhiêu ước mơ, hoài bão đã gác lại. “Việc chúng ta ngăn chặn tội phạm không chỉ vì bình yên cuộc sống mà còn vì mỗi cuộc đời tốt đẹp, cứu rỗi sai lầm và để mỗi thanh niên tránh khỏi những tội lỗi”.

Cùng cảm xúc và quan điểm, không có con đường cùng, anh Lê Xuân Sơn, TBT báo Tiền Phong chia sẻ: “Nhìn con đường trên phông nền tại chương trình tôi lại nhớ tới bài thơ “Tôi trở về nơi mình đã ra đi” (Chử Văn Long) nói về những con nguời phải đi xa, nhiều năm chưa trở về quê hương, thấy quê hương có rất nhiều điều khác, nỗi buồn ùa về sau bao năm xa cách bạn bè, người thân, không có nhiều cơ hội cống hiến công sức mình cho quê huơng nhưng rồi tất cả cũng là quá khứ, hãy sống và nhìn về phía trước.

Tôi trở về nơi đã sinh tôi

Vừa thân thương lại vừa như xa lạ

Bạn bè vẫn nắm tay vồn vã

Nhưng đâu rồi những ánh mắt hồn nhiên

Giấc mơ xưa xin trả thần tiên

Tôi chả mất công chi tiềm kiếm nữa

Lá tre rụng mai lá tre lại nở

Con bướm vàng thơ thẩn đậu rồi bay

...

Anh Lê Xuân Sơn đọc thơ tặng những người đang cải tạo tại trại Thanh Xuân
Anh Lê Xuân Sơn đọc thơ tặng những người đang cải tạo tại trại Thanh Xuân .
Một phút lắng lòng trong chương trình
Một phút lắng lòng trong chương trình.
 

Cùng người hoàn lương vượt nhà tù thứ hai

Anh Dương Văn An cho hay: Đoàn hiện đang có chương trình cụ thể là mỗi tổ chức cơ sở Đoàn, xã, phường, thị trấn trong một năm giúp đỡ cho một thanh niên chậm tiến tiến bộ, chúng ta có 11.000 xã phường, một năm mỗi xã phường giúp đỡ cho một người tiến bộ, một năm có 11.000 người tiến bộ, 10 năm có 110.000 người.

Sau khi ra trại người lầm lỡ thường vấp phải mặc cảm, tự ti. “Đoàn Thanh niên hiện tổ chức nhiều chương trình đồng hành cùng các bạn. Do đó các bạn ngồi đây, sau này trở về địa phương có gì khó khăn hãy đến gặp tổ chức đoàn”, anh An cho biết.

Hiện nay, cơ quan Đoàn có rất nhiều mô hình mang đến môi trường sinh hoạt văn hóa. Nhiều môi trường để các bạn trẻ cống hiến, tình nguyện như tiếp sức mùa thi, khi Tổ quốc cần ở các tổ chức đoàn cơ sở đều có các câu lạc bộ, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm. Đoàn đồng hành với các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp; đối với những người lầm lỡ đoàn cũng tạo điều kiện vay vốn, tổ chức các hoạt động xã hội để họ tham gia, giúp cộng đồng đồng cảm, chia sẻ và tạo điều kiện cho họ hướng thiện.

Trung tướng TS. Nguyễn Văn Ninh nêu rõ truyền thống của dân tộc ta đó là
Trung tướng Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh nêu rõ truyền thống của dân tộc ta đó là "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại".

Những người lầm lỗi đã vượt qua những ngày tháng trong trại giam như vượt qua cánh cửa thứ nhất. Vậy xã hội và những người sống xung quanh hãy bao dung trao cho những người trở về, trao cho họ niềm tin để mở tiếp cánh cửa thứ hai của cuộc đời.

Giao lưu với chương trình trại viên Lê Quang Hưng sinh ra trong gia đình có bố mẹ là viên chức nhà nước, đã tạo điều kiện tốt nhất cho anh ăn học đầy đủ. Tốt nghiệp Đại học được làm việc tại một Cty lớn thuộc tập đoàn Dầu khí. Đó là niềm vui lớn với gia đình anh nhưng vì khát khao muốn khẳng định mình, được làm giàu một cách nhanh chóng, Hưng đã phạm pháp. “Tôi đã để mất mọi thứ sau gần 30 năm nghiêm túc, miệt mài học tập, phấn đấu. Tôi đã phụ lòng tin của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đó là cái giá xứng đáng phải trả cho những gì mà tôi đã gây ra”, Hưng bộc bạch.

“Hãy giúp những người tù trở về chìa khóa để mở tiếp nhà tù thứ hai là sự mặc cảm, kỳ thị của xã hội… Gia đình và thể chế hóa của luật pháp sẵn sàng dang rộng vòng tay thương yêu giúp đỡ đón những người lầm lỡ trở về để sống hòa nhập được với gia đình và xã hội. Trong truyền thống của chúng ta luôn luôn có điều ấy: đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…”, Trung tướng TS. Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII.

