Lập nghiệp trên núi Puxailaileng

Lập nghiệp trên núi Puxailaileng
TP - Gần 4 năm kể từ khi dự án Làng Thanh niên lập nghiệp ra đời, vùng đất trống, đồi trọc dưới chân đỉnh Puxailaileng (xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) đã phủ màu xanh tràn đầy sức sống.

> Xây dựng Làng thanh niên Lào - Việt

Từ Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn), mất non nửa ngày chúng tôi mới vượt qua đỉnh Puxailaileng. Mùa này, dù nắng hay mưa trên đỉnh Puxailaileng ở độ cao gần 1.500 m luôn phủ kín sương mù nên đi lại càng khó khăn. Vậy mà hằng ngày, bộ đội Biên phòng (BĐBP) và thanh niên vẫn băng qua để giúp dân cải thiện cuộc sống. BĐBP cho biết, do địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt nên trước đây nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép từ Lào về qua con đường này. Không ít lần BĐBP phải đấu súng để triệt phá các băng nhóm ma túy lớn. Gần đây, nhờ có Làng Thanh niên Na Ngoi, có thêm sức trẻ cùng BĐBP kiểm soát khu vực nên nạn buôn bán ma túy giảm hẳn.

Tiến sâu vùng biên giới, bắt đầu xuất hiện những vườn rau xanh, đồi chè, nương ngô dọc theo các con suối và trên triền đồi, nhiều đàn trâu, bò đang gặm cỏ. Đây là vườn rau màu của bà con bản Ka Trên, trâu bò của bản Buộc Mú đều thuộc khu vực Làng thanh niên Na Ngoi.

Anh Phan Xuân Lịch, Chỉ huy phó của Làng thanh niên Na Ngoi, nhớ lại cuối năm 2008, dự án được phê duyệt, nhờ T.Ư Đoàn, Tỉnh Đoàn Nghệ An sát sao, một số thanh niên được tách từ Tổng đội TNXP- XDKT8 (đóng ở Huồi Thụ, Kỳ Sơn) đã vượt đèo vào Na Ngoi lập làng. Nhiệm vụ ban đầu là xây dựng khuôn viên làng, mở đường, hướng dẫn bà con dân tộc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Để đồng bào người Mông, Thái nơi đây thấy và làm theo, trước hết bạn trẻ phải có mô hình sản xuất ngay trong làng.

Vụ lúa lai đầu tiên, Làng thanh niên thành công nên sau đó đông đảo bà con trong thung lũng làm theo. Thanh niên xuống từng hộ, đến từng bản làng để hướng dẫn bà con thực hiện. Cán bộ kỹ thuật của làng cho biết, việc hướng dẫn gặp khó khăn do không biết tiếng dân tộc nên ban đầu phải vận dụng ngôn ngữ cử chỉ ví như trồng lúa cách nhau một gang thì phải đưa bàn tay ra hiệu... Nhờ nỗ lực của thanh niên, đến nay đồng bào nơi đây đã biết cấy một năm hai vụ lúa nước mang lại năng suất cao.

Sau lúa lai, Làng Thanh niên Na Ngoi tiếp tục hướng dẫn bà con trồng chè, rau màu và chăn nuôi. Để bà con thấy được giá trị, mỗi năm Làng Thanh niên trồng được khoảng 2 nghìn cây bắp cải, xu hào, hơn 2 nghìn cây hoa ly và nuôi thành công trên 2 nghìn con gà đen, hàng trăm con lợn đen, trâu, bò và cá hồi. Đến nay, Làng Thanh niên còn trồng được trên 5 ha chè. Thấy hiệu quả thiết thực trên, bà con khắp các bản làng của xã Na Ngoi cũng như chính quyền địa phương bắt đầu tham quan mô hình, học tập và làm theo. Một số bản làng từ nghèo đói, nay đã thay da đổi thịt.

Làng Thanh niên là điểm vui chơi lành mạnh của bạn trẻ địa phương Ảnh: P.S
Làng Thanh niên là điểm vui chơi lành mạnh của bạn trẻ địa phương Ảnh: P.S .

Ngược theo bản Ka Trên, Xiêng Xí, Buộc Mú, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ gia đình đồng bào Mông đã biết tăng gia sản xuất và chăn nuôi hiệu quả cao. Đứng trước đồi chè của mình, ông Lầu Chừ Bó, người Mông thuộc bản Kẽ Trên cho biết, nhờ có bạn trẻ từ Làng Thanh niên ngày đêm hướng dẫn tận tình, đến nay gia đình trồng được gần 1.000 m2 chè. Gia đình ông Xồng Giống Mà cũng trồng được 6.600 m2 chè. Ngoài sản xuất, nhiều gia đình người Mông đã biết chăn nuôi trâu bò, lợn đen, gà đen... Điển hình như gia đình anh Lầu Bá Mềnh (ở bản Ka Giới) thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Anh Phan Xuân Lịch cho biết, để bà con đi lại bớt khó khăn, thanh niên đã giúp bản Thắng Phăn mở đường từ bản đi ra gần trung tâm xã. Từ khi lập làng, thanh niên đã hướng dẫn đưa bà con sống rải rác trong khe suối, núi đồi ra sống tập trung quây quần hai bên tuyến đường chính nối từ biên giới ra vùng trung tâm. Nhờ vậy, suốt tuyến đường từ khu vực Làng Thanh niên Na Ngoi đến chân đỉnh Puxailaileng, nhiều nếp nhà mới của đồng bào Mông mọc lên đan quyện màu xanh cây cối, rau màu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG