Đội phục vụ giữa Biển Đông

Thiếu tá Bèo (trái) và đồng đội đang làm bếp. Ảnh: Tùng Duy
Thiếu tá Bèo (trái) và đồng đội đang làm bếp. Ảnh: Tùng Duy
TP - Gần 150 bạn trẻ vượt qua những cơn say sóng triền miên bởi gió giật, sóng dồi trên Biển Đông trong hành trình 18 ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển một phần nhờ sự 'tiếp sức' đặc biệt của những người lính Hải quân làm phục vụ trên tàu HQ 996.

> Gặp 'cao thủ' thư tình

Bác sĩ Lương gặp vợ con trong chốc lát. Ảnh: Tùng Duy
Bác sĩ Lương gặp vợ con trong chốc lát. Ảnh: Tùng Duy.

Chỉ đến lễ tưởng niệm các liệt sĩ ngay giữa Biển Đông, khi tất cả trong bộ quân phục chỉnh tề, chúng tôi mới nhận ra những anh đầu bếp, bưng bê luôn đầu tắt mặt tối, quần áo xộc xệch là chiến sĩ Hải quân đầy kinh nghiệm đi biển. Anh Nguyễn Tiến Bèo, một trong những tay đầu bếp thạo nghề nhất và cũng... xộc xệch nhất, đã đeo lon Thiếu tá khiến không ít bạn nữ trên tàu tròn mắt.

Thượng úy Vũ Văn Thái (quê Hải Dương), Đội trưởng phục vụ, cho biết đội có tổng cộng 16 người, gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 người lo về tài chính, còn lại đều là đầu bếp, kiêm bưng bê, dọn vệ sinh... Tất cả đều là chiến sĩ thuộc Vùng 4 Hải quân. Có người mới chỉ có 4 năm đi biển như Thượng úy Vũ Văn Thái, nhưng anh Bèo, anh Thảo (đầu bếp)... đều đã có thâm niên trên chục năm, từng phục vụ cho hàng trăm đoàn đi biển, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Chỉ sau vài ngày rời bến, gặp sóng dữ, hầu hết trong gần 150 bạn trẻ đều phải nằm bẹp, nôn và bỏ bữa vì say sóng đến kiệt sức. Trong tình cảnh đó, anh Thảo, anh Lâm, anh Bèo... lại cặm cụi nấu những nồi cháo đặc biệt, rồi khệ nệ bưng tới từng phòng, múc từng bát cháo nóng hổi đưa đến tận giường của mỗi bạn trẻ, rồi động viên, chia sẻ và chỉ bí quyết chống say sóng.

"Không ai được phép say dù trong hoàn cảnh nào, bởi mỗi ngày chúng tôi lo ít nhất 4 bữa ăn thật ngon, giúp đảm bảo sức khoẻ cho hơn 200 người đang trong chuyến hành trình đầy thử thách", Thượng úy Thái tâm sự.

Thiếu tá Bèo (trái) và đồng đội đang làm bếp. Ảnh: Tùng Duy
Thiếu tá Bèo (trái) và đồng đội đang làm bếp. Ảnh: Tùng Duy.

Thượng úy Thái Đàm Lương, 35 tuổi, quê Thanh Chương (Nghệ An), đã có vợ và 1 con gái, bỗng chốc trở thành người đàn ông được yêu mến nhất, đặc biệt với hơn 30 bạn nữ bởi anh là bác sĩ duy nhất trên tàu. Tôi được xếp ở cùng phòng với Lương, nhưng hầu như không lúc nào anh có mặt trong phòng vì phải chạy tới chạy lui suốt ngày đêm, lúc khám, lúc kê đơn, lấy thuốc, rồi lại tiêm, chuyền nước và túc trực bên giường của những bạn trẻ đuối sức nhất. Cũng như những người lính làm nhiệm vụ chăm lo, tiếp sức cho đoàn, bác sĩ Lương nói anh không được phép ốm hoặc say sóng.

Mỗi năm, những người như bác sĩ Lương, Đội trưởng Thái... đều đi biển 4-5 chuyến. "Đi nhiều, xa vợ con triền miên thành quen. Lúc lên bờ lại thấy nhớ tàu, nhớ biển đảo da diết", Thượng úy Thái tâm sự. Khi cả đoàn đang trong giấc ngủ để lấy lại sức cho hành trình tiếp nối, những người lính phục vụ vẫn phải thức, phải khoẻ để làm việc. Mỗi khi tàu cập bến, Thượng úy Thái và vài đầu bếp lại tất tả thuê thuyền nhỏ, mượn xe máy chạy ào đến chợ để mua bổ sung thực phẩm, nước uống và thuốc chữa bệnh đưa lên tàu.

Cả đoàn hành trình ai cũng rớm nước mắt khi chứng kiến hình ảnh liêu xiêu của bé gái 3 tuổi dắt tay mẹ đi giữa cái nắng chói chang ở bến tàu Vũng Rô (Phú Yên) để tìm bố là bác sĩ Lương đang phục vụ trên tàu. Họ đã vượt gần 100 km chỉ để được gặp chồng, gặp bố trong chốc lát cho vơi đi nỗi nhớ vì anh đã đi biền biệt cả tháng trời.

Hình ảnh những người lính phục vụ cứ thế lớn dần lên trong mỗi bạn trẻ. Trong chương trình phát thanh trên tàu, những bạn gái bị say sóng nặng nhất như Hmor (dân tộc Ê đê- Đăk Lăk) hay Thạch Thị Sà Phải (Sóc Trăng)...đã làm thơ, viết thư để bày tỏ sự mến phục, biết ơn với mỗi người lính làm phục vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG