> Khi Đoàn là chỗ dựa
> 'Thắp sáng niềm tin' cho thanh niên chậm tiến
Giúp đỡ thanh niên chậm tiến
Tổ chức Đoàn thu hút và tập hợp đông đảo TTN ưu tú trong mọi lĩnh vực của xã hội. Tuy nhiên với thanh niên chậm tiến, bộ phận dễ sa ngã và phạm tội, hình như Đoàn ít tiếp cận, ít có chương trình giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, giá trị sống cho họ? Đoàn sẽ làm gì để khắc phục điểm yếu này, thưa anh?
Từ nhiều năm qua, Đoàn đã xây dựng những mô hình hoạt động hướng vào các đối tượng nghiện ma túy, các đối tượng chấp hành án phạt tù trở về địa phương, các đối tượng thanh thiếu niên hư có nguy cơ phạm tội... thông qua xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên như: Nhóm “Đồng đẳng”, nhóm “Bạn giúp bạn” đối với thanh niên nghiện ma túy.
Đối với thanh niên sau cai nghiện hoặc phạm tội tái hòa nhập cộng đồng có đội “Thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”. Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù...
Nhiều nơi, Đoàn cơ sở đã đứng ra tín chấp, thậm chí trích quỹ hoạt động để tạo vốn cho thanh niên sau cai, thanh niên chậm tiến làm ăn; Vận động thanh niên chậm tiến tham gia các hoạt động tạo môi trường tốt hơn cho các bạn trẻ này thay đổi suy nghĩ và cách ứng xử, hướng thiện...
Nhiều bạn trẻ từng nghiện ngập, phạm pháp sau một thời gian tham gia các hoạt động của Đoàn, hoặc được Đoàn giúp đỡ đã hoàn lương thành công, trở thành đoàn viên tích cực, có người giữ chức vụ trong BCH Đoàn ở cơ sở, tiếp tục hoạt động xã hội để lấy chính mình làm minh chứng tuyên truyền, giáo dục lại các bạn trẻ khác.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đã thừa nhận việc Đoàn tiếp cận với bộ phận thanh niên chậm tiến, hư hỏng chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều cán bộ Đoàn ngại tiếp cận với TTN chậm tiến; việc giáo dục, cảm hóa các đối tượng này thiếu kiên trì, biện pháp hữu hiệu, còn tình trạng dễ làm, khó bỏ. Nghị quyết đã đề ra chỉ tiêu là 100% cơ sở Đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình giáo dục, cảm hóa TTN chậm tiến.
Theo đó, Đoàn sẽ kiên trì hơn nữa trong việc tiếp tục thực hiện các hoạt động đã có giá trị thực tiễn như đã nêu ở trên; Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho TTN, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và TNXH, quan tâm gần gũi, động viên, cảm hóa, giáo dục TTN chậm tiến;
Mỗi Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn mỗi năm phải nhận giúp đỡ ít nhất 1 TTN chậm tiến và phối hợp với lực lượng Công an giúp đỡ ít nhất một TTN nghiện ma tuý cai nghiện hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn phải tăng cường các hoạt động giúp thanh niên chịu các án phạt tái hòa nhập cộng đồng, nhất là việc giải quyết công ăn, việc làm, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh giúp đỡ thanh niên sau cai cách ly môi trường xấu...
Giáo dục giá trị nhân văn bền vững
Đoàn đang tiếp cận nhiều hơn, hiệu quả hơn trong việc cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến (trong ảnh người trẻ hút thuốc nơi công cộng, vi phạm giao thông). Ảnh: Hồng vĩnh. |
Được biết T.Ư Đoàn đang xây dựng Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên. Đề án sẽ hướng đến những giải pháp trọng tâm gì cũng như đề xuất kiến nghị cụ thể để hạn chế tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên, thưa anh?
Trong đề án, sẽ có các chỉ tiêu phấn đấu về giảm số lượng TTN phạm tội, sa vào tệ nạn xã hội, đồng thời sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện chỉ tiêu đó.
Đoàn sẽ chú trọng hơn nữa việc gắn giáo dục thông qua phong trào hành động, xem giáo dục thông qua thực tiễn là môi trường tốt nhất để giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng những giá trị tốt đẹp, tính tích cực xã hội cho TTN.
“Thật xót xa khi một học sinh, sinh viên, thanh niên đang ở tuổi ăn, tuổi học, tuổi mơ ước những điều tốt đẹp bỗng chốc trở thành tội phạm, để tuột mất cái tuổi đẹp nhất, đầy sức sống nhất của đời người. Đoàn Thanh niên cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường... đã có nhiều nỗ lực trong giáo dục người trẻ, đấu tranh phòng chống tội phạm, tuy nhiên kết quả đạt được chưa bền vững. Do vậy cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn để làm giảm, tiến tới ngăn chặn tình trạng TTN sa vào tệ nạn xã hội, phạm tội”. Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An |
Bên cạnh, Đoàn sẽ “làm mới cái cũ” để phù hợp với thanh niên hơn, tạo hiệu ứng xã hội lớn hơn. Nhân rộng những mô hình mới, có hiệu quả trong giáo dục, rèn luyện TTN như “Học kỳ quân đội”, chương trình “Khi tôi 18”... thường xuyên phát hiện người tốt, việc tốt, nêu gương điển hình, xây dựng và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên. Phát huy hiệu quả hệ thống báo chí xuất bản của Đoàn cũng như của các đơn vị khác để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục TTN.
Chúng tôi nhận thức rằng để giáo dục, rèn luyện TTN có giá trị bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình, xã hội, do vậy T.Ư Đoàn cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn tác động xấu của các sản phẩm không lành mạnh đến thanh niên.
Tạo điều kiện, khuyến khích để các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật, điện ảnh sáng tác và phổ biến nhiều công trình, tác phẩm có giá trị giáo dục tốt cho thanh niên. Siết chặt quản lý với những ấn phẩm, trang mạng, game online có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng không tốt đến thanh niên.
Có biện pháp hữu hiệu chống bạo lực học đường, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; tăng cường đầu tư, đổi mới nội dung giáo dục thể chất, kỹ năng xã hội, các hoạt động vui chơi giải trí cho học sinh, sinh viên.
Nhà nước quan tâm đầu tư thỏa đáng những thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho TTN đồng thời các cơ quan chức năng cần tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn cho tuổi trẻ.
Cảm ơn anh!
PHƯƠNG HIẾU
thực hiện