Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard

Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard
2010 là năm đầy ý nghĩa đối với Trịnh Đức Minh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam khi chàng trai sinh năm 1991 này nhận học bổng của ĐH Harvard với giá trị khoảng 4,8 tỉ đồng (236.000 USD/4 năm). Trong chuyến về thực tập tại ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay, Minh chia sẻ những câu chuyện thú vị sau một năm học tại Harvard.

Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard

> Làm 'vũ công' ở Harvard
> Muốn tiến xa, đừng học lệch
> 15 tuổi bước vào Harvard

2010 là năm đầy ý nghĩa đối với Trịnh Đức Minh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam khi chàng trai sinh năm 1991 này nhận học bổng của ĐH Harvard với giá trị khoảng 4,8 tỉ đồng (236.000 USD/4 năm). Trong chuyến về thực tập tại ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay, Minh chia sẻ những câu chuyện thú vị sau một năm học tại Harvard.

Trịnh Đức Minh. Ảnh: Hương Giang
Trịnh Đức Minh. Ảnh: Hương Giang.

HS Việt Nam bị thiệt thòi kiến thức về kinh tế học

"Học sinh VN vẫn coi vấn đề kinh tế là mới mẻ. Sự khác biệt cơ bản là ở vấn đề giáo dục. VN vẫn chưa có sự giáo dục về môn kinh tế ở mức THPT, và ở đại học, việc đào tạo về kinh tế vẫn chưa thực sự tốt".

Minh tỏ ra chững chạc và nói năng lưu loát như một chàng trai trưởng thành thực thụ hơn là dáng vẻ của một sinh viên năm thứ nhất.

Chàng trai cận 9 đi-ốp do đọc sách quá nhiều, từ sách văn học, kinh tế học đến triết học này luôn trả lời mọi câu hỏi một cách lễ phép và hết mình.

Tự đặt cho mình biệt danh "minhdaubua" (Minh đầu búa) trên trang web của các du học sinh ở Mỹ, nhiều bạn học sinh đùa rằng, có lẽ bởi lèn chặt kiến thức Đông Tây, kim cổ nên đầu cứng quá.

Đã được học về kinh tế học ngay từ bậc THPT ở Singapore, Minh tỏ ra đam mê tìm hiểu về kinh tế và muốn nghiên cứu sâu về lĩnh vực này dù mới là sinh viên năm thứ nhất. Minh giải thích: ở Singapore hay nhiều nước khác, học sinh đã sớm được tìm hiểu về các lý thuyết kinh tế.

"Học sinh VN vẫn coi vấn đề kinh tế là mới mẻ. Sự khác biệt cơ bản là ở vấn đề giáo dục. VN vẫn chưa có sự giáo dục về môn kinh tế ở mức THPT, và ở đại học, việc đào tạo về kinh tế vẫn chưa thực sự tốt. Kinh tế cũng chỉ là một môn khoa học mà thôi. Sự khác biệt duy nhất là em được dạy về kinh tế ngay từ bậc giáo dục phổ thông", Minh cho biết.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi ở bậc THPT, Minh đã làm đề tài nghiên cứu khoa học: "Nghiên cứu giá xăng xe máy tại Hà Nội". Tại sao kế hoạch chuyển đổi của Chính phủ từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường và điều hành giá xăng theo cơ chế thị trường lại không đạt được kết quả như mong muốn. Đó là chưa thấy sự cạnh tranh rõ nét của các đơn vị kinh doanh. Minh tìm hiểu giá cả từng đơn vị, tìm hiểu thị trường, thói quen tiêu dùng của người dân để biết được nguyên nhân.

Kết quả học tập, những nghiên cứu khoa học được bắt đầu từ sớm là hành trang rất quan trọng đưa Minh tới học bổng của 6 trường ĐH danh tiếng của nước Mỹ.

Hè năm nay, có 61 suất thực tập ở nhiều đơn vị khác nhau: ở CNN, Google, làm việc cho các thượng nghị sĩ...

Tình cờ, Minh thấy một chương trình hợp tác của Trường quản lý Nhà nước Kenedy (Harvard Kenedy Schoool) và ĐH Kinh tế TP.HCM (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) nên em đăng ký về VN thực tập luôn. Sau hai tháng thực tập, Minh sẽ viết báo cáo hè cho trường.

Ba điều ĐH Harvard hơn hẳn các trường ĐH khác của Mỹ

Trước đây, chỉ nghe nói về trường ĐH hàng đầu nước Mỹ này, bây giờ, Minh đã tận mắt chứng kiến và thấy mình rất thích hợp khi học tại môi trường này.

Minh thích kiến thức về khoa học chính trị, lịch sử nói chung, quan hệ quốc tế (vừa có lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội học) và Harvard tạo điều kiện cho Minh cũng như nhiều sinh viên khác, được thỏa sức học hỏi và theo đuổi đam mê cùa mình. Minh đang dự kiến học chuyên sâu vào mảng quan hệ quốc tế của ngành khoa học quản lý nhà nước.

