Thông điệp của bạn trẻ tại Hội nghị. Ảnh: D.N. |
“Chúng ta không thể nhốt hươu, bỏ mặc cho hươu chạy để rồi phải đuổi theo kêu cứu. Cần chỉ đường cho hươu chạy đúng hướng”, bà Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - ISDS) nhấn mạnh tại Hội nghị quốc gia Giáo dục tình dục ở Việt Nam: Nhốt hươu, đuổi hươu hay vẽ đường cho hươu chạy? với sự góp mặt của gần 200 đại biểu do ISDS và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tổ chức.
Ông Lưu Hồng Minh, giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cho rằng:“Nếu đuổi hươu sẽ không bao giờ kịp và có thể mất cả hươu”.
Theo ông, nên đưa GDTD thành một môn học. Với thế mạnh nghiên cứu các vấn đề xã hội, ông Minh khẳng định bản thân cùng đồng nghiệp có thể soạn giáo trình phù hợp dựa trên những kết quả nghiên cứu, khảo sát về SV với nhiều góc độ tiếp cận để phục vụ việc dạy và học có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Đức, chuyên gia tư vấn vận động chính sách, đặt câu hỏi: “Con số 300.000 ca nạo phá thai hằng năm có phải là cái giá mà chúng ta phải trả? Và vấn đề tình dục trong các lứa tuổi đã được chúng ta đề cập chưa?”.
Ông Đức cho rằng, GDTD có thể hiệu quả nếu cung cấp được thông tin khoa học phù hợp lứa tuổi, văn hóa. Nên đưa GDTD vào trường học dưới dạng lồng ghép với những buổi thảo luận, ngoại khóa để giới trẻ được trang bị tốt hơn về tình dục, SKSS.
Giới trẻ muốn cởi mở
“Xã hội cần cởi mở, có cái nhìn thân thiện hơn với tình dục trong thanh niên, không phải luôn dị nghị, coi tình dục là điều cấm kỵ”, Nguyễn Thành Đạt, ĐH FPT, nói. Trần Thị Yến (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) quan niệm: “Sinh viên như mình đã có thể tự chủ bản thân, nên quan hệ tình dục không phải là điều xấu, quan trọng là mình nhận thức được việc đang làm”.
Nhiều bạn trẻ đã có những nghiên cứu khá chuyên sâu về GDTD trong học đường. SV Ngô Thu Trà My cùng giảng viên Nguyễn Lê Hoài Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) mang tới công trình nghiên cứu Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội với vấn đề quyền tình dục.
Đây là nghiên cứu xuất phát từ thực tế ở trường Trà My theo học chỉ có 6/23 khoa có chương trình giáo dục kỹ năng sống. Để hoàn thành công trình này, nhóm tác giả mất hai tháng dựa trên những bảng khảo sát thực tế với hàng trăm SV, phỏng vấn chuyên sâu.
“Qua nghiên cứu này, chúng tôi mong có thể đưa môn GDTD và quyền tình dục vào học đường để SV có cách nhìn nhận tình dục được tốt hơn”, Trà My nói.
SV Lê Thị Thu Hương và Nguyễn Thu Phương của ĐH Y tế cộng đồng mang đến Hội nghị đề tài nghiên cứu Tìm hiểu kiến thức, thái độ, thực hành về một số vấn đề SKSS và một số yếu tố liên quan của học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh năm 2011.
Các tác giả dày công khảo sát, nghiên cứu trong một năm trên 271 học sinh của trường cùng những nhận xét, đánh giá về tình dục, SKSS của học sinh, giáo viên.
Nhóm tác giả của ĐH Y tế cộng đồng mong muốn GDTD, giới tính sẽ sớm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường không chỉ bằng hình thức giáo viên truyền đạt tới học sinh mà ngược lại, học sinh còn có thể nói lên quan điểm, chia sẻ một cách cởi mở hơn.