> 'Mắt Bão' vì đôi mắt người nghèo
Năm năm về trước, một tân sinh viên trường Đại học Thủy lợi như tôi đã phải gác lại chuyện học hành khi sức khỏe ngày càng suy kiệt. Tôi được chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư ngày 10-10-2007. Điều trị hơn một tuần, sức khỏe tôi khá hơn.
Tôi chú ý đến một nhóm bệnh nhân trạc tuổi tôi mới nhập viện để truyền hóa chất, cứ gặp nhau là họ nói cười rôm rả. Họ chủ động làm quen với tôi, mới đầu là hỏi han về sức khỏe, sau là những chia sẻ về bệnh tật mà họ đã gặp phải. Họ rất tâm lý khi không nói rằng tôi bị bệnh ung thư máu giống họ. Tiếp xúc nhiều với họ, tôi nhận ra, đằng sau những nụ cười ấy là khao khát sống cháy bỏng, là trăn trở lo lắng về khó khăn của gia đình khi lo tiền chữa bệnh cho mình...
Họ vẫn lạc quan chống chọi với bệnh tật, với những đớn đau khi thuốc ngấm vào cơ thể, khi bàn tay đã bị đâm hàng chục mũi kim tiêm mà vẫn chưa tìm ra ven để truyền thuốc… Chúng tôi đã là bạn của nhau trong những lúc khó khăn nhất.
Khi biết sự thật về căn bệnh của mình, tôi đau khổ, chán nản, mọi thứ xung quanh đã sụp đổ bởi hằng ngày, hằng giờ, tôi đều hình dung ra kết cục khủng khiếp nhất là cái chết. Tôi đã từng muốn nổi loạn, muốn chống lại lời khuyên của bác sĩ, bởi với tôi, mọi thứ như thế là chấm hết. Gia đình, nhất là mẹ chỉ biết khóc và động viên tôi cố gắng và hy vọng. Nhưng chính những người bạn đã giúp tôi đứng dậy.
Tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt xanh xao, nhưng đầy khí phách của Huỳnh (một bạn nữ quê ở Nghệ An). Khi sang thăm Huỳnh trước khi bạn ấy được chuyển đến phòng cấp cứu, Huỳnh nén cơn ho mà nói tôi là “đồ nhát chết”. Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng hiểu được tại sao Huỳnh nói như vậy, bởi trước đó, tôi đã bỏ đi đá bóng vì tâm lý muốn buông xuôi tất cả. Sau hôm đó, tôi đã thay đổi, đối mặt và tuyên chiến với bệnh tật.
Qua sáu đợt truyền hóa chất mất gần một năm, tôi được ra viện và đi khám định kì nhưng ngoảnh lại mới thấy nhiều người bạn đã bỏ mình mà đi. Huỳnh, Lệ Quyên, Khỏe, anh Duyên… họ đã mãi mãi không còn nữa. Tôi thật may mắn vì được làm quen với họ, mỗi người đều để lại cho tôi một bài học về lòng can đảm, về giá trị của cuộc sống. Trước khi ra đi, họ vẫn mỉm cười chúc tôi ở lại cố gắng điều trị. Nụ cười đó càng khiến tôi thêm yêu và trân trọng cuộc sống.
Một năm sau khi ra viện, sức khỏe của tôi dần hồi phục, đó cũng là quãng thời gian tôi được sống với những kí ức của mình. Tôi đã ghi lại ký ức ấy. Cuốn sách Những ngọn đèn trước gió ra đời, chứa đựng nụ cười và nước mắt của những bệnh nhân như tôi khi đối mặt căn bệnh ung thư máu.
Khi báo Tiền Phong đưa tin về trường hợp đặc biệt của tôi, các thầy cô trong trường Đại học Thủy Lợi đã biết. Đích thân Giáo sư Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, phó giáo sư Lê Xuân Roanh, Phó trưởng khoa Kỹ thuật biển (khoa tôi đã theo học) cùng các thầy khác về nhà để thăm hỏi, động viên. Tôi rất vui, và may mắn hơn khi nhà trường quyết định đặc cách cho trở lại trường tiếp tục học tập, mặc dù đã nghỉ quá thời gian bảo lưu.
Tôi đã nhận được những sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhiều người. Tôi không thể nào quên được đó là khuôn mặt hiền hậu của bác Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Cty Golf Long Thành, cựu sinh viên Đại học Thủy lợi, người trao tặng tôi học bổng 50 triệu đồng. Tôi cũng vô cùng biết ơn cô giáo Nguyễn Thị Minh Thi, giáo viên dạy tiếng Anh, người đã luôn giúp đỡ tôi trong việc học hành và giúp tôi trang trải tiền học phí trong suốt thời gian qua.
Các nhà hảo tâm đã chắp cánh cho tôi có thêm động lực để học tập và hòa nhập thực sự vào cuộc sống này. Qua diễn đàn Sống đẹp, tôi xin được gửi lòng biết ơn, sự tri ân của một người may mắn được sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng. Cuộc sống này trở nên tốt đẹp bởi có những con người tốt như vậy.
Nguyễn Văn Toán
Sinh viên năm thứ tư, Khoa Kỹ thuật biển, Đại học Thuỷ lợi, Hà Nội