Vỉa hè Việt Nam dưới góc nhìn của một SV Đức

Vỉa hè Việt Nam dưới góc nhìn của một SV Đức
TP - Sau gần hai năm ở Việt Nam, mình cứ nghĩ chắc không còn nhiều điều phải ngạc nhiên nữa. Tuy nhiên, mình lại nhầm.

> Đề xuất thành lập cảnh sát đô thị kiểm tra vỉa hè

Hôm nay trên đường đi làm vào giờ cao điểm, mình vẫn thường hay lạng lách như hàng ngàn xe máy khác, bỗng một xe buýt vượt mình bên phải, lạng lách như xe máy.

Trước khi sang Việt Nam, mình nghĩ vỉa hè chắc cũng như ở Đức là dành cho người đi bộ, cho cây và hoa mọc để tô điểm cho thành phố đẹp hơn; thỉnh thoảng có thể trở thành nơi trông giữ xe, thế thôi.

Tuy nhiên, sau thời gian sống ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, mình mới vỡ lẽ vỉa hè còn để bán hàng, để uống nước này, để lái xe máy này, để ăn bún đậu mắm tôm, để chơi cầu lông, đánh cờ tướng...

Tóm lại vỉa hè là để chơi, làm việc và sống! Có biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cảnh xảy ra vào một ngày trên 100 mét vuông vỉa hè. Ngồi chơi trên vỉa hè, mình có thể thấy người cười, người khóc, người mặc cả, thậm chí người cãi vã, choảng nhau và cả tai nạn chết người nữa.

Một người nước ngoài sang Việt Nam, phải ngồi ở quán trà đá và chứng kiến một ngày ở thủ đô Hà Nội thì mới có thể cảm nhận được điều đó. Một ngày có thể như thế này:

Buổi sáng 6 giờ ngồi xuống chiếc ghế nhựa, gọi cốc trà đá đầu tiên của một cô bán hàng đang nhìn bạn nghi ngờ vì thường một người Tây thực sự ít khi la cà cả ngày với trà đá, vừa uống vừa gọi gói xôi của một cô ngồi sát quán trà đá.

Thúng xôi bốc hơi nóng hổi và thơm phức như những chỗ bán thức ăn sẵn ở Việt Nam. Sáu giờ sớm quá hả bạn? Mặc kệ, cuộc sống ở Hà Nội bắt đầu từ rất sớm.

Dậy sớm có thể quan sát những người tập thể dục, những chợ chỉ xuất hiện vào sáng sớm. Từ 7 – 8h30, bạn hãy chú ý nhé, giờ cao điểm là thời gian vất vả nhất ở Hà Nột và có lẽ bạn phải đứng lên và cầu nguyện để không bị xe máy tông phải mình cũng giống như buổi chiều từ 5 - 7 giờ, vỉa hè sẽ trở thành một phần của đường.

Vì đường tắc quá nên nhiều người phải lái xe trên vỉa hè để không bị muộn giờ làm. Hà Nội có rất nhiều xe ô tô to, nhưng đường phố lại quá nhỏ và quá đông, không được xây dựng cho loại xe to như thế.

Chờ đợi giờ cao điểm đi qua đã. Sau đó đi bộ một chút. Xem và mua hoa quả, sửa xe đạp, xe máy và quan trọng nhất là nói chuyện với những người gặp trên đường và một ngày sẽ trôi qua nhanh ơi là nhanh!

Mặc dù sau bữa trưa (tất nhiên cũng ăn trên đường, thử bún đậu mắm tôm) bạn sẽ buồn ngủ nhưng đừng ngủ vì bạn sẽ muốn xem người khác ngủ như thế nào.

Ở đâu? Chính xác là ngủ trong tư thế ngồi hoặc nằm bệt đâu đó trên vỉa hè, sang hơn là trong võng hay trên xe máy. Khi nhìn những người đó, suy nghĩ một chút.

Việt Nam là một nước rất đẹp nhưng mà còn có một số người khá nghèo. Có lẽ người đó muốn ngủ trên giường, nhưng cuộc sống đã chọn cho họ một chiếc võng trên đường?

Buổi chiều chú ý đường phố thay đổi thế nào khi trời tối. Người bán hàng đua nhau xuất hiện trên vỉa hè và bạn cũng có thể mua đệm, sách, quần áo, giày dép…

Ban đêm, khi cả thành phố ngủ, vỉa hè vẫn không nghỉ ngơi, đâu đó vẫn lác đác những tiếng rao: Ai bánh bao, ai bánh mỳ nóng đây!?

Mình yêu Việt Nam vì cuộc sống vỉa hè - biểu tượng của kiểu sống Việt: thoải mái, gần nhau, công cộng, sẵn có mọi thứ.

Mặc dù đường phố hỏng nhiều, bẩn, bùn nhưng mà cuộc sống trên đường thật vui! Nếu không tin, bạn hãy đến Việt Nam và chứng kiến.

Behrens Julia
Nữ sinh Behrens Julia, người Đức, SN 1990, sinh viên khoa Việt Nam học, ĐH Khoa học XH&NV Hà Nội và thực tập sinh tại Trung tâm 4T hỗ trợ giáo dục TTN Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG