Từ chối nhà tuyển dụng đòi hỏi sự khéo léo, chuyên nghiệp chứ không phải đơn giản chỉ vẻn vẹn nói rằng "Tôi không chấp nhận lời đề nghị công việc này". Nếu từ chối một cách thiếu lịch sự như nói thằng rằng công ty trả lương quá thấp, danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn sẽ không còn cơ hội làm việc cho công ty này trong tương lai. Hơn thế nữa, các công ty trong lĩnh vực có thể kết nối với nhau và lan truyền về một ứng viên như bạn, dẫn tới khả năng tìm được việc của bạn càng khó khăn hơn.
Có nhiều lý do để ứng viên dù mất công nộp hồ sơ, vượt qua vòng phỏng vấn nhưng vẫn quyết định từ chối lời đề nghị công việc. Có thể trong quá trình phỏng vấn, bạn phát hiện ra rằng đây không phải là công việc trong mơ của mình.
Có thể bạn cảm thấy mình không thể hoà hợp được với sếp và đồng nghiệp đã từng gặp qua, vì môi trường làm việc không phù hợp với tính cách, con người bạn. Hoặc có thể bạn nhận được một lời đề nghị khác với những điều khoản hấp dẫn hơn.
Dù lý do là gì, bạn không nhất thiết phải giải thích cụ thể, tỉ mỉ, như công ty A trả cho tôi nhiều hơn 2 triệu đồng, trợ cấp cao hơn, thời gian nghỉ phép dài hơn... Những lý do liên quan tới tiền bạc sẽ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn thiếu thiện cảm với bạn và có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ sau này.
Biết đâu trong tương lai, bạn sẽ gặp lại nhà tuyển dụng với tư cách khác như đối tác, khách hàng của công ty bạn. Và sẽ thật khó xử nếu bạn không có mối quan hệ tốt với họ. Những lý do từ chối dễ được nhà tuyển dụng thông cảm và chấp nhận hơn là: Bạn muốn một công việc nhiều thử thách và cơ hội hơn, bạn đã nhận lời một công ty khác...
Thời điểm thông báo cho nhà tuyển dụng biết lời từ chối cũng rất quan trọng. Hãy gọi điện báo càng sớm càng tốt để họ không mất thời gian và tìm người thay thế. Ngay sau cuộc điện thoại này, hãy viết email thể hiện sự tiếc nuối của bạn khi không thể làm việc tại công ty, giải thích ngắn gọn lý do từ chối và nguyện vọng có cơ hội hợp tác, làm việc với nhau trong tương lai. Làm như vậy, nhà tuyển dụng sẽ lưu lại hồ sơ của bạn và liên lạc khi có vị trí phù hợp hơn thay vì ném vào thùng rác.
Cũng có trường hợp ứng viên sau khi đã chấp nhận lời đề nghị nhưng lại thay đổi ý định vào phút chót. Đó có thể là do bạn mới nhận được lời đề nghị tốt hơn hoặc sau khi đánh giá lại công việc, bạn thấy mình không thực sự phù hợp. Hãy thực hiện như các bước trên nhưng phải nhớ thông báo lại ngay cho nhà tuyển dụng. Và trong tương lai, đừng lặp lại tình huống này. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chấp nhận hay từ chối lời đề nghị công việc của nhà tuyển dụng.
Theo Dân Trí/Lifescrips