Từng mất hơn 10 năm trả giá cho lỗi lầm của tuổi trẻ tại trại giam Thanh Xuân, Phan Lê Huy giờ đã là bác sĩ tại một phòng khám tư tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ngày mãn hạn tù, anh sung sướng về quê trong niềm hân hoan làm lại cuộc đời. “Cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng không hề đơn giản, đặc biệt là bước qua sự mặc cảm của bản thân, kỳ thị của dư luận xã hội”, anh Lê bộc bạch. Nghiêm túc xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, chân thành, điềm tĩnh tạo lòng tin bắt đầu từ những người trong gia đình bằng những việc như đọc sách, quét dọn nhà cửa, tập thể dục, tham gia các hoạt động với đoàn phường. Sự kiên trì, chân thành của anh Lê đã dần lấy lại được cảm tình từ những người xung quanh giúp anh hòa nhập cuộc sống khu phố rất nhanh. Chỉ mất 4 tháng anh đã tự tin hòa đồng với mọi người, hơn một năm sau anh đã tìm được công việc ổn định.

“Mình phải xác định trở về với cộng đồng một cách nghiêm túc, bắt đầu từ những người gẫn gũi nhất. Con đường đi cong hay thẳng là do chính mình”, Lê Huy chia sẻ với các phạm nhân.

Trung tướng, T.S Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an chia sẻ: “Người phạm tội đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc từ pháp luật đó là cánh cửa thứ nhất nhưng có một hình phạt khác khắc nghiệt không kém đó là dư luận xã hội, sự kỳ thị của cộng đồng. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, vậy xã hội và những người sống xung quanh hãy bao dung trao cho những người trở, trao cho họ niềm tin để mở tiếp cánh cửa thứ hai hoà nhập với cuộc đời và sống có ích”.

Bùi Phương Thảo, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên chia sẻ: Cảm giác đầu tiên là sự xúc động, khi nhìn thấy hình ảnh của trại viên. Quá khứ rồi sẽ qua đi, mọi người đang cố gắng cải tạo, hướng về sự hòa nhập xã hội. Cuộc sống có nhiều điều chân quý. Sau tọa đàm, đây là bài học kinh nghiệm quý giá. Những kinh nghiệm mà trên giảng đường không thể có. Và điều quý giá nữa là tích lũy kinh nghiệm cho ngành công tác xã hội; giúp đỡ đối tượng những người lầm lỡ quay trở lại cộng đồng.

Chia sẻ tại tọa đàm, Á hậu Tú Anh nói: Đang là một sinh viên tôi nhận thức đựơc mình cần phải trở thành một công dân tốt có ích cho xã hội và cộng đồng. Hiện tại tôi đang cố gắng tham gia nhiều hoạt động xã hội bên cạnh việc học tập để có thể giúp ích cho cộng đồng và hướng tới cho mình một lối sống tốt đẹp.

Đại tá Phan Trọng Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ đây là chương trình có ý nghĩa sâu sắc trong công tác giáo dục cải tạo người phạm tội, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, là hồi chuông cảnh tỉnh, giáo dục nhân cách đối với tuổi trẻ nói chung và phạm nhân, nhất là phạm nhân trong độ tuổi vị thành niên nói riêng, góp phần không nhỏ phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Đại diện ban tổ chức chương trình đã thăm hỏi những người đang cải tạo tại trại Thanh Xuân
Đại diện ban tổ chức chương trình đã thăm hỏi những người đang cải tạo tại trại Thanh Xuân.
Chương trình có nhiều nội dung ý nghĩa
Chương trình có nhiều nội dung ý nghĩa.
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đã được các phạm nhân thể hiện
Một tiết mục văn nghệ đặc sắc đã được các phạm nhân thể hiện.
Các tiết mục mang sự thoải mái cho khán giả dưới hội trường
Các tiết mục mang sự thoải mái cho khán giả dưới hội trường.
Đường về nẻo thiện thênh thang ảnh 9
Đường về nẻo thiện thênh thang ảnh 10
TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tặng quà cho trại giam Thanh Xuân
TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tặng quà cho trại giam Thanh Xuân.
Trong chương trình, hai Á hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh đã giao lưu tại chương trình
Á hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh đã giao lưu tại chương trình.
Á hậu Việt Nam 2012 Đõ Hoàng Anh
Á hậu Việt Nam 2012 Đỗ Hoàng Anh.
Trung tướng TS. Nguyễn Văn Ninh hát tặng chương trình liên khúc thanh niên
Trung tướng Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh cùng các vị khách mời ca vang nhiều khúc hát thanh niên.
Theo Viết
MỚI - NÓNG