Chàng trai Mường nhiều sáng kiến

Chàng trai Mường nhiều sáng kiến
TP - Bí thư Đoàn xã Bùi Văn Đồng (ảnh, SN 1979, dân tộc Mường), có nhiều sáng kiến độc đáo, góp phần thay đổi cuộc sống của một xã miền núi lạc hậu.

> Ông chủ xưởng may kiêm Bí thư Đoàn

Bí thư Đoàn xã Bùi Văn Đồng
Bí thư Đoàn xã Bùi Văn Đồng.
 

Tiếng trống học đêm

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Bùi Văn Đồng về quê tham gia khóa học y tế thôn bản ngắn hạn, vừa làm y tế thôn, vừa làm Bí thư Đoàn xóm Tớn (Nam Sơn, Tân Lạc, Hòa Bình), rồi Bí thư Đoàn xã.

Nam Sơn là xã miền núi với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mường, kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, học sinh bỏ học còn phổ biến. Đầu năm 2007, anh Đồng phát động phong trào Tiếng trống học đêm nhằm tạo nếp học bài vào buổi tối cho các em.

“Do nhận thức kém, nhiều phụ huynh nghĩ chỉ cần học ở lớp, tối đến không cần học. Đa số các em mải chơi, không có thói quen học bài buổi tối. Thay đổi được lối suy nghĩ và thói quen đó, nhiều lúc tôi tưởng không vượt qua được”, anh Đồng tâm sự.

Thứ bảy hàng tuần, Đội cờ đỏ tổ chức sinh hoạt chi Đoàn để tổng kết đánh giá kết quả nhằm tuyên dương gương học tốt, nhắc nhở những em còn chểnh mảng. Danh sách tuyên dương, phê bình được chuyển lên nhà trường để thầy cô giám sát. Nhờ đó, phong trào ngày càng hiệu quả.

Nam Sơn không còn tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên rõ rệt. Anh Đồng cho biết, năm học 2010-2011, xã Nam Sơn có 8 học sinh giỏi tỉnh, điều chưa từng có ở đây. Phong trào Tiếng trống học đêm ở Nam Sơn đã được nhân rộng ra nhiều nơi ở Hòa Bình.

Sống xanh

Không hố rác, không nhà vệ sinh, trâu bò sống dưới gầm nhà sàn, nếp sống đó ăn sâu vào đời sống bà con. Anh Đồng vừa đến từng nhà giảng giải vừa đưa ra nhiều sáng kiến hướng bà con đến cuộc sống xanh. Với tiêu chí 3 chuồng, 4 hố, anh kêu gọi các gia đình trẻ phải gương mẫu thực hiện trước.

Anh xây một số hố kiểu mẫu, nhiều gia đình không xây được, ĐVTN giúp đỡ. Hiện 100% gia đình đã có chuồng gia súc, hố rác riêng.

Hiện có 8/8 chi Đoàn thuộc xã Nam Sơn đều có quỹ Đoàn, từ 2 triệu đến 9 triệu đồng. Để gây quỹ Đoàn, anh Đồng đôn đáo tìm việc làm thêm, nhận khoán công, làm ruộng ngô, đăng cai một số công trình của xóm cho ĐVTN làm lấy công…

Anh cũng từng thuê kỹ sư về mở lớp sơ cấp nông nghiệp cho ĐVTN học miễn phí. Từ lớp sơ cấp nông nghiệp xuất hiện nhiều điển hình làm giàu: Mô hình nuôi dê của Hà Văn Dung, trồng quýt của Hà Văn Huyến, trang trại lợn của Đinh Văn Thiện…

Anh Đồng đang lên kế hoạch nhân rộng 4 ha rau su su sạch, trồng giống ngô lai tăng trưởng, cây ăn quả để tạo thêm việc làm nhằm níu chân thanh niên ở lại quê lập nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG