Những ý tưởng tiền tỷ

Những ý tưởng tiền tỷ
TP - Ý tưởng kinh doanh độc đáo của sinh viên (SV) tại cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai được các ông chủ doanh nghiệp đánh giá mang tính thực tế, khả năng thành công cao và thân thiện môi trường.

>Những đôi tay tiền tỷ

Nguyễn Thùy Trang, SV Trường Công nghệ Applied Sciences (Hà Nội), trưởng nhóm GreenB với máy tự động thu gom phế thải, cho biết: Chúng ta thường vứt bỏ phế thải như chai, lọ bằng nhựa, thủy tinh. Khi có máy thu nhận, người dân chỉ cần cho phế thải vào máy lập tức được nhận 300 - 500 đồng và được tích hợp dần. Hình thức thanh toán có thể bằng thẻ điện thoại hoặc thẻ mua sắm tại các siêu thị. Số lượng chai, lọ phế thải sẽ đươc máy chuyển đến nhà máy tái chế.

Nhóm GreenB thuyết phục giám khảo bởi mô hình kinh doanh phi lợi nhuận, biến thứ bỏ đi thành tiền tỷ và thân thiện với môi trường. “Với số lượng chai lọ thải ra ở các TP lớn như hiện nay, nếu đặt máy ở nhiều nơi, trung bình cứ 3 giây máy sẽ thu nhận 1 phế thải”, Trang khẳng định. Tuy nhiên, để đầu tư máy đặt ở các TP lớn tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng. Theo tính toán, riêng Hà Nội trung bình mỗi năm có 4,5 triệu vỏ lon, vỏ chai thải ra môi trường. Đó là phế phẩm khó tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo tính toán của nhóm, nếu triển khai từ nay đến năm 2017, nhóm có thể thu về lợi nhuận 15 tỷ đồng.

Trang chia sẻ, nhóm quy tụ những SV có máu kiếm tiền đã thức đêm nhiều tuần để tính toán và lập đề án chi tiết. Các bạn trẻ tự tin khẳng định sẵn sàng huy động vốn để đầu tư.

Búp bê Việt

Nhóm Dovie với đề án tạo nên thương hiệu búp bê đặc trưng Việt Nam. Búp bê được làm thủ công bằng nguyên liệu giấy, có giá khá mềm 100.000 đồng/ sản phẩm. Thông qua khách du lịch, cửa hàng lưu niệm, búp bê Việt sẽ mang văn hóa quê hương ra nhiều nước trên thế giới chỉ với số vốn ban đầu là 180 triệu đồng.

Nguyễn Phương Linh, SV ĐH Ngoại Thương, trưởng nhóm Dovie tự tin khẳng định, mỗi sản phẩm búp bê truyền thống đậm văn hóa Việt khi khoác lên mình tà áo dài, áo bà ba dịu dàng hay váy áo trẻ trung, hiện đại đều độc nhất vì được nhóm thiết kế riêng cho từng sản phẩm. Sau 2 năm thực hiện đề án, búp bê truyền thống của nhóm đã có mặt ở các tỉnh có nhiều khách du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và nhiều đơn đặt hàng lên đến hàng nghìn sản phẩm của các cửa hàng lưu niệm từ Nga, Hàn Quốc, Pháp.

Nhóm Dovie gồm 6 thành viên đều là SV tại Hà Nội. Trước câu hỏi của giám khảo về ưu điểm của sản phẩm để cạnh tranh trên thương trường, Phương Linh khẳng định, qua 2 năm sản xuất 4.000 sản phẩm ra thị trường là bằng chứng thuyết phục nhất.

Trên đây chỉ là 2 trong số 10 đề án dự thi của SV. Theo đánh giá của ban giám khảo các ý tưởng đều thể hiện trí tuệ, đầu tư công phu, có điều tra nghiên cứu thị trường. Đề án Phần mềm tiết kiệm điện năng của nhóm iSave.vn hay Greenb mang tính sáng tạo và mới lạ về giải pháp đối với môi trường. Ý tưởng mở web hướng dẫn cung ứng dịch vụ, trang chia sẻ thông tin giao thông... mang đến những tiện ích cải thiện cuộc sống.

Khởi nghiệp cùng Kawai là cuộc thi tìm kiếm tài năng kinh doanh do ĐH Ngoại Thương tổ chức thường niên từ năm 2006 dưới sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Kawai (Nhật Bản). Sau 2 tháng phát động, có hơn 80 đề án dự thi, trải qua 2 vòng loại có 5 đề án xuất sắc được chọn vào vòng chung kết gồm: Cói xanh (gây dựng thương hiệu cói cho làng nghề Nga Sơn (Thanh Hóa); búp bê truyền thống; dịch vụ sản phẩm tái chế; dịch vụ đi chợ thuê và cung ứng thức ăn; sản xuất và phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG