> Hoàn thành công trình đường giao thông nông thôn
> Con đường thanh niên
Nương ngô xóa đói
Chúng tôi về xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu), nơi có những nương ngô in đậm dấu ấn thanh niên tình nguyện. Từ trung tâm xã trên đỉnh đồi phần phật gió, những chiếc xe máy lại đưa chúng tôi men theo con đường đất rộng chừng ba gang tay bám vào sườn đồi dẫn đến nương ngô.
Chúng tôi liên tục xuống đẩy xe vượt dốc lầy, hoặc dùng phanh xe, thả chân xuống làm phanh mà xe vẫn phăm phăm xuống dốc! Thào A Tủa vui vẻ nói: “May mà trời nắng, nếu mưa chỉ còn cách cuốc bộ nửa ngày”.
“Xã Pá Hu chủ yếu là người H’Mông, đa phần thuộc hộ nghèo, thiếu đói thường xuyên. Dự kiến, nương ngô Thanh niên thu hoạch đúng dịp tháng 4, tháng 5, sẽ giúp nhiều hộ dân vượt qua được cái đói”. Bí thư Đoàn xã Thào A Mua |
Vật lộn với con đường đất ngoằn nghèo lên xuống, đoàn công tác cũng đến được nương ngô thanh niên. Trên lưng chừng núi, hơn 19ha đất được rẫy sạch cỏ và tra ngô thẳng hàng. Tuy nhiên, để có được cánh đồng ngô này, gần 700 đoàn viên thanh niên xã Pá Hu và các xã lân cận phải chuẩn bị mất gần một tháng.
“Lúc đầu, nhìn thấy cả một vùng núi toàn cỏ dại, có nơi cao ngập đầu người cũng ngại. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc thì ai cũng vui và hứng khởi”, Mai Lê Tuyền, cán bộ huyện Đoàn Trạm Tấu cho biết.
Tuyền nhớ mãi ngày gieo hạt địa bàn lại rộng mà thanh niên trong xã chưa hiểu kỹ thuật gieo trồng, sóng điện thoại chờ này lại không có nên cán bộ đoàn phải thường xuyên chạy qua, chạy lại mấy khu vực để hướng dẫn.
Có cán bộ xã đoàn Xà Hồ còn xin nghỉ học ở thành phố Yên Bái, bắt xe về xã đi gieo ngô với ĐVTN. Xong việc lại bắt xe xuống thành phố học tiếp. Chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cùng tham gia gieo hạt từ sáng sớm ấn tượng mãi với hình ảnh những áo xanh trải dài trên triền núi chênh vênh phát cỏ, cuốc đất để gieo ngô.
Nhìn nương ngô trên hàng chục héc ta đất mới lật, Bí thư Tỉnh Đoàn Nông Việt Yên lạc quan: “Chỉ sau vài ba cơn mưa, cả khoảng đất rộng này sẽ phủ kín màu xanh của ngô. Mình làm mẫu để hướng dẫn bà con làm theo. Phải cố gắng chăm sóc sao cho đạt kết quả cao nhất. Bà con thấy hiệu quả mới tin và làm theo”.
Đảm bảo cho dự án thành công, hơn 19ha ngô được giao cho những hộ dân thanh niên trong xã chăm sóc và quản lý. Nhân chuyến công tác lên Yên Bái, Đoàn khối các cơ quan T.Ư đã tặng 10 tấn phân bón hỗ trợ ĐVTN Pá Hu chăm sóc ngô.
Những con đường thanh niên
ĐVTN và nhân dân thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An (Nghĩa Lộ) làm sân bê tông cho trẻ em. Ảnh: Trường Phong. |
Nằm cách trung tâm huyện vùng cao Trạm Tấu gần 5 km, xã Xà Hồ có nhiều hộ dân ẩn sâu trong núi. Việc đi lại của bà con từ xã đến huyện chỉ là lối mòn ven theo triền núi. Nhân Tháng Thanh niên, Đoàn xã Xà Hồ đăng ký mở đường cho bà con.
