Lao động trẻ lao đao tìm việc

Bạn trẻ tìm việc tại TT giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên (TPHCM) Ảnh: Q.M
Bạn trẻ tìm việc tại TT giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên (TPHCM) Ảnh: Q.M
TP - Hàng loạt doanh nghiệp giải thể, lao động trẻ thất nghiệp tăng từng ngày. Sinh viên (SV) sắp ra trường hoang mang khi đã rải thảm hàng chục hồ sơ xin việc vẫn chưa có phản hồi.

> Nơi thừa, chỗ thiếu

Trung Dũng, SN 1983, quê Hà Tĩnh, phất lên một thời nhờ chứng khoán nay không những trắng tay mà còn mất việc. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Dũng đầu quân cho Cty chứng khoán có trụ sở lớn ven Hồ Hoàn Kiếm và sớm được cân nhắc vị trí phó phòng.

Có thời điểm, mức lương cộng với các khoản phần trăm tư vấn khách, mỗi tháng Dũng thu về gần 50 triệu đồng. Năm 2011, Cty chứng khoán giải thể, Dũng trắng tay, thất nghiệp.

Bán xe trả nợ, chán nản, Dũng nằm nhà ôm laptop chơi game và gửi CV xin việc đến nhiều nơi. Sau nhiều tháng chầu chực với hàng chục lần phỏng vấn, Dũng chấp nhận làm tạm chờ thời ở vị trí chuyên viên Cty chứng khoán nhỏ với mức lương như công chức.

Không phải có bằng giỏi, học trường có thương hiệu là có việc. Trên diễn đàn webtretho, các mẹ đưa ra nhiều lời khuyên cho trường hợp một SV trường FTU (ĐH Ngoại Thương) tốt nghiệp bằng giỏi vẫn thất nghiệp dài.

Hoàng Lan (29 tuổi, Q. Tân Bình, TP HCM) chua chát kể dù có kinh nghiệm 5 năm làm việc ở Việt Nam, 2 năm ở Nhật, thông thạo nhiều ngoại nhữ nhưng sau 1 năm vẫn thất nghiệp.

Hoàng Lan đã gửi hơn 50 bộ hồ sơ xin việc, tận dụng hết các mối quan hệ, sẵn sàng chi tiền bôi trơn, nhưng vẫn phải chấp nhận làm trợ lý Cty cò con với mức lương chỉ đủ ăn trưa.

Trần Thụy Anh, cựu SV FTU, thừa nhận học FTU trước đây ít ai nghĩ thất nghiệp, nhưng nay mọi chuyện thay đổi.

Thụy Anh tốt nghiệp loại giỏi, nhưng sau nhiều lần thử việc, nhảy việc ở nhiều nơi tiền lương vẫn không đủ chi tiêu và dự tính bỏ việc để kinh doanh riêng.

Tốt nghiệp ĐH Lao động xã hội, Nguyễn Hồng Ngọc (24 tuổi, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) chuẩn bị hàng chục bộ hồ sơ đi xin việc, nhưng sau 2 năm vẫn ngậm ngùi làm chân thử việc ở Cty nhỏ, lương 2 triệu đồng/ tháng.

Đìu hiu môi giới việc làm

Vẫn có nhiều cơ hội việc làm tại các Festival tuyển dụng Ảnh: Q.M
Vẫn có nhiều cơ hội việc làm tại các Festival tuyển dụng.       Ảnh: Q.M.
 

Nhiều trung tâm môi giới việc làm tư nhân đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh, chỉ còn lại những cơ sở của nhà nước. Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay ít DN mặn mà với tuyển dụng, và nếu có thì chủ yếu tuyển lao động mùa vụ làm tiếp thị sản phẩm, giao hàng... “DN khó khăn, lao động kém chất lượng bị sa thải nhiều. Số hồ sơ lao động nộp về trung tâm nhờ tìm việc tăng mạnh”, bà Trinh nói.

Nắm bắt nhu cầu của lao động trẻ, năm nay trung tâm chủ yếu tổ chức các hội chợ giới thiệu việc làm và xu hướng này đang phát huy hiệu quả.

Bà Trinh tiết lộ cùng ở thời điểm này những năm trước có khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển người, nhưng nay trung tâm tận dụng hết các mối quan hệ cũng chỉ có vài chục Cty.

Ông Tạ Ngọc Lượng, Giám đốc trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm thanh niên Sông Hồng, chia sẻ các chương trình hợp tác tuyển dụng lao động trầm lắng hẳn, trung tâm đành quay sang các dự án đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn.

Tự cứu mình

Ở TPHCM, không khó để tìm những trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) uy tín. Ngoài Trung tâm GTVL của Sở LĐ-TB và XH, riêng thành Đoàn TPHCM đã có hai trung tâm là TT Hướng nghiệp, Dạy nghề và GTVL Thanh niên (YES Center) và TT Hỗ trợ sinh viên; đội hình tiếp sức người lao động tại các bến xe, nhà ga cũng đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, còn rất nhiều nơi để bạn trẻ đến tìm việc như các TT GTVL quận, huyện, hội liên hiệp phụ nữ, các khu chế xuất- khu công nghiệp…, nhưng việc làm rất hạn chế.

Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, các tư vấn viên cho biết, đây là thời điểm sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường nên nhu cầu tìm việc làm tăng đột biến, nhưng số đầu việc quá ít.

Hàng tháng, các TT GTVL ở TPHCM đều tổ chức ngày hội, sàn giao dịch với số đầu việc lên tới hàng nghìn. Tuy nhiên, khá đông bạn trẻ đến để tham quan, chơi trò chơi, nhận quà chứ không hẳn xem đây là một cơ hội tìm việc.

Trong một ngày hội việc làm tại Nhà Văn hóa Thanh niên, khi diễn giả hỏi hàng trăm bạn ngồi phía dưới, có bao nhiêu người mang theo hồ sơ xin việc, chỉ có lác đác vài bộ hồ sơ chuẩn bị sơ sài.

Để hỗ trợ SV, nhiều trường ĐH tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp khi lựa chọn nghề nghiệp. Thành lập từ năm 2005, CLB Nguồn nhân lực ĐH Ngoại thương là cầu nối tuyển dụng giữa các doanh nghiệp với 8 trường kinh tế tại Hà Nội.

CLB thường xuyên liên kết với khoảng 10 DN/tháng để tổ chức hội thảo, tư vấn, tuyển dụng đưa về hàng nghìn việc làm. Trong giai đoạn DN khó khăn, CLB có những giải pháp đầu tư đào tạo kỹ năng để tạo ra những SV nặng ký về chất.

“Các ngành nghề được doanh nghiệp rao tuyển nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông, bán hàng, tiếp thị, dịch vụ chăm sóc khách hàng; quảng cáo marketing; CNTT; cơ khí; kỹ thuật xây dựng; hành chính văn phòng; điện tử, điện lạnh, công nghiệp, may mặc…”

Ông Trần Anh Tuấn

Phạm Thị Hải Yến, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB vừa xây dựng chương trình Lộ trình công danh nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Lộ trình công danh được thực hiện 2 năm nay, thu hút hàng nghìn SV tham gia.

Anh Nguyễn Hoàng Hà, Bí thư Đoàn ĐH kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết SV thường sinh hoạt trong những CLB theo chuyên ngành nên có cơ hội tiếp cận sớm với doanh nghiệp.

Gần đây, SV tập trung tổ chức các Festival tìm kiếm việc làm để tăng cầu nối với DN.

Thợ hơn thầy?

Đàm Quang Tuấn, tốt nghiệp CĐ cơ khí, hiện làm quản đốc xí nghiệp chế tạo máy cho biết, phần lớn bạn bè trong lớp đã có việc làm. Những bạn tay nghề cao hiện đều làm quản lý.

Trong khi đó, nhiều bạn bè học cùng cấp 3, tốt nhiệp ĐH bằng khá giỏi vẫn chật vật tìm việc hoặc chấp nhận làm trái nghề. “Có người là cử nhân công nghệ thông tin giờ về quê trông quán Net, lương không đủ ăn”, Tuấn cho biết.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM (Falmi), trong quý 2-2012, TPHCM cần 75.000 lao động, tăng 10% so với quý 1.

Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn đại học trở lên chỉ vào khoảng 7-10%. Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 26%, công nhân kỹ thuật 18%...

Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB), năm 2011 cả nước có 79.014 DN giải thể. Ba tháng đầu năm 2012, có 2.200 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn, kéo theo hàng chục nghìn lao động mất việc, trong đó chủ yếu lao động trẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG