Bạn trẻ thu hoạch nông sản. |
Không kể nắng mưa hay rét, các bạn sinh viên (SV) vẫn ngày ngày ra đồng cùng bà con nông dân. Đây là chuyến thực tập công tác dân vận - hoạt động thường niên của Học viện. Mỗi gia đình nhận 3 – 4 bạn trẻ về sống như con em nhà mình trong khoảng 1 tháng. SV sẽ giúp đỡ người dân việc nhà, làm đồng…
“Được ở nhà mới, ba cùng với nông dân, theo nếp sinh hoạt thôn quê, mình có thêm nhiều trải nghiệm, hiểu thêm về tập tục, tính cách người dân địa phương, tích luỹ thêm kỹ năng, vốn sống. Chúng mình cùng thức dậy từ 4 giờ sáng đi hái rau ngoài đồng về bó thành từng mớ mang ra chợ bán”, Lê Huy Thanh (SV lớp B17 –D42) chia sẻ.
Về quê, bạn trẻ còn trải nghiệm và học được nhiều thứ khác. “Quan sát cách cô chú chủ nhà thức dậy từ mờ sáng mang rau đi bán lấy chút tiền lẻ, mình suy nghĩ nhiều và thấy quý đồng tiền hơn”, Lê Huy Thanh tâm sự. Qua những ngày làm nông, tinh thần đoàn kết, tình cảm bạn bè cũng trở nên sâu nặng hơn.
Bạn Cổ Văn Diệu (quê Lào Cai) kể: “Quê mình ruộng không như ở dưới xuôi mà là ruộng bậc thang, việc trồng trọt cũng khác nhiều. Các bác chủ nhà và bạn bè hướng dẫn nhiều, nay mình đã biết trồng rau và nấu được cơm bằng bếp rơm, bếp củi”. Nguyễn Văn Mạnh (B17-D42) kể: “Do ở nhà quen nấu nồi cơm điện, nên khi nấu cơm bằng bếp rơm thường xuyên bị cơm khê, có hôm cơm sống, mãi mới nấu được cơm ngon”.
“Từ khi các bạn trẻ đến nhà, mọi công việc từ nhỏ đến lớn được lo chu tất từ việc nhà đến đồng áng và cả việc xã hội. Các bạn đi đầu trong tham gia xây dựng công trình thanh niên, thăm hỏi gia đình thương bệnh binh, xây dựng chùa”, cô Vũ Thị Nhuận (người dân thôn Đỗ Hạ - xã Phạm Kha- Thanh Miện) cho biết.
Gắn bó với dân
“Trời mùa đông, mưa gió, giá rét, nhưng các bạn trẻ vẫn hàng ngày chăm chỉ đi làm đồng, đi đào mương để xây dựng công trình thanh niên”, bác Vũ Thị Ngừng, người dân xã Phạm Kha kể. “ Sống kỷ luật, đoàn kết; nhân dân và chính quyền đánh giá cao, trân trọng những gì mà nhóm bạn trẻ đã đóng góp cho địa phương” ông Vũ Hữu Vinh, Chủ tịch HĐND xã Phạm Kha (huyện Thanh Miện) chia sẻ.
Tuy chỉ tiếp xúc với nhau trong ít tuần, các bạn trẻ và người dân nơi thôn quê đã rất gắn bó. “Khi xa mấy đứa con gái này, chắc cô sẽ nhớ lắm”, cô Nhuận tâm sự. Còn bạn Nguyễn Đức Duy chia sẻ: “Chúng mình quý các bác, các cô như người thân vì luôn quan tâm bọn mình. Vì thời gian không nhiều nên ai cũng cố gắng làm được càng nhiều việc càng tốt”.
Đại úy Phan Thị Hải Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp cử nhân chính trị D42 cho biết đây là hoạt động cần thiết đối với mỗi bạn trẻ, đặc biệt với chiến sĩ công an tương lai. Các bạn đã đi, đã trải nghiệm để hiểu thêm về người nông dân về giá trị của cuộc sống.