Sự khác biệt của Harvard với các trường khác trước hết là có nền giáo dục liberal art education (giáo dục tổng quát). Nó không tập trung vào việc có được một việc làm sau đấy. Nó không có những ngành như kinh doanh, kỹ sư...dạy ở bậc đại học, mà dạy về khoa học và kiến thức: kinh tế, tâm lý học. SV học không phải để có nghề mà để có kiến thức. Triết lý giáo dục của Harvard luôn khuyến khích người học tìm kiếm và tìm hiểu kiến thức. Tài nguyên nghiên cứu, hệ thống thư viện lớn nhất các trường ĐH Mỹ, chỉ đứng sau thư viện quốc hội Mỹ.

Thứ hai là tài chính nhiều. "Tới khi nghiên cứu, em mới hiểu được vấn đề tài chính thực sự rất quan trọng. Có nhiều dự án cần phải có tiền mới thực hiện được. Tại Harvard, em được tiếp cận tới nhiều nguồn tài chính để thực hiện các đề tài", Minh tâm sự.

Thứ ba là vấn đề con người. Harvard là trường ĐH nghiên cứu lâu đời, vì những lý do trên thu hút được nhiều học giả nổi tiếng. Đặc biệt trong trường có Trường quản lý Nhà nước Harvard Kennedy School, tập trung những học giả và lãnh đạo hàng đầu. Việc tiếp xúc trực tiếp với những người này cho SV rất nhiều điều bổ ích.

"Ví dụ em có thể được ngồi lớp hay nói chuyện với những cha đẻ của những lý thuyết, chẳng hạn như Joseph Nye, tác giả lý thuyết "sức mạnh mềm" hoặc Stephen Walt, thầy giáo trực tiếp của em, là những người đã từng làm việc với VietNamNet. Em cũng có lần gặp bác Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng biên tập VietNamNet khi bác làm nghiên cứu ở trường Harvard Kennedy School", Minh chia sẻ.

"Khi gặp những người như vậy sẽ có nhiều kiến thức bổ ích, thực tế, sâu rộng, đây là những điều mà em không nghĩ là bất kỳ một trường ĐH nào khác của Mỹ cũng có được."

Vẫn có thời gian đi làm thêm

Cách đào tạo ở Harvard nói riêng và các ĐH Mỹ nói chung là sinh viên được tự chọn môn học. Mỗi kỳ, sinh viên có thể học 3 đến 5 lớp. Nhà trường có đưa một danh sách, nếu muốn tốt nghiệp với một cái bằng loại này thì phải học những môn do trường quy định.

Chẳng hạn, năm đầu tiên Minh đăng ký học tiếng Pháp vì đã từng học ngoại ngữ này ở phổ thông, học lớp đại cương về tâm lý học, lý thuyết kinh tế vĩ mô, toán, triết học, luyện cách viết, thống kê, quan hệ quốc tế.

Harvard có các kỳ thi vào cuối năm. Sinh viên khi đăng ký các lớp học kiểu như trên có thể đến hoặc không đến học, và cuối năm khi có lịch thi thì đến thi, nếu không thi coi như trượt môn đó.

Mỗi giáo sư tự quyết định hình thức thi vấn đáp, thi viết hay trắc nghiệm. Có những môn không phải thi mà chỉ cần viết bài luận. Có những bạn vẫn trượt và thi lại vào kỳ thi năm sau.

Nghiên cứu khoa học diễn ra thường xuyên trong năm. Việc học chỉ là một phần công việc. Ai cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm tối thiểu 10 tiếng một tuần, làm ở xưởng máy tính, tham gia câu lạc bộ viết báo...tốn rất nhiều thời gian, vì thế, Minh tranh thủ làm nghiên cứu luôn khi tham gia các hoạt động đó.

Trả lời câu hỏi, Minh có dự định về VN làm việc trong tương lai, Minh đáp: qua thời gian thực tập, em thấy người nghiên cứu chưa được đãi ngộ xứng đáng. Bởi vậy, em sẽ về khi thấy VN thực sự coi trọng nghiên cứu khoa học.

Năm 2010, Trịnh Đức Minh nhận được học bổng toàn phần từ 6 trường ĐH Mỹ: Harvard College, Colgate University, University of Chicago, University of Richmond, Connecticut College và Drexel University.

Năm lớp 10, Minh học Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, sau đó nhận học bổng toàn phần tại Trường St. Joseph's Institution International ở Singapore và tốt nghiệp xuất sắc với số điểm 43/45.

Bài luận góp phần đưa Minh bước vào cánh cửa Harvard viết về xe máy và vai trò của nó đối với con người Việt Nam.

Ý tưởng của bài luận bắt đầu từ một ngày Minh bị kẹt trong một đám tắc đường vào giờ tan tầm và thấy rằng xe máy đã rất hữu ích trong việc giúp em nhanh chóng thoát ra được khỏi đám tắc đường đó.

Theo sự hiểu biết của Minh, có khoảng 10 sinh viên Việt Nam đã và đang học ĐH ở Harvard (không tính sau đại học). Gần đây nhất, "dân Ams" thứ hai sau Tôn Hà Anh là Ngụy Hồng Hạnh Nga được học bổng của Harvard.

Theo Hương Giang
VietNamNet

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG