Ông Hồ Đức Việt: Lên, xuống chức vụ còn nặng nề

Ông Hồ Đức Việt: Lên, xuống chức vụ còn nặng nề
TP - Trước thềm ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X, chủ đề đào tạo, trọng dụng cán bộ, lãnh đạo trẻ đồng thời gợi mở tư tưởng trọng nhân trong thời kỳ mới được ông Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đảng, chia sẻ với báo Tiền Phong.

> Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ban chấp hành trung ương
> T.Ư Đoàn đào tạo cán bộ trẻ cho Lào

Ông Hồ Đức Việt
Ông Hồ Đức Việt.

Thưa ông, từng giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng, ông đánh giá như thế nào về cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ của nước ta hiện nay?

Đây là vấn đề lớn nên khó nói cho vừa gọn, vừa đầy đủ. Tổ chức và cán bộ là những khâu có quan hệ hữu cơ không thể tách rời, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; nhân tố quyết định sự sống còn của Đảng, gắn liền với sự thành bại của công cuộc phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về cái hay, cái dở trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn, sử dụng... cán bộ hiện nay ở nước ta, các Nghị quyết của Đảng đã nêu nhiều, nêu khá đầy đủ. Vấn đề là làm thế nào để phát huy mặt tốt, khắc phục những yếu kém một cách có hiệu quả, nói đi đôi với làm.

 Phải loại bỏ những cán bộ ưa nịnh, nặng chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tham lam, cục bộ, bè phái, mị dân, nói một đằng, làm một nẻo; Không thể trọng dụng cán bộ thích thân quen bất chấp năng lực, không có quá trình rèn luyện, trải nghiệm, cống hiến... Việc này làm không dễ nhưng phải làm, cương quyết làm.

Theo tôi, có ba chuyện rất trọng yếu trong công tác cán bộ, cái được và chưa được cũng nên tìm trong ba chuyện này: Một là, sự gắn kết hữu cơ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức của Đảng, của hệ thống chính trị; Hai là, cơ chế, chính sách cán bộ có phù hợp hay không với đường lối phát triển đất nước, với lòng dân và tình hình thực tế; Ba là, phương thức, phong cách, lề lối làm việc của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức đã thực sự là của dân, do dân, vì dân hay chưa?

Ba khâu này lại phải được thể chế hoá thành luật pháp, quy chế, quy định, quy trình, chính sách cụ thể, đúng đắn.

Công tác cán bộ của nước ta thành tựu nhiều nhưng yếu kém cũng không ít. Chỉ xin nêu một ví dụ: Chúng ta đang đẩy mạnh việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu - Đó là một thứ “giặc ở trong lòng” có nguồn gốc từ tư tưởng không đúng.

Vậy chúng ta đã làm gì, làm cách nào để phòng chống? Hiệu quả thế nào? “Nếu chính mình tham ô, bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Bác Hồ đã từng chỉ rõ như vậy.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Trong từng khâu của công tác cán bộ rất cần quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng lớn này.

Sự ra, vào, lên, xuống chức vụ còn nặng nề

Thưa ông, thực tế ở nhiều cơ quan nhà nước, việc đào tạo cán bộ trẻ, nhìn nhận người tài được quan tâm hơn trước. Tuy nhiên, thực tế người tại vị, đi trước không chịu “nhường ghế”, vậy làm sao người trẻ có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo của mình? Có cơ chế nào để 2 thế hệ cùng phát huy năng lực: Người già sớm rút lui, người trẻ sớm kế nhiệm?

Ông Hồ Đức Việt (bìa phải) tặng biểu trưng cho thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2009. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Hồ Đức Việt (bìa phải) tặng biểu trưng cho thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2009. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cơ chế cũng đã có rồi, thậm chí đã quy định thành Luật. Quy chế bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử; cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ... đã được Bộ Chính trị ban hành. Nội dung nào còn thiếu thì nên bổ sung, quy định nào chưa chuẩn thì cần chỉnh sửa.

Vấn đề là phải thực hiện cho đúng, cho nghiêm, công tâm, khách quan, minh bạch. Sự ra, vào, lên, xuống chức vụ ở nước ta còn nặng nề, chưa thông thoáng.

Trong một tập thể lãnh đạo cần có 3 độ tuổi để kế thừa, phát triển một cách vững chắc. Tre già, măng mọc, đừng sợ người trẻ hơn mình không đảm đương được công việc.

Thưa ông, có cần thiết phải ban hành Chiến lược quốc gia về công tác cán bộ không? Nếu có thì cần có những đột phá cụ thể như thế nào?

Năm 1997, BCH T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Năm 2009, T.Ư Đảng đã quyết định đẩy mạnh thực hiện Chiến lược này, nêu rõ cần xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài và chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tôi cho rằng cần làm thật tốt hai công việc chuyện này trước khi bàn đến một chiến lược nào khác về công tác cán bộ.

Khâu đột phá ư? Cán bộ là nền tảng, là cái gốc của mọi công việc. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được lựa chọn sao cho chuẩn xác. Việc này quan trọng lắm.

Rồi sau đó là khâu đánh giá, tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, cất nhắc cán bộ phải thực sự vì Đảng, vì Dân, vì Đất nước.

Phải thông qua việc nâng cao trình độ dân trí, qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân mà tuyển chọn cán bộ; Phát hiện người có đức, có tài để tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng cán bộ.

Nếu làm hết sức không lo “đầu ra”

Theo ông, cần có cơ chế, chính sách như thế nào đối với “đầu ra” của cán bộ Đoàn?

Tôi không thích thú lắm với cụm từ “đầu ra”. Cán bộ của Đoàn ta là cán bộ của Đảng, của dân; được học tập, rèn luyện, thử thách qua trường học thực tiễn, qua các chương trình hành động, hữu ích của thanh niên.

Sự trưởng thành của cán bộ Đoàn phụ thuộc chính vào hai yếu tố. Đó là năng lực, sở trường, phẩm chất, sự cống hiến của bản thân người cán bộ và sự nhìn nhận, đánh giá của cấp lãnh đạo có thẩm quyền.

Cán bộ Đoàn, nếu làm việc hết sức mình, dám xả thân, năng động, sáng tạo; coi nhẹ công danh, dù ở cương vị công tác nào, địa bàn nào cũng nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp chung tốt đẹp hơn của đất nước, của cộng đồng và thanh thiếu niên thì khi đó “đầu ra” của cán bộ Đoàn khỏi
phải bàn.

Xin chúc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X thành công.

Cảm ơn ông.

Phương Hiếu
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.