“Qua hai đợt, mình huy động được hơn 400 ĐVTN trong xã và các xã lân cận xẻ đất, làm được hơn 2,5 km đường rộng hơn 2m. Từ đây, người dân có thể di chuyển bằng xe máy thay vì đi bộ như trước đây”, anh Hờ A Phử, Bí thư Đoàn xã Xà Hồ cho biết.
Bên sườn núi, từng tảng đá hộc được kè chắc chắn giữ không cho đất bị xói. Anh Phử kể, để phá được những tảng đá này, hàng chục thanh niên phải dùng xà beng đập, nảy từng viên, sau đó lại chuyền tay nhau ra sát mép vực, sắp xếp, rải đá làm đường. Một mét đường nếu đong, đo không chỉ có mồ hôi, mà còn máu chảy.
“Do không có kinh phí thuê máy móc, nên tất cả mọi công việc đều phải làm thủ công. Nhiều bạn dùng xà beng nạy đá liên tiếp trong nhiều ngày, tay bị rộp, chảy máu. Không ít bạn bị đá sắc cứa đứt tay, đá lăn vào chân tím bầm…”, anh Phử nói.
Làm đường cho bà con đi nhưng không ít lần Phử và các bạn thanh niên phải giải thích, phân trần với người dân khi việc mở đường lấy đất từ nương ngô, nương sắn.
“Mình phải thuyết phục việc lấy đất đắp đường vì lợi ích chung. Đường làm xong giúp bà con đi lại, vận chuyển lên nương, đi chợ thuận tiện hơn… Khi dân hiểu và thông cảm, họ nhiệt tình ủng hộ thanh niên mở đường. Nhiều người dân tạm gác việc nương rẫy chung sức cùng thanh niên làm đường”, Phử nói.
Bí thư đoàn cho biết hiện đã tiếp tục xin chủ trương của xã, vận động thanh niên làm thêm 2,5 km còn lại để hoàn tất cung đường nối từ xã đến huyện.
Nổi tiếng ở Yên Bái trong phong trào làm đường dân sinh còn có ở huyện Đoàn Lục Yên. Những ngày tháng Ba này, tuổi trẻ Lục Yên đã hoàn thành đường tránh lũ dài hơn 1,3 km trên địa bàn xã Yên Thắng. Được biết, mỗi khi mưa lớn, con đường chính đi qua thôn Đồng Cáy của xã lại bị ngập lụt, chia cắt.
Ông Hoàng Văn Dân, trưởng thôn Đồng Cáy cho biết, nhờ sức trẻ của đoàn viên, thanh niên mà giờ đây, bà con không còn phải sợ cảnh lụt lội, chia cắt nữa. Con đường mở rộng hơn 3 m, ô tô cỡ nhỏ cũng có thể đi qua nếu mùa mưa lũ về.
Ông Dân phấn khởi cho hay, nhiều người dân trong xã còn sẵn sàng hiến đất, hiến nương, chặt cây để làm đường. Ngồi bên con đường mới mở, ông Hoàng Minh Đạo, một người dân trong xã, hồ hởi: “Thanh niên làm đường tốt quá, lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng hiến đất, hiến nương để cho thanh niên làm đường”.
Tại điểm trường Nậm Đông, xã Nghĩa An (Nghĩa Lộ), đoàn công tác đến thăm đúng lúc Đoàn thanh niên và bà con nhân dân bê tông hóa sân trường để tạo sân chơi cho các bé.
Mồ hôi lấm tấm trên mặt, chị Hà Thị Lai, một phụ nữ có con học trong trường vừa gánh nước, vừa hỗ trợ trộn bê tông chia sẻ: “Con tôi mới 3 tuổi, đang học trong trường. Bây giờ các chú, các anh đổ sân bê tông cho cháu chơi vừa an toàn, vừa sạch sẽ, tôi và mọi người ở đây vui lắm”.
Ngoài hai huyện Trạm Tấu, Lục Yên, theo thống kê của tỉnh đoàn Yên Bái, trong Tháng Thanh niên 2013, có hơn 20 tổ chức Đoàn cơ sở đăng ký làm đường giao thông nông thôn, công trình đường tránh lũ. Ngoài ra, tại một số điểm trường, Đoàn thanh niên còn phối hợp với bà con nhân dân tổ chức bê tông hóa sân chơi cho học sinh. |