Triết lý dây thừng

Triết lý dây thừng
TP - Ai cũng muốn thành đạt trong cuộc sống, song không phải ai cũng có đủ điều kiện thực hiện được. Có những người thực hiện được ước mơ hoài bão của cuộc đời mình và trở nên thành đạt, nhưng cũng có không ít người vì thiếu điều kiện và may mắn mà rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, yếu thế hơn.

> Lời tri ân của người vừa thoát khỏi tử thần
> Giấc mơ từ thiện của 'chàng trai tí hon'
> 'Mắt Bão' vì đôi mắt người nghèo

Khi còn trẻ, Walt Disney từng vẽ tranh cho một tờ báo, nhưng sau đó bị đuổi việc vì thiếu sáng tạo và ý tưởng. Từ đó, xưởng hoạt hình đầu tiên của ông cũng phá sản.

Thậm chí, hình tượng chú chuột Mickey của ông cũng bị một vài hãng phim từ chối vì họ nghĩ nhân vật này làm phụ nữ sợ hãi. Dĩ nhiên, cuối cùng thì Disney cũng thành công rực rỡ khi ông xây dựng được một đế chế giải trí như Disneyland.

Hay khi nhắc tới thế giới người mẫu, người ta thường liên tưởng đến những thân hình nóng bỏng, cặp chân dài miên man và những bước đi đầy tự tin, quyến rũ trên sàn catwalk.

Nhưng ở đây lại có một ngoại lệ. Tuy không được may mắn phải cắt bỏ hai chân khi mới tròn một tuổi, nhưng bằng ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường của bản thân, Aimee Mullins một cô gái người Mỹ đã chiến thắng định mệnh nghiệt ngã và trở thành một trong những siêu mẫu nổi tiếng của thế giới.

Không chỉ hoạt động tích cực trong vai trò người mẫu, Aimee còn là vận động viên điền kinh cừ khôi, diễn viên điện ảnh xuất sắc và là đại sứ thương hiệu cho các hãng mỹ phẩm danh tiếng.

Những bước tiến thành công của Aimee không chỉ nhờ nét đẹp trời cho mà quan trọng hơn đó chính là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn và ý chí kiên cường của cô gái trẻ.

Đối với những con người như thế, thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi lòng nhiệt thành.

Đặc biệt, ở những người trẻ, họ có tinh thần nhiệt huyết và sức bền bỉ, họ hoàn toàn có thể thành đạt nếu biết giữ vững niềm tin vào bản thân và xác định cho mình một mục tiêu lâu dài để hướng tới.

Tôi nhớ nhất một chi tiết trẻ con khá sinh động gọi là “triết lí dây thừng” khi đọc những cuốn truyện tranh từ thuở bé. Một sợi dây thừng luôn được tết bởi hai sợi dây nhỏ hơn. Vậy nên hãy cứ coi một sợi là thành đạt và một sợi là yếu kém đi.

Chúng luôn tồn tại song hành. Cũng như trong cuộc sống xã hội, bên cạnh những người thành đạt, giàu có thì cũng tồn tại những mảnh đời bất hạnh hơn, họ nghèo đói, vất vả và không có được những điều kiện thuận lợi như những người khác.

Có rất nhiều người có sẵn trong mình ý chí quyết tâm và cố gắng hết mình để thực hiện mục tiêu đã đề ra, song họ lại kém may mắn hơn khi không có được điều kiện hoàn cảnh thuận lợi để phấn đấu tiến xa hơn, hay do bệnh tật, nghèo túng, thiên tai mà phải dừng bước trên con đường của mình.

Một câu chuyện xót xa mà tôi có đọc được trên báo, đó là câu chuyện kể về chị Phan Thị Phấn (sinh năm 1992) là sinh viên lớp Sư phạm Toán Trường Đại học Đồng Tháp đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn túng thiếu.

Gia đình đông anh em, bố mẹ làm nông không đủ chi phí để trang trải cho Phấn học đại học. Mặc dù, chị đã nỗ lực hết mình để vượt qua nghịch cảnh bằng cách vừa học vừa đi làm thêm, nhưng cuối cùng sau một năm gồng mình cố gắng nơi giảng đường đại học, Phấn phải đành ngậm ngùi chấp nhận nghỉ học, bỏ giữa chừng ước mơ làm cô giáo.

Hay câu chuyện về những cậu bé, cô bé học sinh vùng cao. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sách vở bút viết không đủ để học hành, thậm chí nhiều em còn không được đến trường, từ bỏ ước mơ tìm kiếm cái chữ. Những hoàn cảnh như vậy cần lắm sự giúp đỡ hỗ trợ của người khác để cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Nhưng người thành đạt nên san sẻ giúp đỡ như thế nào để những người thiệt thòi có cơ hội cải thiện cuộc sống? Họ có thể tạo điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó bằng cách tạo ra công ăn việc làm, tạo điều kiện về vật chất, vật tư hay phương tiện đi lại, bởi một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Khi đã có đầy đủ những trang bị cần thiết, với ý chí tinh thần vượt qua khó khăn, những người có hoàn cảnh thiếu may mắn hoàn toàn có thể vươn lên làm chủ cuộc đời mình. Quan trọng hơn cả, sự chia sẻ phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, độ lượng, sự hiểu biết và cảm thông với từng hoàn cảnh khác nhau.

Cuộc sống này sẽ rất tươi đẹp nếu người mạnh giúp người yếu, người giàu sẻ chia nâng đỡ người nghèo vươn lên.

Nhà văn Nam Cao quan niệm rằng “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”.

Những người thành công, thành đạt thực sự khi họ biết điều chỉnh hành vi thái độ của mình đối với người khác: dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh.

Hãy làm giàu chân chính bằng trí tuệ và chia sẻ với cộng đồng bằng cả trái tim để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đó là điều mà chúng ta mong đợi.

Đỗ Thị Ngọc Anh
Lớp 11 chuyên Anh, trường PTTH Nguyễn Trãi, Hải Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG